Thách thức đối với cuộc đấu tranh quần chúng tại Colombia

Đề xuất cải cách các hệ thống y tế, giáo dục và lương hưu mà Chính phủ Colombia đưa ra, tất cả đều theo luận thuyết tự do mới và làm dấy lên sự phản đối rộng rãi từ các tầng lớp dân chúng
Thách thức đối với cuộc đấu tranh quần chúng tại Colombia ảnh 1Người biểu tình quá khích đụng độ với cảnh sát tại Cali, Colombia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo cổng thông tin El Turbión (Colombia), sau gần một tháng đình công và biểu tình liên tục với khoảng 50 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và mất tích, cuộc đấu tranh phản đối kế hoạch cải cách thuế tại Colombia đã mang lại thành quả.

Chính quyền Bogota đã phải rút lại dự thảo cải cách thuế vốn là ngòi nổ cho cuộc vận động quần chúng đường phố rầm rộ. Song động thái này có lẽ chỉ nhằm làm suy yếu sự phản kháng và rồi sau đó sẽ khởi động lại vào thời điểm và hình thức khác.

Tất nhiên, việc Chính phủ có đạt được nguyện vọng đó hay không là câu chuyện khác. Suy luận tương tự cũng có thể áp dụng cho đề xuất cải cách các hệ thống y tế, giáo dục và lương hưu mà Chính phủ đưa ra, tất cả đều theo luận thuyết tự do mới và làm dấy lên sự phản đối rộng rãi từ các tầng lớp dân chúng.

Cần xét tới thực tế rằng, để có bước tiến đáng kể, Colombia phải thay đổi triết lý phát triển theo mô hình tự do mới hiện tại. Một số người lạc quan có thể trông đợi Tổng thống Iván Duque Márquez sẽ áp dụng định hướng mới theo học thuyết Keynes như người đồng cấp Joe Biden tại Mỹ; nhưng nếu ông chủ Nhà Trắng vẫn được giới tài phiệt Mỹ cho rảnh tay hoạt động thì chỉ riêng những tuyên bố theo hơi hướng này đã kích động làn sóng phản đối từ tầng lớp đại tư sản ở Xứ sở càphê.

[LHQ kêu gọi điều tra về thương vong trong cuộc đụng độ ở Colombia]

Mỗi thay đổi theo hướng đi này sẽ vấp phải sức ép vô cùng lớn từ giới tư sản bản địa, những người đang hưởng rất nhiều lợi ích từ mô hình tự do mới hiện tại, chưa kể những vận động đối kháng từ giới tư bản quốc tế, đặc biệt là các trung tâm tài chính, những thể chế luôn quảng bá mô hình này và có những vũ khí thậm chí còn mạnh hơn giới tư sản trong nước.

Tổng thống Colombia cũng đang đứng trước một thách thức lớn khác: Chỉ còn vài tháng nữa là tới cuộc bầu cử lập pháp và đặc biệt là cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, do đó ông sẽ còn khá ít thời gian hành động.

Trên thực tế, khả năng lớn nhất là ông Duque sẽ cố trì hoãn và làm rối tiến trình đàm phán bằng những cuộc đối thoại bế tắc và kéo dài để làm suy yếu dần phong trào phản kháng đường phố và “bàn giao lại” chính quyền kế nhiệm sự bất mãn của quần chúng như một "quả bom hẹn giờ" mà chắc chắn không thể tháo ngòi nổ trong thời gian tới và sớm muộn cũng sẽ bùng nổ.

Tổng thống Duque còn phải đối diện sức ép từ những người từng đưa ông tới cương vị hiện tại và dường như không sẵn sàng cho những nhượng bộ dù là nhỏ nhất. Người nắm quyền thực sự hiện nay là cựu Tổng thống cực hữu Álvaro Uribe Vélez, người tới nay đã áp đặt thành công chiến lược “bàn tay sắt,” dùng quân đội và cảnh sát để xử lý các vấn đề xã hội phát sinh, thường là bằng cách đàn áp thẳng tay như vừa qua, cho dù lần này họ đã không dập tắt được biểu tình.

Ở chiều ngược lại, phong trào phản kháng lần này được một số tổ chức xã hội dẫn dắt, đặc biệt là Ủy ban Đình công quốc gia, và sau đó nhận được sự hậu thuẫn của bộ phận rộng rãi quần chúng nhân dân.

Tất cả đã phải kinh ngạc về cường độ và sức bền của phong trào, bất chấp những hành động đàn áp thẳng tay mà Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu cùng nhiều chính phủ và tổ chức nhân quyền cũng phải "lấy làm tiếc" và kêu gọi chính quyền Duque kiềm chế, tìm kiếm giải pháp qua đối thoại.

Nói cách khác, Chính quyền đương nhiệm cùng các lực lượng chính trị và xã hội bao quanh họ không có khả năng kiểm soát tình hình và phải trao toàn quyền xử lý khủng hoảng cho quân đội và cảnh sát, điều không hề mới ở Colombia và là nguồn cơn của những cuộc đảo chính quân sự trong lịch sử.

Giờ đây cần phải quan sát sau cuộc đối thoại vừa được khởi động sẽ có một tiến trình mới hay không. Tiến trình đó nên bắt đầu bằng việc rút các lực lượng quân đội khỏi đường phố, từ bỏ giọng điệu bôi nhọ hành vi phản kháng xã hội và kiềm chế những băng đảng tay chân của giới cực hữu, do cư dân của các khu dân cư giầu có và các phần từ tội phạm vũ trang hình thành và từng xả súng thẳng vào các nhóm biểu tình với sự đồng lõa của cảnh sát như tại Cali, Pereira và một vài thành phố khác.

Tương tự, cần phải kiểm chứng liệu một biện pháp với bản chất mới mẻ này có cho phép giảm thiểu những hành vi đơn lẻ mang tính bạo lực và phá hoại từ giới biểu tình, mà trong không ít trường hợp là do chính các nhân viên đặc tình của “các lực lượng an ninh” tiến hành theo một chiến thuật quen thuộc để tạo ra ấn tượng và hình ảnh sai trái và tội phạm của người biểu tình, tạo tiền đề biện minh cho các phản ứng đàn áp của giới chức năng sau đó.

Ở phía đối diện, phong trào phản kháng cũng có những thách thức phải vượt qua. Thách thức đầu tiên chắc chắn là việc duy trì được khối đoàn kết giữa các thành phần có rất nhiều khác biệt cùng tham gia đình công, điều hòa được những yêu cầu chính thức sao cho đồng điệu với tương quan lực lượng trong nội bộ và tìm ra được hình thức để biến những nội dung trên bàn đàm phán được triển khai trong thực tế.

Không thể bỏ qua những kinh nghiệm đáng buồn của nhiều lời cam kết không được thực thi với giới sinh viên, cộng đồng thổ dân, người da mầu và người lao động hưởng lương trong nhiều ngành kinh tế khác nhau, mà tấm gương tày liếp mới đây là sự vi phạm trắng trợn của Chính phủ trong thỏa thuận hòa bình với nhóm du kích đã giải giáp Lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), hiện đổi tên thành Lực lượng cách mạng thay thế chung) và thành viên của chính đảng mới này bị sát hại hàng ngày dưới tay của các “thế lực giấu mặt” mà ai cũng hiểu là có sự hậu thuẫn của chính quyền và mang thái độ hữu khuynh cực đoan rõ ràng.

Còn đối với loạt vụ sát hại một cách có hệ thống những thủ lĩnh của phong trào quần chúng và xã hội chống lại những chiến dịch chiếm đoạt tài nguyên và đầu cơ đất trồng của các tập đoàn đa quốc gia hay các “lãnh chúa” bản địa từ vài năm qua, chỉ cần áp dụng nguyên tắc cơ bản truyền thống là tự hỏi “ai được hưởng lợi nhất từ các vụ sát hại này?” cũng có thể hiểu được động cơ và bản chất của chúng.

Ủy ban Đình công quốc gia chắc chắn cũng bất ngờ trước phản ứng ủng hộ mạnh mẽ và rộng rãi từ quần chúng trên khắp cả nước đối với phong trào đình công phản kháng, với sự tham gia của hầu hết các tầng lớp kinh tế, xã hội, sắc tộc và tôn giáo, thậm chí còn lan tỏa rộng rãi cả trong cộng đồng kiều dân Colombia trên khắp thế giới.

Điều này đòi hỏi những người khởi xướng và dẫn dắt phải biết duy trì các kênh liên lạc cởi mở sao cho những điều đạt được trên bàn đàm phán sắp tới là thành quả của sự kết hợp hài hòa 2 đặc tính then chốt của tiến trình thay đổi: tính tổ chức và sự ngẫu hứng xuất phát từ thực tiễn.

Vẫn còn sớm để đoán biết những bước phát triển tiếp theo của tiến trình đầy cảm hứng này. Có thể qua cuộc đấu tranh mới này, các lực lượng tiến bộ tại Colombia có thể đảo ngược một số đề xuất cải cách tự do mới của Chính phủ, hoặc chí ít cũng dừng được những kế hoạch đang được triển khai theo hướng này.

Duy trì khối đoàn kết gồm rất nhiều thành phần - trong đó có cả tầng lớp trung lưu có sức nặng đáng kể - sẽ là yếu tố mang tính quyết định và cuộc đấu tranh hiện nay có thể hữu ích cho việc thành lập một mặt trận rộng rãi có thể giành chiến thắng có ý nghĩa trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới và quan trọng hơn là đánh bật thế lực cực hữu từng thống trị chính trường Colombia nhiều năm qua trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục