Tham khảo ứng phó thiên tai

Thái Lan, CPC tham khảo Việt Nam ứng phó thiên tai

Các chuyên gia môi trường Thái Lan và Campuchia đã tham khảo kinh nghiệmc ứng phó biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Diễn đàn thường niên Vùng Duyên hải lần thứ II cải thiện sức chống chịu với tác động biến đổi khí hậu-Vùng ven biển Đông Nam Á thu hút gần 200 đại biểu đại diện cho cộng đồng địa phương, các cơ quan Nhà nước, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi Chính phủ, các truyền thông từ ba nước Campuchia, Thái Lan và Việt Nam vừa được tổ chức tại Sóc Trăng.

Thực tế từ diễn đàn lần này đã chỉ ra một thực tế, những tác động từ môi trường đang buộc tất cả chúng ta phải tìm ra cách để thích ứng trong một môi trường khí hậu đang ngày càng thay đổi rõ rệt, sức tác động ngày càng nhanh hơn và khốc liệt hơn.

Trong khi các dự án thiên về giải pháp công trình hiện vẫn đóng một vai trò nhất định trong việc nâng cao sức chống chịu với biến đổi khí hậu, thì những dự án thí điểm của IUCN (Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế) trong thời gian qua cho thấy phát triển dựa trên quy hoạch từ cấp cơ sở và các giải pháp “mềm” dựa vào hệ sinh thái tự nhiên là công cụ kết nối những giải pháp được mong đợi đối với cộng đồng ven biển trong thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Kong Kim Sreng, cán bộ cấp cao thuộc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế Campuchia cho biết đây là cơ hội Campuchia được tham dự trong diễn dàn về biến đổi khí hậu. Đây cũng là dịp để các nước Việt Nam-Thái Lan-Campuchia có dịp trao đổi và học hỏi lẫn nhau trong việc ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Từ những kinh nghiệm thực tiễn mà các nước đã làm được, Diễn đàn này là cơ hội rất thiết thực để lãnh đạo và đại biểu các nước phát huy tốt hơn nữa việc ứng phó với biến đổi khí hậu tại quốc gia mình.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, người dân Campuchia thường xuyên chịu ảnh hưởng lớn từ những diễn biến bất thường của thời tiết như hạn hán kéo dài, mưa bão xảy ra thường xuyên... Trong năm 2013, người dân Campuchia đã gánh chịu cơn lũ lụt được xem là lớn nhất trong hàng chục năm qua.

Cùng đoàn đại biểu đến từ Campuchia tham dự diễn đàn, ông Jem Kim Yan - Trưởng Dự án của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên tỉnh Koh Kong chia sẻ ảnh hưởng từ việc biến đổi khí hậu tại nơi chúng tôi đang sống đang ngày càng rõ rệt và nhanh chóng hơn như diện tích rừng phòng hộ ven biển đã bị mất đi do thủy triều và xâm thực từ biển. Cuộc sống của cư dân địa phương cũng bị ảnh hưởng do diện tích đất ngày càng bị thu hẹp, tình trạng thay đổi bất thường của thời tiết như mưa bão diễn ra thường xuyên hơn. Thông qua diễn đàn, những người làm công tác ứng phó biến đổi khí hậu của Campuchia đã học hỏi được kinh nghiệm từ các quốc gia lân cận về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại diễn đàn lần này, các đại biểu đến từ các nước còn được tham gia thực địa về những mô hình, phương pháp thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu mà người dân Việt Nam, cụ thể là những cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đang áp dụng và bước đầu phát huy hiệu quả tốt. Đó là mô hình đồng quản lý đang triển khai tại nhiều huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng như Vĩnh Châu, Trần Đề và Cù Lao Dung.

Ông Thạch Vinh - thành viên của nhóm Đồng quản lý rừng ngập mặn ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh Nam (huyện Cù Lao Dung) cho biết người dân địa phương khi tham gia vào mô hình này là chia làm 2 nhóm, nhóm khai thác và nhóm không khai thác. Chỉ nông dân ở trong ấp Võ Thành Văn được khai thác, người dân ở nơi khác không được vào khai thác trái phép, nếu phát hiện sẽ báo chính quyền xử lý. Bảo vệ được rừng, bà con không phải đi làm thê nơi khác vì có nghuồn lợi từ rừng. Người dân địa phương cứ đúng độ tuổi là đăng ký vào nhóm đồng quản lý.

Ông Đặng Quốc Chí - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cù Lao Dung chia sẻ những băn khoăn của những người dân: Có một khó khăn mà người dân đặt ra với chúng tôi khi tham gia nhóm đồng quản lý, cùng tham gia quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên ven biển này như nếu có những đối tượng khai thác khác ở địa phương ngoài, tỉnh ngoài vào khai thác trái phép thì xử lý như thế nào. Mong muốn của những hộ dân nơi đây là ngăn chặn tình trạng người ngoài đến từ nơi khác đến khai thác bất hợp pháp.

Theo ông Đặng Quốc Chí, các cấp chính quyền và ngành chức năng cần tạo lòng tin cho người dân. Khi đã thành lập quy chế và có nhóm quản lý rồi, cần liên hệ với những địa phương lân cận có đối tượng đến khai thác trái phép để tuyên truyền, thuyết phục họ không đến khai thác trái phép như trước hoặc mời gia nhập nhóm đồng quản lý để cùng bảo vệ rừng, cùng gắn liền lợi ích với việc bảo vệ rừng.

Diễn đàn thường niên Vùng Duyên hải Đông Nam Á lần thứ II đã kết thúc thành công. Tại diễn đàn, nhiều vấn đề được đưa ra, nhiều kinh nghiệm được chia sẻ để từ đó người dân tại các vùng chịu ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu nhanh chóng thích ứng với vấn đề này, đảm bảo được sinh kế và áp lực ngày càng lớn bởi những diễn biến ngày càng bất thường của thời tiết. Môi trường sinh thái tự nhiên sẽ được bảo vệ tốt hơn, những khu rừng phòng hộ ven biển vẫn giữ được nét hoang sơ vốn có./.

Chanh Đa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục