Thách thức chưa từng thấy đối với Tổng thống Venezuela

Mỹ và phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép lên Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khi đưa ra “tối hậu thư” cho Caracas phải tổ chức bầu cử trong vòng 8 ngày.
Thách thức chưa từng thấy đối với Tổng thống Venezuela ảnh 1Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (giữa) trong cuộc míttinh ủng hộ Chính phủ của ông tại Caracas. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo các hãng tin AFP, Reuters và AP, Mỹ và phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép lên Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khi đưa ra “tối hậu thư” cho Caracas phải tổ chức bầu cử trong vòng 8 ngày, nếu không các nước này sẽ công nhận Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido với tư cách là nhà lãnh đạo hợp pháp của quốc gia Nam Mỹ này. Tuy nhiên, Maduro đã kịch liệt phản đối.

“Họ phải rút lại tối hậu thư này. Không ai có thể trao tối hậu thư cho chúng tôi,” ông Maduro tuyên bố trên kênh truyền hình CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Hãng tin Reuters bình luận Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang đối mặt với thách thức chưa từng có tiền lệ đối với quyền lực của mình.

“Đáp trả đáng kể”

Mỹ cảnh báo sẽ có “sự đáp trả đáng kể” nếu các nhà ngoại giao Mỹ, ông Guaido hoặc Quốc hội do phe đối lập kiểm soát là mục tiêu của hành động bạo lực và uy hiếp.

Trên một dòng trạng thái Twitter hôm 27/1, Cố ấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton viết: “Bất kỳ hành động bạo lực và uy hiếp nào nhằm vào nhân viên ngoại giao Mỹ, thủ lĩnh dân chủ Juan Guaido hoặc Quốc hội nước này sẽ thể hiện một cuộc tấn công lớn nhằm vào quy tắc pháp trị và sẽ phải đối mặt với sự đáp trả lớn.”

Cảnh báo này không nhằm vào bất kỳ nhóm hoặc cá nhân cụ thể nào song ông Bolton đã liên kết bình luận này với một dòng bình luận khác rằng “sự hậu thuẫn và kiểm soát của Cuba đối với các lực lượng bán quân sự và an ninh của Venezuela” là rõ ràng.

Cho đến nay, ông Maduro nhận được sự ủng hộ của Nga, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc cũng như đồng minh truyền thống là Cuba và Bolivia. “Mọi chuyện đang xảy ra hiện nay liên quan đến Mỹ. Họ đang tấn công chúng tôi và họ nghĩ rằng Venezuela là sân sau của họ,” ông Maduro nói đồng thời thừa nhận ông “để ngỏ cánh cửa đối thoại.”

Lôi kéo quân đội

Theo hãng tin AP, cuộc cạnh tranh giành quyền kiểm soát Venezuela ngày 27/1 đã hướng tâm điểm về vai trò của lực lượng quân đội nước này.

Trong một động thái nhằm thu hút sự ủng hộ của quân đội, Maduro có chuyến thị sát một cuộc tập trận ở bang Carabobo và kêu gọi binh sĩ “đoàn kết, kỷ luật và thống nhất” để đánh bại điều mà ông gọi là một “cuộc đảo chính bất thành.”

Cuộc diễn tập này phô diễn khí tài quân sự của Nga như hỏa lực phòng không. Ông Maduro tuyên bố cuộc diễn tập này chứng minh cho thế giới thấy rằng ông có sự ủng hộ của quân đội và rằng các lực lượng vũ trang Venezuela sẵn sàng bảo vệ đất nước.

Ông Maduro cũng cáo buộc Guaido đang tham gia vào một âm mưu đảo chính do các cố vấn chính sách theo đường lối cứng rắn của Trump điều hành, trong đó có các cựu binh thời Chiến tranh Lạnh là Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Elliott Abrams, người được chỉ định là đại diện đặc biệt của Mỹ đối với Venezuela.

Lâu nay, lực lượng quân đội vẫn ủng hộ chính phủ cánh tả của ông Maduro, vốn nắm quyền điều hành đất nước trong hơn 20 năm qua sau thời kỳ của cố Tổng thống Hugo Chavez, song đã có những dấu hiệu của bất ổn.

Trong khi đó, lực lượng ủng hộ ông Juan Guaido đi phát cho binh sỹ những tờ thông tin về luật ân xá để bảo vệ họ nếu lật đổ Tổng thống Maduro.

Ông Guaido đã vận động quân đội Venezuela với những hứa hẹn về ân xá và tiến hành các cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm đào sâu thêm sự phản đối của người dân đối với Maduro.

Hôm 27/1, ông Guaido đã tham gia một cuộc tụ tập nhằm “xướng tên” các tù nhân chính trị và thủ lĩnh đối lập sống lưu vong cũng như những người thiệt mạng và bị bắt giữ trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh tuần trước. Tùy viên quân sự của Venezuela ở Washington, Đại tá Jose Luis Silva đã quay sang ủng hộ Guaido đồng thời kêu gọi binh sỹ của mình làm theo ông.

AP bình luận việc cả Maduro và Guaido cùng ra sức lôi kéo quân đội về phía mình đã đặt vai trò trung tâm của quân đội trong một cuộc tranh cãi toàn cầu về việc ai nắm quyền lực hợp pháp để điều hành quốc gia Nam Mỹ này.

Tình thế đối đầu này đã đẩy Venezuela vốn đang gặp khó khăn sang một chương mới của khủng hoảng chính trị vốn lâu nay chứng kiến nhiều người thiệt mạng sau các cuộc biểu tình đòi ông Maduro từ chức.

Còn từ Washington, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Macro Rubio, được xem là kiến trúc sư chính của chính sách Mỹ về Venezuela, hạ thấp khả năng can thiệp quân sự cho dù Tổng thống Mỹ Trump đã đưa ra những cảnh báo trước đó rằng “mọi lựa chọn đang được thảo luận.”

Mỹ và bộ đôi Nga-Trung

Tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 26/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã miêu tả Maduro là một phần của một “nhà nước mafia bất hợp pháp” chịu trách nhiệm trước sự suy sụp kinh tế của Venezuela.

Ông Pompeo kêu gọi các nước chấm dứt các giao dịch tài chính với chính quyền Maduro. Trong khi đó, cả Nga và Trung Quốc đều ủng hộ Maduro và phản đối Mỹ, Canada, các nước Mỹ Latinh và châu Âu yêu cầu Venezuela tổ chức bầu cử sớm.

Moskva đã chỉ trích Mỹ có mưu đồ “dàn dựng một cuộc đảo chính” và ngày 27/1 đã bác bỏ thông tin cho rằng 400 thành viên của một nhóm quân đội tư nhân làm nhiệm vụ mật cho Nga đã đến Venezuela để tăng cường an ninh cho ông Maduro.

Cả Moskva và Bắc Kinh đều là những nước cho vay chính của Caracas. Mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa Nga và Venezuela được thể hiện rõ vào năm 2018 khi hai máy bay ném bom hạt nhân của Nga bí mật có mặt tại Venezuela.

Trước đó, ông Maduro ra thời hạn đến chiều ngày 26/1 các nhân viên ngoại giao Mỹ ở Venezuela phải rời khỏi nước này. Tuy nhiên, khi thời hạn này kết thúc, Maduro nói rằng ông đã thương lượng để thiết lập một Khu vực lợi ích Mỹ ở Caracas trong vòng 30 ngày để duy trì liên lạc ngoại giao ở cấp tối thiểu, tương tự như thỏa thuận mà Mỹ có với Cuba cho đến khi nối lại quan hệ hữu nghị vào năm 2015./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục