Thách thức lớn trong việc kiểm soát vũ khí liên Triều

Các nhà phân tích cho rằng Hàn Quốc đối mặt một loạt thách thức trong nỗ lực kiểm soát vũ khí liên Triều trừ phi tiến triển mang tính quyết định được tạo ra trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Thách thức lớn trong việc kiểm soát vũ khí liên Triều ảnh 1Triều Tiên tiến hành phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở tỉnh Bắc Hamgyong. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa Bình Nhưỡng và Washington sắp diễn ra, hãng tin Yonhap đã dẫn các ý kiến phân tích cho rằng Hàn Quốc sẽ đối mặt với một loạt thách thức khó khăn trong nỗ lực kiểm soát vũ khí liên Triều trừ phi tiến triển mang tính quyết định được tạo ra trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Trong Sách Trắng được xuất bản 2 năm 1 lần vào tháng trước, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh quyết tâm thúc đẩy chương trình nghị sự kiểm soát vũ khí thông thường theo "giai đoạn" phù hợp với bầu không khí hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay.

Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại rằng việc kiểm soát vũ khí của Seoul có thể khiến quân đội Hàn Quốc gặp bất lợi khi Bình Nhưỡng vẫn chưa có các bước đi thực chất để giảm các mối đe dọa phi đối xứng, đặc biệt là kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang tìm cách củng cố khả năng chiến đấu của hai nước này trong bối cảnh lo ngại khả năng chạy đua vũ trang trong khu vực.

Nam Chang-hee, giáo sư chính trị quốc tế, cho biết: "Nhiều người đã tranh luận liệu phương pháp kiểm soát vũ khí nhằm tạo điều kiện cho phi hạt nhân hóa có phù hợp hay không trong bối cảnh thiếu dấu hiệu rõ ràng cho thấy Triều Tiên đang tuân thủ cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Những đánh giá tích cực về cách tiếp cận này có thể chỉ có giới hạn, nhưng cũng có thể không phù hợp khi đánh giá thấp cách tiếp cận đó vì dù sao nó đã giúp xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo trong mắt cộng đồng quốc tế."

Năm 2018, Triều Tiên đã nhất trí một loạt biện pháp kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin theo Thỏa thuận quân sự toàn diện nhằm giảm căng thẳng ở khu vực biên giới và ngăn chặn các cuộc đụng độ vô tình.

Theo thỏa thuận, hai bên đã thiết lập các vùng đệm trên bộ, trên không và trên biển để ngăn chặn "tất cả các hành động thù địch" đối với nhau, loại bỏ một số đồn biên phòng và giải giáp Khu vực an ninh chung, trong khi chuẩn bị cho một dự án chung khai quật hài cốt binh sỹ bị thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên trong Khu phi quân sự (DMZ) từ tháng 4 đến tháng 10 tới.

Seoul đang thúc đẩy cuộc tham vấn với Bình Nhưỡng trong năm nay về đề xuất phá hủy tất cả các trạm gác trong DMZ, điều mà các quan chức cho rằng sẽ là một mốc quan trọng trong kiểm soát vũ khí ở khu vực biên giới.

Seoul dường như đang chuyển sang kịch bản kiểm soát vũ khí thông thường gồm ba bước chính- xây dựng lòng tin và từng bước kiểm soát vũ khí ở tiền tuyến và hậu phương- theo kiểu tuyến tính hoặc theo cách kết hợp các bước để đạt được mục tiêu.

Kiểm soát vũ khí ở tiền tuyến là việc tái triển khai các thiết bị hoặc phương tiện quân sự tiền tuyến để làm cho chúng ít đe dọa đối thủ tiềm tàng hơn, trong khi kiểm soát vũ khí ở hậu phương là cắt giảm quân số và hệ thống vũ khí.

[Mỹ lạc quan về khả năng có quan hệ đối tác thịnh vượng với Triều Tiên]

Các quan chức ở Seoul cho rằng Triều Tiên đang thực hiện các bước "ban đầu" để kiểm soát vũ khí ở tiền tuyến.

Trao đổi với hãng tin Yonhap trong điều kiện giấu tên, một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng "Tại thời điểm này, Seoul và Bình Nhưỡng đang tiến tới kiểm soát vũ khí trên tiền tuyến và hai bên sẽ tìm cách tiến bước theo hướng này khi thành lập một ủy ban quân sự liên Triều nhằm thảo luận về vấn đề này và những việc khác."

Tuy nhiên, những người hoài nghi lên tiếng nghi ngờ rằng liệu sự thúc đẩy kiểm soát vũ khí của Seoul có thể tiếp tục tạo động lực hay không trong bối cảnh không có tiến bộ cụ thể trong quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

Các nhà quan sát đang đặt hy vọng vào hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến vào cuối tháng này, khi cả hai đang đứng trước yêu cầu phải vạch ra một lộ trình "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" rõ ràng, điều mà hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã nhất trí trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên hồi tháng 6 năm ngoái.

Với lý do chống lại các mối đe dọa từ một Trung Quốc ngày càng quyết đoán và một Triều Tiên phi hạt nhân hóa, Nhật Bản đã tăng cường khả năng phòng thủ để theo đuổi một nhà nước "bình thường" với một quân đội đúng nghĩa - không chỉ là lực lượng "phòng vệ."

Các nhà phân tích cũng cho rằng Seoul cần phải tính đến các khả năng quân sự cần thiết để tiếp nhận quyền kiểm soát hoạt động thời chiến (OPCON) từ Washington.

Việc kiểm soát vũ khí cùng với Bình Nhưỡng có thể làm suy yếu các nỗ lực của Hàn Quốc để đáp ứng các yêu cầu tiếp nhận OPCON./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục