Thái Lan: 2 luồng quan điểm về kết quả trưng cầu về Hiến pháp

Mặc dù kết quả chính thức trưng cầu dân ý chưa được công bố, nhưng kết quả sơ bộ cho thấy văn kiện này được đa số người dân Thái Lan chấp nhận.
Thái Lan: 2 luồng quan điểm về kết quả trưng cầu về Hiến pháp ảnh 1Cử tri Thái Lan tại một điểm bầu cử ở Narathiwat ngày 7/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù kết quả chính thức của cuộc trưng cầu dân ý ngày 7/8 về dự thảo hiến pháp mới của Thái Lan chưa được công bố, nhưng kết quả sơ bộ đã cho thấy văn kiện này đã được đa số người dân Thái Lan chấp nhận.

Truyền thông Thái Lan sáng 8/8 đã đăng tải các đánh giá về kết quả này của giới quan sát và học giả Thái Lan.

Ở luồng quan điểm thứ nhất, các học giả cho rằng kết quả trưng cầu dân ý cho thấy hầu hết cử tri Thái Lan đã quá chán ngán với các diễn biến chính trị từ sau cuộc khủng hoảng năm 2006 và muốn quân đội có vai trò lớn trong việc thành lập một chính phủ đảm bảo sự ổn định để phát triển đất nước.

Học giả Parinya Thewanarumitkul, một giáo sư luật tại Đại học Thammasat, nói rằng kết quả trưng cầu dường như cho thấy sự e ngại của người dân về việc tái diễn các bất ổn như trước cuộc đảo chính năm 2014.

Nhà phân tích chính trị kỳ cựu Sukhum Nuansakul, cựu hiệu trưởng Đại học Ramkhamhaeng nói rằng kết quả trưng cầu cho thấy người dân Thái Lan đã chấp nhận chính phủ do quân đội lãnh đạo và trao cho quân đội vai trò thành lập chính phủ mới và “dường như người dân đã xem thủ tướng là nhà lãnh đạo tốt vì đã giữ cho đất nước hòa bình và trật tự.”

Ở luồng quan điểm thứ hai, các học giả đã lên tiếng cảnh báo rằng tương lai của nền chính trị Thái Lan sẽ trở nên u ám sau khi dự thảo hiến pháp được cử tri thông qua.

Học giả Prapart Pintobtang của Đại học Chulalongkorn nói: “Thậm chí là khi bản hiến pháp được thông qua, văn kiện này không có được tính chính danh do người dân đã không được tự do thảo luận về nó trước cuộc bỏ phiếu. Bản hiến pháp này sẽ chỉ tạo ra các xung đột chính trị mới.”

Trong khi đó, học giả Charnwit Kasetsiri, cựu hiệu trưởng Đại học Thammasat nói rằng dù kết quả trưng cầu dân ý là như thế nào, các vận động chính trị trước và trong thời gian diễn ra cuộc bỏ phiếu cho thấy thế hệ trẻ của Thái Lan đã thức tỉnh về chính trị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục