Thách thức trong công tác phòng chống thiên tai ở khu vực miền núi

Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, tại các khu vực miền núi, số liệu thống kê cho thấy thiệt hại về con người do thiên tai có xu hướng tăng so với các địa bàn khác trên cả nước.
Thách thức trong công tác phòng chống thiên tai ở khu vực miền núi ảnh 1Mưa lũ ở Bắc Kạn năm 2016. (Nguồn: TTXVN)

Bền lề hội nghị phòng, chống thiên tai 18 tỉnh thuộc khu vực miền núi từ Hà Tĩnh trở ra, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về thực trạng cũng như các giải pháp công tác phòng, chống thiên tai đối với các tỉnh thuộc khu vực nói trên.

Sau đây là nội dung phỏng vấn.

- Thưa Thứ trưởng, tại sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị phòng, chống thiên tai 18 tỉnh thuộc khu vực miền núi từ Hà Tĩnh trở ra vào thời điểm này?

- Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Như chúng ta đã biết, năm 2016, tình hình thiên tai diễn ra hết sức nghiêm trọng từ đầu năm đến cuối năm. Qua theo dõi chúng ta thấy thiên tai trên diện rộng gây thiệt hại kinh tế lớn, nhưng thiệt hại về con người chúng ta kiểm soát tương đối tốt.

Tuy vậy, tại các khu vực miền núi, số liệu thống kê cho thấy thiệt hại về con người là lớn, ó xu hướng tăng so với các địa bàn khác trên cả nước. Nhiều vụ thiên tai, đặc biệt là sạt lở, lũ quét diễn ra rất nghiêm trọng (năm 2015 chúng ta chứng kiến mưa lớn tại tỉnh Quảng Ninh vào tháng 8; năm 2016 sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng diễn ra ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái...). Điều này đặt ra vấn đề công tác phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân tại khu vực các tỉnh miền núi là rất quan trọng.

Đây cũng là lý do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan, các tỉnh thuộc khu vực trên tổ chức hội nghị này với mục tiêu đánh giá lại công tác ứng phó với các rủi ro thiên tai, những bài học kinh nghiệm cần rút ra, từ đó làm tốt hơn công tác phòng chống thiên tai ngay từ đầu mùa mưa lũ năm 2017.

- Đối với vùng núi khu vực phía Bắc, những thách thức trong công tác phòng chống thiên tai là gì, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Theo tôi có 2 thách thức lớn, trước hết là tác động của biến đổi khí hậu được thể hiện ở sự cực đoan của thời tiết, cường độ của thiên tai, đặc biệt lượng mưa tăng rất cao (năm 2015, lượng mưa đo đươc ở Quảng Ninh gần 1.000 mm/đợt mưa ...). Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về kỹ thuật, khả năng ứng phó với thiên tai của các công trình xây dựng tại những vùng như đã nêu trên là chưa đáp ứng được công tác phòng chống thiên tai một cách hiệu quả.

Vấn đề thứ hai, tôi cho rằng quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở nhiều nơi còn thiếu bền vững là nguyên nhân làm tăng rủi ro thiên tai. Rõ ràng mối quan hệ giữa rừng, lũ và hạn hán là rất khăng khít với nhau. Đặc biệt, gần đây chúng ta thấy "nóng" lên vấn đề khai thác cát liên quan đến sạt lở đất, cát ở đáy sông bị tụt xuống dẫn đến mực nước sông tụt xuống, điều này làm cho tất cả các hệ thống thủy lợi có nguy cơ không lấy được nước, dẫn đến tình trạng thiếu nước - một trong những nguyên nhân chủ yếu gây hạn hán. Điều này cũng có thể xảy ra ngay ở những năm "mưa thuận gió hòa" chứ không phải là những năm thiếu nước.

[Bảo đảm tính mạng và tài sản người dân vùng sạt lở là ưu tiên hàng đầu]

Quá trình phát triển kinh tế-xã hội thiếu bền vững, sử dụng quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên trong đó vấn đề rừng, vùng đất ngập nước, khai thác cát... sẽ là nguy cơ đe dọa, làm gia tăng rủi ro thiên tai. Thêm vào đó, sức ép về gia tăng dân số dẫn đến người dân bạt núi làm nhà ở những vùng có nguy cơ sạt lở đất cũng làm gia tăng rủi ro thiên tai.

- Thưa Thứ trưởng, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai có những giải pháp cụ thể nào để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra ở khu vực miền núi?

- Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Trước hết, cần nâng cao công tác truyền tin cảnh báo thiên tai, mưa lũ; năng lưc, kỹ năng phòng chống thiên tai của người dân, để người dân biết được cách ứng phó. Đẩy mạnh việc xây dựng và phục hồi hệ thống truyền thanh cơ sở, trang bị loa cầm tay... để kịp thời thông tin tình hình và cảnh báo mưa lũ đến người dân. Bên cạnh đó, cần rất chú trọng đến công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Tại những vùng có nguy cơ cao, chúng ta phải nỗ lực để di dời dân, bố trí lại dân cư; nâng cao năng lực dự báo, vùng dự báo phải hẹp hơn để người dân sinh sống ở những vùng đó có thể chủ động phòng tránh. Đẩy mạnh xây dựng cộng đồng an toàn gắn với thực hiện tiêu chí đảm bảo điều kiện phòng, chống thiên tai tại chỗ, chú trọng phương châm 4 tại chỗ, đặc biệt xây dựng, củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã nhằm từng bước nâng cao năng lực dân sự trong ứng phó thiên tai tại cơ sở. Thực hiện đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục