Thách thức cho chăn nuôi của Việt Nam khi tham gia TPP

Việc tham gia vào TPP kỳ vọng có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng cũng tạo ra thách thức không nhỏ đối với ngành chăn nuôi khi phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm ngoài nước.

Việt Nam đang trên đường đàm phán ký kết Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và có thể hoàn tất vào năm 2014.

Việc tham gia vào TPP kỳ vọng có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, cũng như cơ hội cho ngành nông nghiệp nhưng “lại” là thách thức đối với ngành chăn nuôi.

Về vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi.

PV: Khi Việt Nam chính thức ký kết hiệp định TPP thì ngành chăn nuôi sẽ gặp những khó khăn gì? Và liệu vấn đề thịt ngoại lấn át thịt nội có càng trở nên nghiêm trọng hơn không thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Dương: TPP là hiệp định lớn và cũng là câu chuyện dài khi nhiều ý kiến cho rằng TPP có rất nhiều lợi chung cho nông sản Việt Nam nhưng theo tôi ngành chăn nuôi lại bất lợi bởi không gian chăn nuôi của Việt Nam chỉ thuộc nhóm trung bình trong khi các nước khu vực châu Âu, khu vực Bắc Mỹ, khu vực châu Đại Dương… có không gian rộng lớn, lợi thế chăn nuôi cao và tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp cũng chiếm tới 70-80%, trong khi trồng trọt chiếm tỷ trọng nhỏ.

Điều này chứng tỏ khi TPP mở cửa thì những sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt.

Bên cạnh đó, các sản phẩm chăn nuôi của thế giới sản xuất ra đều theo quy trình sản xuất công nghiệp - lợi thế hơn hẳn trong cạnh tranh với Việt Nam. Đồng thời, việc sản xuất công nghiệp như gà công nghiệp, trứng công nghiệp… được đầu tư từ mấy chục năm trước so với Việt Nam cũng là lợi thế trong kinh doanh.

Vì vậy, để giải quyết “thách thức”, Việt Nam cần rà soát, lựa chọn những sản phẩm thế mạnh, hạn chế sự gia tăng những sản phẩm không thế mạnh.

Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế điều kiện tự nhiên trong canh tác lúa gạo nên cần tập trung nuôi những con vật sử dụng lúa gạo như vịt, gà vườn… Đặc biệt, thế mạnh của Việt Nam là toàn bộ các vùng duyên hải Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long… có điều kiện để phát triển vịt siêu thịt, vịt siêu trứng.

Bên cạnh đó, với dân số 70-80% là vùng nông thôn, có thói quen tiêu dùng là làm thịt đến đâu ăn đến đấy, cùng lắm chỉ để tủ lạnh vài ba ngày là ăn chứ không sử dụng sản phẩm đông lạnh nên Việt Nam cần tập trung vào các sản phẩm lợi thế.

Tuy nhiên, việc mở cửa TPP sẽ bãi bỏ hệ thống thuế quan, chỉ còn hàng rào kỹ thuật thì các sản phẩm chăn nuôi có lợi thế của nước ngoài như thịt bò, sữa, sản phẩm chăn nuôi công nghiệp… sẽ tràn vào Việt Nam nên người chăn nuôi chỉ tập trung vào các sản phẩm lợi thế còn các doanh nghiệp Việt Nam cần có các bước chuẩn bị để nâng cao giá trị các sản phẩm chăn nuôi từ những vật liệu sẵn có của Việt Nam từ gà, lợn, vịt hay những sản phẩm từ nhiều loại thực phẩm khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn.

Hiện nay, khi Việt Nam chưa ký kết TPP nhưng vấn đề thịt ngoại điển hình là thịt bò đang tràn ngập thị trường do nhu cầu tiêu dùng cao trong khi sản xuất trong nước chưa đáp ứng được.

Thực tế, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển bò thịt, mỗi hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vài ba con, cộng lại cả nước cũng có tới 7-8 triệu con bò thịt nhưng hiện chúng ta chỉ còn hơn 5 triệu con do cầu tiêu dùng quá lớn, ngành chăn nuôi bò thịt không đáp ứng kịp. Đây cũng là “bài toán” cần lời giải trong phát triển chăn nuôi.

PV: Theo ông, các doanh nghiệp chăn nuôi của Việt Nam nên có những biện pháp gì để hạn chế những bất lợi mà hiệp định TPP mang lại cũng như nâng cao được giá trị sản phẩm chăn nuôi trong nước và nhà nước có những chính sách gì để bảo vệ cho các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước khi nhiều quốc gia vẫn cương quyết bảo hộ nền nông nghiệp trong nước?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Theo tôi cần giải pháp tổng thể cho ngành chăn nuôi trong nước cũng như giải pháp về chính sách, giải pháp về quản lý để tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển con vật nuôi có lợi thế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trên cơ sở đó, ngành chăn nuôi cũng đang tập trung tái cơ cấu ngành.

Theo đó, ngành tái cơ cấu lại loại vật nuôi có lợi thế với Việt Nam, hợp với điều kiện tự nhiên của Việt Nam phù hợp với nền nông nghiệp nhiệt đới, xuất phát từ lúa gạo.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát triển những loại cây có sinh khối tăng rất nhanh, cây trồng thu hoạch xanh… để ủ, chế biến thức ăn cho chăn nuôi.

Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách, định hướng phát triển những con vật có ưu thế cũng như áp dụng khoa học công nghệ về giống chăn nuôi, giống vật nuôi… Đồng thời, khuyến cáo cho người chăn nuôi các chương trình khuyến nông, chương trình khoa học công nghệ để đẩy mạnh lợi thế của Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp thì cũng phải biết lựa chọn thế mạnh, triển khai thực hiện theo chuỗi khép kín từ A đến Z, rút kinh nghiệm từ các tập đoàn lớn trên thế giới để phát triển.

Ngoài ra, do mô hình doanh nghiệp chúng ra nhỏ hơn, yếu hơn thì cần liên kết lại như doanh nghiệp giỏi về giống thì làm giống, doanh nghiệp giỏi về thức ăn thì làm thức ăn, doanh nghiệp giỏi chế biến giết mổ thì giết mổ…

Các doanh nghiệp nhỏ lẻ này sẽ hợp tác lại với nhau trở thành chuỗi doanh nghiệp mạnh mới có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài trong xu thế hội nhập TPP.

Khi Việt Nam gia nhập TPP, ngành chăn nuôi là ngành “nguy cấp” và đầy thách thức. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp không thể sử dụng hàng rào thuế quan nữa, Việt Nam cần đưa ra hàng rào kỹ thuật để phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới cũng như phát huy lợi thế về thói quen tiêu dùng của người Việt trong sử dụng thịt tươi sống.

PV: Xin cảm ơn ông.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục