Thái Bình dành 58.108 tỷ đồng hiện đại hóa hệ thống giao thông

Trong khoản đầu tư 58.108 tỷ đồng để hiện đại hóa hệ thống giao thông sẽ có khoảng 16.950 tỷ đồng xây dựng hệ thống đường quốc lộ.

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh có trình độ phát triển ở mức khá của vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh Thái Bình đã quyết định dành 58.108 tỷ đồng cho hiện đại hóa hệ thống giao thông giai đoạn 2014-2020.

Theo đó, sẽ có khoảng 16.950 tỷ đồng xây dựng hệ thống đường quốc lộ, tập trung chủ yếu vào các tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng qua Thái Bình, tuyến đường bộ ven biển, quốc lộ 37, 37B, cầu Thái Hà... Các tuyến đường tỉnh sẽ được đầu tư khoảng 13.487 tỷ đồng. Ngoài ra khoảng 15.000 tỷ đồng đầu tư nâng cấp, cải tạo đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới.

Tỉnh cũng dành 1.841 tỷ đồng để quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn (trong đó 20 tỷ đồng/năm cho đường quốc lộ; 60 tỷ đồng/năm cho đường tỉnh; 40 tỷ đồng/năm cho đường huyện và 143 tỷ đồng/năm cho các đường xã, phường, thôn) và 0,8 tỷ đồng xây dựng, cải tạo hệ thống bến xe, bãi đỗ xe.

Riêng kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, tỉnh Thái Bình dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 10.020 tỷ đồng. Theo quy hoạch đến năm 2020, tỉnh Thái Bình sẽ có 19 hệ thống cảng, bến trong đó có cảng Diêm Điền quy mô lớn nhất, là nơi neo đậu cho khoảng 1.000 tàu cỡ 2.000-3.000 tấn ra vào. Ngoài ra, Thái Bình cũng đầu tư 10 tỷ đồng cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào hiện đại hóa giao thông trên địa bàn trong giai đoạn 2014-2020.

Với đặc điểm địa lý phía Bắc, Tây Bắc giáp các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, phía Tây và Tây Nam giáp Hà Nam, Nam Định, phía Đông giáp biển, tỉnh Thái Bình hiện chỉ có 2 loại hình giao thông là đường bộ và đường thủy. Cụ thể, Thái Bình có 4 đường quốc lộ chạy qua (quốc lộ 10, 39, 37, 37B) với tổng chiều dài 151 km, chủ yếu là đường cấp IV, cấp V, cấp VI đồng bằng. Nhiều tuyến đường tỉnh được xây dựng theo cấp độ VI chiếm trên 68% tổng chiều dài 283 km. Do nhu cầu đi lại nhiều và phần lớn hệ thống giao thông đường bộ đã xây dựng cách đây 20-30 năm theo tiêu chuẩn cũ nên mặt đường hẹp, nhiều đoạn đã xuống cấp, hư hỏng.

Với 50 km bờ biển và 5 cửa sông lớn (Thái Bình, Diêm Điền, Trà Lý, Lân, Ba Lạt), tuy nhiên những năm qua hoạt động vận tải giao thông đường thủy trên địa bàn chưa phát huy hết tiềm năng. Vận tải khách bằng đường thủy chủ yếu thông qua hoạt động của các bến phà, bến đò; vận tải đường biển chậm phát triển. Đến nay, tỉnh Thái Bình có khoảng 200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải biển, trong đó có 160 doanh nghiệp đang hoạt động với 203 tàu, tổng trọng tải khoảng 800.000 tấn. Những doanh nghiệp này còn rất non trẻ, mới được thành lập từ năm 2007-2008, vì vậy còn thiếu kinh nghiệm trong hoạt động quản lý, khả năng đầu tư sửa chữa, đóng mới tàu vận tải biển hạn chế.

Theo ông Nguyễn Quang Anh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Thái Bình, riêng năm 2014 tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa ước tính đạt gần 14 triệu tấn và trên 19 triệu lượt hành khách.

Dự kiến trong năm 2015 tổng khối lượng vận chuyển sẽ lên đến 14,3 triệu tấn hàng hóa và trên 23 triệu lượt hành khách. Đây vừa là cơ hội phát triển song cũng là thách thức nếu tỉnh Thái Bình không đầu tư, nâng cấp và cải thiện hệ thống giao thông. Vì vậy, hiện đại hóa hệ thống giao thông là nhu cầu cấp bách trong sự phát triển kinh tế - xã hội với tỉnh Thái Bình, trong đó phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông nông thông huyết mạch liên vùng trong tỉnh và liên kết với các tỉnh xung quanh, phát triển thị trường vận tải hàng hóa theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường thủy nội địa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục