“Thả nổi” nhập khẩu xe: Khách hàng thiệt, Nhà nước thất thu thuế

Các nhà nhập khẩu xe chính hãng tỏ ra lo ngại khi Thông tư 20 hết hiệu lực từ ngày 1/7 tới sẽ dẫn đến việc “thả nổi” xe nhập, thất thu thuế, khó đảm bảo chất lượng dịch vụ khách hàng.
“Thả nổi” nhập khẩu xe: Khách hàng thiệt, Nhà nước thất thu thuế ảnh 1Việc “thả nổi” nhập khẩu xe không chính hãng sẽ làm khách hàng thiệt, Nhà nước thất thu thuế. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Liên quan đến việc Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công thương sẽ hết hiệu lực từ ngày 1/7 tới, đại diện Hiệp hội các các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng (VIVA), nhà sản xuất lắp ráp ôtô tại Việt Nam (VAMA) bày tỏ lo ngại, tác động tiêu cực tới khách hàng về chất lượng xe và dịch vụ khách hàng đồng thời sẽ xuất hiện rất nhiều nhà nhập khẩu không chính hãng thường hoạt động trốn thuế bằng việc “khai man” giá mua bán xe thấp, ảnh hưởng đến nguồn thu thuế của Chính phủ.

Lo ngại xe nhập khẩu “thả nổi”

Khẳng định kinh doanh xe ôtô yêu cầu phải có dịch vụ chuyên nghiệp và duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng, ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch VAMA cho rằng, thông thường việc kinh doanh xe ôtô cần phải được ủy quyền bởi nhà sản xuất để nhận được sự hồ trợ kỹ thuật cần thiết cũng như đào tạo con người và cung cấp linh kiện chính hiệu phục vụ cho dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ, cũng như việc triệu hồi xe để đảm bảo xe luôn ở chất lượng tốt nhất trong suốt vòng đời.

“Khi Thông tư 20 hết hiệu lực và không được thay thế, ai sẽ đảm bảo chất lượng xe và dịch vụ khách hàng? Các chiến dịch triệu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ nếu những nhà nhập khẩu không chính hãng sẽ dừng hoạt động kinh doanh sau đó vì những lý do nào đó,” ông Maruta đặt ra câu hỏi sự nghi ngờ.

Là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe lớn nhất cả nước, theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO), trước khi Thông tư số 20 được ban hành (vào năm 2011) tất cả các doanh nghiệp có quy mô lớn nhỏ đều tự do nhập khẩu xe, do vậy nhiều doanh nghiệp đã sang các nước ngoài mua xe từ các cửa hàng mà không rõ xuất xứ, loại xe dùng cho thị trường nào, đạt tiêu chuẩn gì?

“Tại thời điểm 2007-2011, ở Việt Nam tràn ngập các bãi xe và các cửa hàng ôtô lớn, nhỏ, đỉnh điểm là hơn 100.000 xe được nhập khẩu vào năm 2009 gây nên nhập siêu lớn. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp không quan tâm đầu tư xưởng dịch vụ bảo hành, sữa chữa, các phụ tùng thay thế thiếu thốn, gây lãng phí trong việc sử dụng xe rất lớn,” ông Dương phân tích sâu.

Sau khi Thông tư số 20 được ban hành, vị Chủ tịch của THACO nhìn nhận, việc nhập khẩu ôtô từ chính hãng, có tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện sử dụng tại Việt Nam khi các nhà nhập khẩu bắt buộc phải đầu tư xưởng dịch vụ, sửa chữa, công tác dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Khẳng định trong trường hợp Thông tư 20 không được đưa vào Nghị định để duy trì và phải được bãi bỏ ngay từ ngày 1/7 mà không có các hàng rào kỹ thuật khác để thay thế thì tình hình sản xuất kinh doanh ôtô trong thời gian ngắn sẽ trở lại như giai đoạn trước 2011, ông Dương đưa ra hàng loạt các cảnh báo như khó kiểm soát chất lượng xe nhập khẩu, khó bảo hành, sữa chữa khi sử dụng; các doanh nghiệp sẽ tham gia nhập khẩu ồ ạt dẫn đến tồn kho, nhập siêu và có thể phải bán lỗ do không kiểm soát được cung cầu; các doanh nghiệp nhỏ nhập khẩu không chính ngạch khai man giá trị hợp đồng để đóng thuế thấp…

Đồng tình quan điểm, ông Đoàn Trung, Giám đốc Điều hành Rolls-Royce Motor Cars Hanoi cho rằng, nếu bãi bỏ Thông tư 20 không chỉ gây thiệt hại cho các nhà nhập khẩu chính thức mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

“Các nhà nhập khẩu không chính thức sẽ không phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với chiếc xe bán ra; tất cả xe ôtô do Rolls-Royce nhập khẩu đều được khai báo thuế một cách đầy đủ, chính xác với số thuế phải nộp cho mỗi xe ít nhất từ 10 tỷ đồng, có xe nộp tới 30 tỷ đồng tiền thuế."

"Tuy nhiên, không ít nhà nhập khẩu không chính thức đã lợi dụng khe hở của pháp luật để khai giá trị xe ôtô thấp hơn nhiều so với giá trị thật để giảm số tiền thuế phải nộp; thậm chí nhập khẩu xe mới dưới dạng xe đã qua sử dụng bằng cách tua công tơ mét lên quá 10.000km và thuê người đăng ký tại nước ngoài quá 6 tháng để được công nhận là xe ôtô cũ; hay nhập khẩu xe dưới dạng quà tặng để được miễn thuế,” ông Trung đưa ra dẫn chứng.

Cần có “hàng rào” trong Nghị định

Đánh giá việc ban hành Thông tư 20 của Bộ Công Thương đã thực hiện rất tốt vai trò chính yếu nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như đảm bảo an toàn giao thông đường bộ đồng thời góp phần không nhỏ vào việc xây dựng một thị trường tiêu dùng lành mạnh, đại diện VIVA bày tỏ ý kiến về việc nâng Thông tư 20 lên thành Nghị định.

Lý giải điều này, đại diện VIVA cho rằng, các chế độ bảo hành, bảo dưỡng được thực hiện và đảm bảo bời các đại lý được ủy quyền bởi chính hãng sản xuất; linh kiện phụ tùng thay thế là sản phẩm có nguồn gốc chính hãng, đảm bảo chất lượng; trang thiết bị, cơ sở vật chất chính hãng đều phải đảm bảo tiêu chuẩn toàn cầu…

Đặc biệt, trong các trường hợp triệu hồi xe chỉ có các đơn vị nhập khẩu/phân phối được ủy quyền chính hãng mới có trách nhiệm thực hiện thu hồi sản phẩm và phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan cho khách hàng với chính hãng sản xuất.

“Các nhà phân phối ôtô nhập khẩu không chính thức không thể đảm bảo việc thu hồi sản phẩm lỗi cho những người sử dụng ôtô hay yêu cầu chính hãng sản xuất xử lý các vấn đề liên quan cho khách hàng,” đại diện VIVA nhấn mạnh.

“Thả nổi” nhập khẩu xe: Khách hàng thiệt, Nhà nước thất thu thuế ảnh 2Các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng phải đảm bảo đầy đủ các quy định bắt buộc và cần phải được ủy quyền bởi nhà sản xuất. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Bên cạnh đó, Thông tư 20 ban hành đã tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, hạn chế thị trường nhập khẩu ôtô không chính thức, tạo điều kiện thu hút thêm các nhà đầu tư lâu dài tại Việt Nam cũng như bảo hộ người sản xuất ôtô trong nước.

Ngoài ra, phía VIVA cũng khẳng định, thông qua việc thực hiện Thông tư 20, Chính phủ có thể thu được nguồn thuế lớn hơn từ các nhà nhập khấu ôtô chính hãng, thay vì thất thu thuế vào thị truờng ôtô nhập khẩu không chính thức.

“Điều này thể hiện rõ thông qua việc các nhà nhập khẩu chính hãng là các đơn vị thường xuyên nhận được các giải thưởng vinh danh là doanh nghiệp đã nộp thuế cao vào ngân sách Nhà nước hàng năm. Ngược lại, đối với các nhà nhập khẩu không chính hãng như trường họp hơn 60% trong tổng số ôtô đã qua sử dụng được nhập khẩu trong năm 2015 là 1.170 xe Kia Morning; trung bình mức thuế CIF (giá nhập khẩu đến cảng) được kê khai giá trị của xe Kia Morning là 3.700 USD (theo báo cáo VAMA vào tháng 05/2016),” đại diện VIVA đưa ra con số so sánh và phân tích.

Song song đó, VIVA cũng đề nghị Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp công khai lấy ý kiến từ các nhà nhập khẩu ôtô được ủy quyền chính hãng và các nhà lắp ráp ôtô trong nước trước khi thực hiện điều chỉnh hoặc bãi bỏ Thông tư 20.

Với những lý do này, VAMA và VIVA đề nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn cấp ban hành Nghị định Chính phủ thay thế cho Thông tư 20 áp dụng từ ngày 1/7/2016 để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường và ngành công nghiệp ôtô cũng như đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

Trong trường hợp chưa có các giải pháp trên, Chủ tịch THACO kiến nghị Nhà nước nên duy trì Thông tư 20 thêm một thời ngắn nhất định đồng thời Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các Bộ Giao thông Vận tải, Tài chính và các Bộ, ngành liên quan để đánh giá, xem xét việc quản lý, kiếm soát… để thị trường ôtô phát triển lành mạnh qua đó phát triển ngành công nghiệp ôtô theo như chiến lược đã đề ra./.

Thông tư 20 yêu cầu thương nhân nhập khẩu ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó.

Thương nhân cũng phải có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục