Thách thức khi EU can dự vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU là tin tốt cho ASEAN và phần còn lại của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, vì chiến lược này bổ sung một khía cạnh quy chuẩn mạnh mẽ cho hệ thống Ấn Độ-TBD.
Thách thức khi EU can dự vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: UM)

Chuyên gia quan hệ quốc tế Rahul Mishra, Giảng viên Cao cấp và Điều phối viên của Chương trình Nghiên cứu châu Âu tại Viện Á-Âu thuộc Đại học Malaya ở Kuala Lumpur, đã có bài viết nhận định rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tác động tích cực đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), giúp ASEAN cân bằng hơn trong cạnh tranh Mỹ-Trung.

Theo bài viết, một vài năm sau khi Mỹ sử dụng thuật ngữ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thuật ngữ này hiện đã được chấp nhận rộng rãi.

Các hành động gần đây của EU đã cho thấy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện là một cấu trúc khu vực không thể đảo ngược.

Thật vậy, việc EU thông qua thuật ngữ này đã thể hiện một bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy các giá trị làm nền tảng cho trật tự Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Hoạch định chính sách của EU

Sau hơn 4 năm im lặng về vấn đề này, EU gần đây đã đưa ra tuyên bố chính sách chính thức về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngày 19/4 vừa qua, Hội đồng Liên minh châu Âu - cơ quan chịu trách nhiệm phát triển chính sách an ninh và đối ngoại của EU dựa trên các hướng dẫn của Hội đồng châu Âu - đã thông qua một chiến lược nhằm thúc đẩy hợp tác đa ngành và có hệ thống ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hội đồng châu Âu cũng giao nhiệm vụ cho Đại diện cấp cao và Ủy ban châu Âu ban hành Thông báo chung về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào tháng Chín tới. Cũng cần lưu ý rằng ngoài ASEAN, EU là tổ chức khu vực duy nhất đã chính thức tán thành việc sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."

Giống như ASEAN, các quốc gia dẫn đầu thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU, bao gồm Đức, Pháp và Hà Lan, đã lần đầu tiên công bố chính sách ở cấp quốc gia. Các quốc gia này, đặc biệt là Đức và Pháp, không chỉ là các cường quốc hàng đầu có ảnh hưởng đáng kể đối với EU, mà còn có ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao đáng kể ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Về mặt địa lý, Pháp là một phần của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (vì một số lãnh thổ hải ngoại của Pháp nằm trong khu vực), nên bất kỳ thay đổi ngắn hạn hoặc dài hạn nào trong việc cân bằng chiến lược và kinh tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ có ý nghĩa trực tiếp đối với nước này.

Trong khi đó, Đức có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với cả ba nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Hiện Berlin đang đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Nhật Bản và Ấn Độ. Hợp tác đầu tư và kinh doanh của Đức cũng là một khía cạnh quan trọng đối với các nước Đông Nam Á như Malaysia và Singapore. Ngoài ra, Hà Lan cũng giữ được sự hiện diện kinh doanh đáng kể ở Đông Nam Á.

Ảnh hưởng của bộ ba Pháp-Đức-Hà Lan trong việc định hình cách tiếp cận của EU đối với Ấn Độ-Thái Bình Dương có thể được thấy trong việc EU áp dụng thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, mặc dù một số trong số 24 thành viên khác của khối vẫn mâu thuẫn hoặc không có lập trường về thuật ngữ này trong các tuyên bố chính sách đối ngoại của họ.

Bước tiếp cận thông minh

EU đã có những bước đi thông minh, được hoạch định một cách có hệ thống trước khi chính thức hướng sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Năm 2018, EU đã đưa ra chiến lược kết nối toàn diện hơn so với sáng kiến “Mạng lưới Điểm Xanh” do Mỹ đưa ra. Chiến lược của EU vượt ra ngoài vấn đề an ninh và kết nối, bao gồm các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, dân chủ và nhân quyền.

Theo nhiều cách, sáng kiến này là một phản ứng đối với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc và nhằm cung cấp một giải pháp thay thế dựa trên quy tắc khả thi cho BRI.

Quan hệ đối tác chiến lược EU-ASEAN, được ký kết vào tháng 12/2020, là một bước quan trọng khác trong việc xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU. Bổ sung cho chiến lược kết nối và quan hệ đối tác chiến lược là hai hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng được ký kết với Singapore và Việt Nam vào năm 2019.

[Vai trò thực sự của Anh ở châu Á-Thái Bình Dương sau Brexit]

Sau khi các cuộc đàm phán FTA giữa EU-ASEAN bị đình chỉ vào năm 2009, EU đã quyết định theo đuổi các thỏa thuận song phương với các thành viên ASEAN. Ngoài ra, các đối tác đối thoại lớn của ASEAN như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã có các thỏa thuận thương mại với EU.

Trong khi đó, quan hệ EU-Trung Quốc gần đây đã chứng kiến một số xu hướng tiêu cực, bao gồm các lệnh trừng phạt lẫn nhau, tranh cãi xung quanh công nghệ 5G và tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei. Những sự cố này cũng cảnh báo các thành viên EU về những sai sót trong trật tự quốc tế tự do mà Trung Quốc đã khai thác một cách có hệ thống.

Cách tiếp cận mạnh mẽ

Những nỗ lực trước đây của EU và Mỹ nhằm thay đổi Trung Quốc thông qua đối thoại và can dự dường như đã thất bại. EU lưu tâm điều này và dường như đang chuẩn bị cho một cách tiếp cận chủ động và trực tiếp hơn như đã được thể hiện trong chiến lược Trung Quốc được công bố gần đây của Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu.

Việc EU đình chỉ tiến trình phê chuẩn Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc, cùng với việc Brussels lên tiếng chỉ trích các hành vi của Trung Quốc liên quan đến các vấn đề ở Tân Cương và Hong Kong (Trung Quốc), đã thể hiện sắc thái hai mặt của EU trong cách tiếp cận với Trung Quốc. Trọng tâm vẫn là các quy tắc hơn là tác nhân, với việc EU nhấn mạnh vào luật pháp quốc tế và phủ nhận mọi thành kiến cụ thể đối với Trung Quốc. Các yếu tố bổ sung bao gồm các thông lệ thương mại và đầu tư minh bạch và tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU là tin tốt cho ASEAN và phần còn lại của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, vì chiến lược này bổ sung thêm một khía cạnh quy chuẩn mạnh mẽ cho hệ thống Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Một chức năng quy chuẩn quan trọng khác của EU, giúp EU đồng bộ với ASEAN, là một nỗ lực giúp ASEAN cân bằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, bất chấp nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm đạt được một phản ứng phối hợp của Mỹ-Âu-Nhật đối với vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

EU có thể mang lại một số lợi ích hữu hình, quan trọng nhất là “các khía cạnh chuẩn mực của một trật tự hòa bình và dựa trên luật lệ." Tuy nhiên, những lợi ích tiềm năng này phụ thuộc vào chính sách ngoại giao khéo léo và việc thực thi chính sách thận trọng và đây là thách thức trong tương lai của EU./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục