Đối mặt thách thức

Thách thức lớn nhất là dung hòa sự khác biệt

Là Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN, thách thức lớn nhất của Việt Nam là việc dung hòa sự khác biệt giữa các thành viên.
Ngày 7/4/2010, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Phóng viên Vietnam+ đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự AEC 3.

- Xin ông cho biết, nhiệm vụ của AEC 3 là gì?


Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Nhiệm vụ của Hội nghị là nhằm rà soát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể về Xây dựng cộng đồng Kinh tế ASEAN dựa trên bốn trụ cột chính gồm: xây dựng một thị trường và cơ sở sản xuất đồng nhất; một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao; xây dựng một khu vực có trình độ phát triển đồng đều và xây dựng một khu vực hội nhập hoàn toàn với nền kinh tế thế giới vào năm 2015.

- Cụ thể AEC 3 đã rà soát những gì?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Kể từ khi thông qua Kế hoạch tổng thể Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEN (AEC Blueprint) vào năm 2007, ASEAN đã đạt được những tiến bộ đáng kể về thực hiện AEC. Bắt đầu từ ngày 01 tháng 1 năm 2010, các nước ASEAN-6 đã hoàn thành mục tiêu xóa bỏ thuế quan đối với 99,65% số dòng thuế; ASEAN 4 (gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) đã đưa 98,86% số dòng thuế tham gia Chương trình Ưu đãi Thuế quan có Hiệu lực chung để xây dựng Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (CEPT-AFTA)về mức 0-5%. Đây là một kết quả nổi bật, một cột mốc quan trọng của ASEAN.

Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, 9/10 nước thành viên ASEAN (trừ Philippines) đã hoàn thành gói 7 về cam kết dịch vụ theo Hiệp định khung về Thương mại Dịch vụ ASEAN (AFAS), bao trùm hơn 65 phân ngành dịch vụ.

Trong quan hệ hợp tác về đầu tư, ASEAN tiếp tục duy trì được mức tăng FDI nội khối ổn định. Năm 2008, FDI nội khối đạt 10,8 tỉ USD, chiếm 18,2% tổng mức FDI (59,7 tỉ USD). Giai đoạn 2006-2008, tổng mức FDI vào ASEAN tăng 8,6% trong đó dòng FDI nội khối tăng 42,6% so với cùng kỳ.

Trong lĩnh vực tài chính, việc nới rộng biên độ hoán đổi lên 120 tỉ USD theo Sáng kiến Đa phương hóa Chiang Mai đã được thực hiện vào ngày 24 tháng 3 năm 2010. Việc thiết lập Quỹ bảo lãnh Tín dụng và Đầu tư (CGIF) sẽ sớm được đưa vào thực hiện, giúp tăng cường tính thanh khoản của đồng tiền nội tệ và phát triển thị trường trái phiếu khu vực.

Ngoài ra, còn đạt được khá nhiều thành tựu trong hợp tác về du lịch, an toàn thực phẩm, năng lượng, giao thông vận tải…

- Kết quả thảo luận của Hội nghị cộng đồng kinh tế ASEAN lần 3 là gì, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Hội nghị đã đạt được 3 kết quả lớn. Hội nghị đã chuẩn bị được nội dung về hợp tác kinh tế trong ASEAN để báo cáo các nhà lãnh đạo trong Hội nghị cấp cao ASEAN 16.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng cũng đã thảo luận và thông qua một dự thảo Tuyên bố về phục hồi và phát triển bền vững để trình lên các nhà lãnh đạo cấp cao để thông qua và ra tuyên bố. Thảo luận này do Việt Nam khởi xướng và đã được Bộ trưởng các nước thảo luận và bổ sung.

Các Bộ trưởng thuộc Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng đã chuẩn bị, đóng góp những ý kiến vào báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Kinh tế ASEAN 16 để báo cáo với lãnh đạo cấp cao, trong đó tổng hợp tiến trình, kết quả của Hội nghị kinh tế của ASEAN từ trước cho đến nay và kiến nghị với lãnh đạo cấp cao để thúc đẩy tiến trình này trong Hội nghị cấp cao diễn ra sắp tới.

- Đâu là lĩnh vực trọng tâm của Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong năm nay?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Về công tác của Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong năm 2010 có rất nhiều nội dung. Nhưng nội dung trọng tâm lớn nhất là tiếp tục thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN; bên cạnh đó tiếp tục hoàn thành gói cam kết thứ 8 thuộc Hiệp định Khung về Thương mại dịch vụ ASEAN; tiếp tục thực hiện Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN.

- Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức gì?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú:  ASEAN là cộng đồng của một số quốc gia có rất nhiều sự khác biệt: thể chế chính trị, tôn giáo, văn hóa, phát triển kinh tế...

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2010 nói chung và Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN nói riêng thì việc lớn nhất của Việt Nam là làm sao dung hòa sự khác biệt để xây dựng được quan điểm thống nhất và thực hiện được quan điểm này.

Bên cạnh đó, mặc dù chúng ta đã đạt được nhiều kết quả trong việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN hướng tới việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua như sự chậm trễ về phê duyệt Hiệp định của các thành viên, chậm trễ trong việc thực hiện những cam kết của thành viên, chậm đưa vào luật hóa các cam kết…

Đó là những vấn đề mà trong năm nay với tư cách Chủ tịch, Việt Nam phải tập trung sức để động viên, khuyến khích phối hợp với các nước sớm vượt qua.

Chúng ta cũng phải chủ động trong quá trình định hướng cho các bộ trưởng thành viên trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN để hướng tới giảm sự chênh lệch về trình độ phát triển của ASEAN thì mới có thể có khả năng xây dựng thành công một cộng đồng ASEAN vào năm 2015 như đã thống nhất trong năm 2007.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Bích Thuận (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục