Thạc sỹ trượt công chức: Không phải cứ tốt nghiệp nước ngoài là giỏi

Trả lời về việc 30 thạc sỹ, thủ khoa trượt xét tuyển công chức của thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Tuấn Anh cho hay Hà Nội làm đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo công bằng, khách quan.

Ngày 7/5, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Tuấn Anh đã trả lời phóng viên về ý kiến của Bộ Nội vụ xung quanh việc 30 thạc sỹ, thủ khoa xuất sắc trượt xét tuyển công chức của thành phố Hà Nội và việc tỉnh Khánh Hòa lại hạ “chuẩn” miễn thi tuyển cán bộ công chức, không tuân theo Nghị định 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết không nên phân biệt cứ tốt nghiệp nước ngoài về là giỏi, tốt nghiệp trong nước là không giỏi, giống như kiểu phân biệt các loại hình đào tạo chính quy và không chính quy, bằng tại chức và chính quy là không đúng.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh cần có sự nhìn nhận công bằng về việc xét tuyển công chức của thành phố Hà Nội, những người trượt xét tuyển - theo khẳng định của Hội đồng xét tuyển công chức thành phố Hà Nội - là họ chưa đủ điều kiện.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết Luật Cán bộ công chức quy định tuyển dụng công chức phải qua kỳ thi nhưng cũng có điều khoản quy định điều kiện xét tuyển, không qua thi để thu hút người có trình độ, năng lực vào các cơ quan nhà nước.

Việc thành phố Hà Nội vừa qua tổ chức xét tuyển công chức không qua thi đối với các trường hợp thủ khoa, tốt nghiệp xuất sắc nước ngoài là đúng quy định. Hà Nội đã làm đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo công bằng, khách quan.

Những người được xét tuyển phải đáp ứng ngay công việc nên phải phù hợp với công việc ấy, trước hết là lĩnh vực được đào tạo phải phù hợp với yêu cầu công việc, gắn liền với vị trí công tác mới phát huy được trình độ của họ. Những trường hợp Hội đồng sát hạch của Hà Nội thấy rằng không phù hợp nên chưa tuyển dụng.

Dù tốt nghiệp thủ khoa nhưng không phù hợp với vị trí công tác mà tuyển dụng, đấy chính là lãng phí nguồn nhân lực trong xã hội. Không phải chỉ có một con đường làm công chức, tất cả mọi người đều có cơ hội như nhau để đăng ký tham gia hoạt động trên các lĩnh vực, không làm công chức, họ có thể làm những ngành khác đều có thể giúp cho xã hội.

Xét tuyển đặc cách để thu hút người có trình độ đào tạo cao, chuyên môn giỏi nhưng phải phù hợp với trình độ đào tạo, phù hợp với công việc, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về việc hạ “chuẩn” xét tuyển công chức của tỉnh Khánh Hòa, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định tất cả các cơ quan nhà nước phải tuân thủ pháp luật. Nếu có điểm nào không phù hợp với thực tiễn, cần điều chỉnh chính sách pháp luật.

Ông Trần Anh Tuấn cũng khẳng định quan điểm ủng hộ cái mới, miễn sao cái mới đó giúp được cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, muốn đổi mới, phải có văn bản đề nghị và được cấp có thẩm quyền đồng ý cho thí điểm, không được tự ý làm khác quy định của pháp luật.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về việc đổi mới công tác thi tuyển công chức, viên chức, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết Bộ Nội vụ đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thi tuyển để đảm bảo khách quan, công bằng, không bị tác động từ bên ngoài. Máy tính sẽ tự ra đề thi và chấm điểm.

Sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ có văn bản gửi các Bộ, ngành, 5 thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức thi tuyển công chức trên máy tính, thông qua công nghệ thông tin để thực hiện tối đa nguyên tắc khách quan công bằng, đồng thời tạo tâm lý thoải mái cho người dự thi. Các địa phương khác triển khai, Bộ Nội vụ sẵn sàng hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đang nghiên cứu gắn thẩm quyền tuyển dụng và sử dụng cán bộ, không chỉ thực hiện phân cấp ở cấp Trung ương và địa phương mà phân cấp đến nơi được giao thẩm quyền sử dụng công chức, không để tình trạng một cơ quan tuyển, một cơ quan sử dụng.

Sắp tới, có thể hình thành các trung tâm đánh giá những người có nguyện vọng trở thành công chức, qua đánh giá nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ đạt điều kiện dự tuyển vào các cơ quan.

Cùng với việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để đảm bảo răn đe, ngăn ngừa sai phạm xảy ra trong công tác tuyển dụng công chức, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ, các Vụ cũng trả lời nhiều câu hỏi đang được dư luận quan tâm như thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu gọn các ban chỉ đạo tại địa phương, sát nhập cơ quan đảng và chính quyền để tinh giản bộ máy.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định việc Đà Nẵng thu gọn các ban chỉ đạo là để bớt đầu mối, bớt họp hành không cần thiết. Việc tỉnh Quảng Ninh tiến hành thí điểm sát nhập cơ quan đảng và chính quyền là cách làm mới, thu gọn bộ máy nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả của cả cơ quan Đảng và Nhà nước. B

Bộ Nội vụ rất ủng hộ chủ trương này, đây chính là giải pháp để tinh giản biên chế, tuy nhiên cũng cần phải có nghiên cứu để đảm bảo quản lý nhà nước và phải được các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Bộ Nội vụ đang cùng tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu để làm tốt hơn./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục