Thái Lan kêu gọi ủng hộ hòa giải dân tộc

Chính phủ Thái Lan đã đẩy mạnh nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ căng thẳng chính trị hiện nay thông qua lời kêu gọi chính quyền các cấp ủng hộ kế hoạch của chính phủ về hòa giải chính trị và hòa giải dân tộc.

Chính phủ Thái Lan đã đẩy mạnh nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ căng thẳng chính trị hiện nay thông qua lời kêu gọi chính quyền các cấp ủng hộ kế hoạch của chính phủ về hòa giải chính trị và hòa giải dân tộc.

Ngày 7/5, phát biểu trước hơn 1.000 đại biểu trong cả nước tham dự hội nghị quan chức cấp tỉnh về cải cách chính trị và sửa đổi hiến pháp, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã kêu gọi lãnh đạo các tỉnh, thành phố vì lợi ích của nhân dân và đất nước, nỗ lực giúp chính phủ thúc đẩy hòa giải dân tộc, giảm căng thẳng xã hội.

Ông Abhisit khẳng định sự hợp tác của lãnh đạo các địa phương là rất cần thiết, góp phần quan trọng cho thành công của kế hoạch hòa giải chính trị và dân tộc. Thủ tướng Abhisit bày tỏ tin tưởng Thái Lan sẽ sớm đạt được mục tiêu hòa giải thông qua tiến trình công bằng và có sự tham gia rộng rãi của nhân dân.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban cho rằng trong khi dư luận trong và ngoài nước bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh Thái Lan hiện nay thì nhiều quan chức cấp tỉnh mặc dù hiểu rõ nguồn gốc của cuộc khủng hoảng chính trị trong nước, nhưng né tránh với lập luận rằng tháo gỡ căng thẳng chính trị là nhiệm vụ của các chính trị gia.

Ông Suthep kêu gọi các tỉnh trưởng góp phần thúc đẩy hòa giải dân tộc bằng hành động cụ thể. Ông nêu rõ thời gian tới, chính quyền các tỉnh cần phát huy ý tưởng của chiến dịch “Ngừng gây tổn hại cho Thái Lan và ngừng bạo lực” do chính phủ vừa phát động để mở các chiến dịch tương tự nhằm tuyên truyền giáo dục cho nhân dân trung thành với Hoàng gia, tin tưởng vào chính phủ và thể chế chính trị, không gây bạo lực và vi phạm pháp luật, góp phần mang lại bình yên cho toàn xã hội.

Liên quan tới kế hoạch hòa giải dân tộc, cũng trong ngày 7/5, Ủy ban Quốc hội về hòa giải chính trị và sửa đổi hiến pháp đã họp phiên đầu tiên. Tại cuộc họp, các đại biểu nhất trí coi ý kiến nhân dân là cơ sở quan trọng để xây dựng các kiến nghị về cải cách chính trị và sửa đổi hiến pháp.

Mặc dù thừa nhận sẽ gặp nhiều khó khăn, song các thành viên của Ủy ban đều bày tỏ quyết tâm trong vòng 45 ngày tới sẽ hoàn thành nhiệm vụ hòan tất bản báo cáo về các giải pháp tháo gỡ bất ổn chính trị hiện nay để trình Quốc hội xem xét.
Thủ tướng Abhisit hồi đầu tháng đã cam kết giải tỏa bất đồng giữa các đảng phái đối lập trong nước, thúc đẩy hòa giải chính trị và ổn định tình hình Thái Lan trong vòng 6-8 tháng tới để mở đường cho cuộc tổng tuyển cử.

Ông kêu gọi tất cả các đảng phái trong nước tiến hành hòa giải và ngăn không để căng thẳng chính trị hiện nay biến thành xung đột vũ trang như từng diễn ra vài tháng trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục