Thái Lan có tránh được một "cơn bão" chính trị?

Thái Lan sẽ phải "nín thở" cho tới 19/7, khi EC ra quyết định có tiếp tục hoãn công nhận trúng cử nghị sỹ với Thủ tướng tương lai Yingluck hay không.
Theo báo “Dân tộc” ngày 14/7, Thái Lan sẽ phải "nín thở" cho tới ngày 19/7, khi Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) ra quyết định có tiếp tục hoãn công nhận trúng cử nghị sỹ đối với Thủ tướng tương lai Yingluck Shinawatra hay không.

Mây đen vẫn đang che phủ bầu trời chính trị Thái Lan và quả là không quá khi nói rằng chính trị đã khiến người Thái nhiều lần phải "nín thở." Trong sáu ngày tới, đất nước Thái Lan sẽ phải chờ xem bà Yingluck có trở thành nữ thủ tướng đầu tiên hay không.

Ngày 12/7 vừa qua, EC đã gây chấn động dư luận khi hoãn công nhận trúng cử đối với 16 ứng cử viên thuộc danh sách ứng cử theo chính đảng; trong đó có bà Yingluck, Thủ tướng mãn nhiệm Abhisit Vejjajjiva và một số lãnh đạo “Áo đỏ.”

[Chính đảng lâu đời nhất Thái sẽ về đâu sau bầu cử]

Đây là quyết định chưa có tiền lệ trong lịch sử vì EC thường công nhận tất cả các ứng viên, đặc biệt là những người ứng cử theo danh sách chính đảng và sau này EC mới đề nghị tòa án phân xử và bãi miễn tư cách nghị sỹ của những người có vi phạm.

Theo kế hoạch, ngày 19/7 tới, EC sẽ tiếp tục công nhận thêm ứng cử viên với mục tiêu hoàn tất việc công nhận ít nhất 475 (95%) trong tổng số 500 nghị sỹ trước ngày 1/8 tới theo luật định. Nếu trong lần công nhận tới, bà Yingluck vẫn nằm ngoài danh sách thì đây sẽ là một tin gây chấn động.

Mặc dù đảng Puea Thai có thể chỉ định một nhân vật khác ra đảm nhiệm ghế thủ tướng để giải quyết bế tắc nghị trường, nhưng bế tắc đường phố sẽ khó giải quyết. Chắc chắn, những người “Áo đỏ” lại xuống đường biểu tình.

Các lãnh đạo của “Áo đỏ” ngày 13/7 đã quyết định hoãn buổi hòa nhạc tại công viên Lumpini ở trung tâm thủ đô Bangkok với lý do để chuẩn bị sức lực cho các cuộc biểu tình mới nếu tin xấu đến với bà Yingluck.

Bà Yingluck hiện đã được giũ bỏ cáo buộc mua phiếu bầu liên quan đến việc tham gia một chương trình nấu ăn khi vận động tranh cử. Tuy nhiên, EC vẫn chưa làm rõ cáo buộc nghiêm trọng hơn là việc bà Yingluck dính líu tới các chính trị gia bị cấm hoạt động.

Chiến dịch vận động tranh cử của bà mang khẩu hiệu “Thaksin nghĩ, Puea Thai hành động” và trong các cuộc vận động, bà Yingluck đã nhiều lần dùng cụm từ “cố vấn” khi nói đến vai trò của ông Thaksin.

Tuy nhiên, dù tạm coi khiếu kiện này là một vấn đề thì vấn đề đó liên quan đến tập thể đảng Puea Thai chứ không liên quan đến cá nhân bà Yingluck, người vốn chưa phải là thành viên ban điều hành của đảng này.

Một số nhà quan sát cho rằng quyết định ngày 12/7 vừa qua của EC đối với bà dường như chưa thỏa đáng. Dù chưa rõ EC có động cơ gì trong quyết định này hay không, nhưng rõ ràng động thái của EC đã cho bà Yingluck nhìn thấy con đường đầy chông gai phía trước. Nếu trở thành thủ tướng, một loạt khiếu kiện hiện nay sẽ lập tức đeo đuổi và đe dọa chiếc ghế thủ tướng của bà.

Trong khi bà Yingluck đứng trước vận mệnh bấp bênh, đối thủ của bà là Thủ tướng mãn nhiệm Abhisit cũng đứng trước triển vọng không mấy sáng sủa. Ông Abhisit đang bị cáo buộc mua phiếu bầu và nếu bị quy kết vi phạm, đảng Dân chủ của ông cũng sẽ đối mặt với nguy cơ bị giải tán vì thời điểm vi phạm ông là chủ tịch đảng.

Một số nhà phân tích cho rằng quyết định cùng ngày của EC hoãn công nhận trúng cử nghị sỹ đối với bà Yingluck và ông Abhisit có thể là tín hiệu về một chủ trương loại bỏ cả hai lực lượng chính trị mạnh nhưng đối kháng nhau để mở đường cho một trật tự chính trị mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục