Thách thức tăng trưởng của Trung Quốc ở thập kỷ tới

Ban lãnh đạo Trung Quốc đang tính toán rằng thách thức chính sách lớn nhất của họ trong những năm tới sẽ là việc chuyển từ tăng trưởng do xuất khẩu đứng đầu sang một mô hình kinh tế dựa nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước.

Việc chuyển đổi này hiện trở thành vấn đề cấp bách khi cả Mỹ và châu Âu đều dường như không thể hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu của Trung Quốc.

Theo mạng tin Project Syndicate ngày 18/11, Trung Quốc đang trong thời điểm bước ngoặt. Với việc còn hơn 100 triệu người vẫn đang sống dưới mức đói nghèo và thu nhập bình quân đầu người hiện mới chỉ ở mức hơn 6.000 USD/năm, Bắc Kinh đang cần duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao.

Chủ tịch Trung Quốc sắp mãn nhiệm Hồ Cẩm Đào đã phát biểu rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc có khả năng tăng gấp đôi vào năm 2020, mức tăng trưởng trung bình 7,5%/năm. Liệu điều này có khả thi?

 

Những cải thiện gần đây trong các số liệu về sản lượng công nghiệp, đầu tư tài sản cố định và doanh số bán lẻ cho thấy nền kinh tế Trung Quốc - vốn sụt giảm tăng trưởng trong những quý gần đây - có thể đã được điều chỉnh. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn thận trọng do triển vọng kinh tế của Trung Quốc đang phụ thuộc nặng nề vào tình hình bên ngoài, biến thành nguồn bất ổn nhất hiện nay.

 

Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế độc lập đều dự báo mức tăng trưởng GDP trung bình của Trung Quốc trong giai đoạn 2013-2017 có thể đạt mức 7%-7,5%, trong khi dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lạc quan hơn với 8,2%-8,5%.

 

Ban lãnh đạo Trung Quốc đang tính toán rằng thách thức chính sách lớn nhất của họ trong những năm tới sẽ là việc chuyển từ tăng trưởng do xuất khẩu đứng đầu sang một mô hình kinh tế dựa nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước. Việc chuyển đổi này hiện trở thành vấn đề cấp bách khi cả Mỹ và châu Âu đều dường như không thể hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu của Trung Quốc.

Có nhiều khả năng Trung Quốc không đạt được mục tiêu tăng trưởng thương mại 10% trong năm 2012, cho dù kim ngạch xuất khẩu của nước này sang các nền kinh tế thị trường đang nổi tăng nhiều hơn mức đó trong 9 tháng đầu năm nay.

 

Việc tăng thu nhập và tỷ lệ tiết kiệm thấp hơn của các hộ gia đình là điều quan trọng đối với sự thay đổi mô hình tăng trưởng của Trung Quốc và mỗi yếu tố này đều bao hàm những cải cách chủ chốt. Ví dụ, việc cải thiện các dịch vụ y tế, giáo dục và chăm sóc người cao tuổi sẽ khuyến khích thêm nhiều hộ gia đình dành phần lớn hơn trong thu nhập của họ cho tiêu dùng. Tương tự, việc tăng thuế đánh vào tiền lãi của các khoản tiền tiết kiệm gửi trong ngân hàng sẽ làm giảm số tiền tiết kiệm mà chính phủ không bị mất thu nhập.

 

Đồng thời, khi Trung Quốc tiếp tục đi theo con đường hướng tới nền kinh tế dựa trên thị trường, được nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khởi xướng từ hơn 30 năm trước, việc hoạch định chính sách đang ngày càng trở nên phức tạp hơn. Kinh tế cần được lái sang hướng mong muốn mà không gây ra tình trạng bất ổn. Do đó, việc sắp xếp đúng và phối hợp các biện pháp chính sách trở nên quan trọng. Thành công của những cải cách của Trung Quốc trong thập kỷ tới sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào việc thiết kế chính sách tốt.

 

Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ cần chú ý đến những mối quan hệ giữa nền kinh tế thực và việc mở rộng khu vực tài chính khi họ điều chỉnh các công ty quốc doanh và tự do hóa các ngân hàng. Khi tiến trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (NDT) đang được tiếp tục, việc nội địa hóa nên được tiến hành song song với sự hợp nhất toàn cầu sâu sắc hơn.

 

Trong những năm tới, vấn đề chủ chốt tại Trung Quốc sẽ là quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Những cải cách sẽ được tiếp tục tiến hành từ trên xuống dưới và dần dần, nhất là trong ngành tài chính. Nhiều người Trung Quốc tin rằng kỷ luật thị trường sẽ mang lại sự cạnh tranh công bằng hơn và giảm dần khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo.

 

Sự phân phối thu nhập của Trung Quốc hiện rất không bình đẳng, với hệ số Gini đo lường sự bất bình đẳng thu nhập là 0,438. Việc phân chia các nguồn lực không công bằng, làm giàu cho các cá nhân và gia đình có mối quan hệ với chính trị, đang ngày càng trở nên khó chấp nhận.

 

Vì thế, vấn đề chủ chốt cho thập kỷ tới là liệu mục tiêu tăng trưởng của Bắc Kinh có đủ để duy trì sự gắn kết xã hội khi những cải cách kinh tế và chính trị dần được thực thi hay không. Khi kinh tế tăng trưởng chậm hơn, sự bình đẳng hơn sẽ trở nên quan trọng đối với ổn định xã hội. Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc dường như hiểu rõ điều này, nhưng người ta cần xem liệu họ có khả năng thiết kế những thay đổi thể chế cần thiết hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục