Thách thức của Ngoại trưởng Mỹ trong cuộc gặp với ông Kim Jong-un

Ngoại trưởng Mỹ sẽ tới Bình Nhưỡng vào ngày 6/7, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của ông tới quốc gia Đông Bắc Á này kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng trước ở Singapore.
Thách thức của Ngoại trưởng Mỹ trong cuộc gặp với ông Kim Jong-un ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

AP và CNN đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ tới Bình Nhưỡng vào ngày 6/7, đánh dấu chuyến thăm lần đầu tiên của ông tới quốc gia Đông Bắc Á này kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên hồi tháng trước ở Singapore.

Một trong những nhiệm vụ lớn nhất của ông Pompeo sẽ là xua tan hoài nghi gia tăng liên quan tới việc liệu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thực sự có ý định từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình hay không.

Đây cũng là chuyến thăm lần thứ ba tới Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Pompeo, nhân vật tiên phong của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề Triều Tiên.

Ông đã gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên trong cả hai chuyến thăm trước đây. Bỏ lại phía sau những cái bắt tay và đối thoại, hiện rủi ro ngày càng nhiều hơn kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên.

Một nguyên nhân lý giải cho mối quan ngại trên, đó là ông Kim Jong-un có thể không thực sự nghiêm túc về cam kết phi hạt nhân hóa.

[Mỹ không đề ra hạn chót cho việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên]

Truyền thông gần đây dẫn các báo cáo đánh giá của tình báo cho biết, Triều Tiên đang tiếp tục xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.

Đây không phải hành động vi phạm cam kết mà ông Kim Jong-un đưa ra ở Singapore, cũng không phải điều gì quá bất ngờ khi Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phát triển “di sản” của mình.

Tuy nhiên, rõ ràng Triều Tiên không thực hiện hành động cụ thể sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore.

Để đối phó với tình trạng “khó xử” này, Mỹ cần có trong tay danh sách chi tiết những gì bao gồm trong chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, các cơ sở mà nước này sở hữu cũng như địa điểm của chúng.

Sau đó, Washington cần thuyết phục Bình Nhưỡng nhất trí cho phép các hoạt động giám sát, từ đó xác minh thông tin và quan sát những gì đang diễn ra trên thực tế.

Một khi các nhiệm vụ này hoàn tất, mới nghĩ đến việc ấn định khung thời gian cho các biện pháp và thời hạn cụ thể của mục tiêu phi hạt nhân hóa.

Ngoài ra, việc rò rỉ báo cáo đánh giá của tình báo ngay trước thềm chuyến thăm của ông Pompeo lại nêu thêm một giả thuyết. Có thể báo cáo nhằm mục đích để Bình Nhưỡng biết rằng nước này vẫn đang bị theo dõi.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất hiện nay là điều gì ông Kim Jong-un sẵn sàng trao đi. Cho tới nay, không có nhiều. Thực tế, “ván bài” của nhà lãnh đạo Triều Tiên tung ra phức tạp hơn nhiều so với những gì ông tuyên bố với Tổng thống Trump.

Mặc dù ông Kim Jong-un chỉ tiến hành một cuộc gặp với Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên lại có tới 3 cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Điều này chứng tỏ Bắc Kinh có tiếng nói quan trọng trong chiến lược của Bình Nhưỡng với Washington, và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình con đường trong tương lai mà Triều Tiên lựa chọn theo đuổi.

Ông Bill Richardson, cựu đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, nhận định: “Tôi tin rằng ông Kim Jong-un đang cố gắng trì hoãn tiến trình phi hạt nhân hóa và thực hiện theo nhịp độ của riêng mình.”

Nhiều chuyên gia dự đoán, trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên trong tuần này, Ngoại trưởng Pompeo có thể đạt được một số bước đi có ý nghĩa hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa.

Tuy nhiên đối với ông Kim Jong-un, việc “vô hiệu hóa chính sách gây sức ép tối đa” của Tổng thống Trump mới là mục tiêu thực sự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục