Thái Lan lo ngại vấn đề bảo hành trong dự án đường sắt với Trung Quốc

Trung Quốc chú ý đến các đoạn đường sắt ở Thái Lan vì chúng là một phần dự án đầy tham vọng nối miền Nam Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Maylaysia và Singapore trong tuyến chiến lược Côn Minh-Singapore.
Thái Lan lo ngại vấn đề bảo hành trong dự án đường sắt với Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: railway-technology.com)

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã hối thúc các quan chức trong ngành giao thông giải quyết tranh chấp với nhà thầu Trung Quốc để việc thi công tuyến đường sắt cao tốc nối thủ đô Bangkok với tỉnh Nakhon Ratchasima ở vùng Đông Bắc có thể tiến triển.

Thủ tướng Prayut phải lên tiếng sau buổi thảo luận về sự án đường sắt chung trị giá 230 tỷ baht (7,58 tỷ USD) với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao diễn ra trong các ngày 2-4/11 vừa qua.

Chính phủ Trung Quốc chú ý đến các đoạn đường sắt ở Thái Lan vì chúng là một phần của dự án đầy tham vọng nối miền Nam Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Maylaysia và Singapore trong tuyến chiến lược Côn Minh-Singapore.

[Thái Lan tìm nguồn thay thế vốn Trung Quốc trong dự án đường sắt]

Một khi các đoàn tàu từ Đông Nam Á tới được Côn Minh và đi xa hơn tới thủ đô Bắc Kinh, giới chức trách có thể hoàn tất các tuyến đường xuyên quốc gia nối Trung Quốc với Nga và các nước châu Âu.

Bộ trưởng Giao thông Saksayam Chidchob được truyền thông sở tại dẫn lời nói rằng Thủ tướng Prayut đã chỉ thị cho ông và các quan chức giao thông khác giải quyết bất đồng liên quan đến những quan ngại về vấn đề bảo hành đối với các nguyên vật liệu do Trung Quốc cung cấp "càng sớm càng tốt."

Trong khi đó, Thủ tướng Prayut cũng ra lệnh cho các quan chức thu xếp một cuộc họp của Ủy ban Hỗn hợp Thái-Trung (JC) để tìm kiếm những giải pháp cho bất đồng xung quanh “Hợp đồng 2.3.”

“Hợp đồng 2.3” có tiến độ chậm chạp trong khoảng một năm qua do nhà chức trách không thể nhất trí về chi phí và các vấn đề bảo hành.

Hợp đồng này bao gồm chi phí mua đường ray, hệ thống điện, máy móc, toa tàu và đào tạo.

Một nguồn tin trong Bộ Giao thông cho biết các nhà thương thuyết Thái Lan được yêu cầu giải quyết vấn đề tài chính một cách thận trọng vì giá trị của “Hợp đồng 2.3” đã tăng từ 38 tỷ baht lên 50 tỷ baht, chủ yếu do bị thúc ép thay đổi loại tàu sang mẫu Fuxing Hao hiện đại hơn với tốc độ 250 km/h.

Thư ký Thường trực Bộ Giao thông Chaiwat Thongkamkoon cho biết hai bên đã dành 12 tháng qua để thảo luận về thời gian bảo hành.

Bắc Kinh khăng khăng đòi giá trị thanh toán cho thiết bị mà họ sẽ cung cấp, nhưng lại không đưa ra bảng giá chi tiết rõ ràng cho từng thiết bị được bảo hành.

Điều này khiến cho các quan chức Thái Lan chưa thể ký hợp đồng vì luật của Thái Lan yêu cầu có giá chi tiết của từng mặt hàng mua sắm.

Nhà thầu Trung Quốc cũng chỉ đề nghị bảo hành trong một năm đối với hệ thống tàu cao tốc, trong khi các đại diện của Thái Lan đòi bảo hành 2 năm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng với vấn đề bảo hành, Hội nghị JC lần thứ 28 sắp tới sẽ quyết định sử dụng USD hay đồng baht của Thái Lan để chi trả cho dự án.

Bất chấp những bất đồng về dự án Thái-Trung này, Bộ trưởng Saksayam mới đây đã khẳng định rằng tuyến đường sắt Bangkok-Nakhon Ratchasima phải được khai trương trong vòng 4 năm tới.

Việc xây dựng hai đoạn ở Nakhon Ratchasima, giữa Klang Dong và Pang Asok (dài 3,5km) và giữa Si Khiu và Kut Chick (dài 11km), đã bắt đầu và đang có tiến triển vững chắc. Phần còn lại dự kiến sẽ được xây dựng vào năm tới sau quá trình đấu thầu.

Tuyến Bangkok-Nakhon Ratchasima là một phần của dự án lớn hơn với mục tiêu xây dựng hệ thống tàu cao tốc từ Nong Khai tới Lào và cuối cùng biến toàn bộ tuyến đường là một phần quan trọng của mảng ghép trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" ở Đông Nam Á.

Các quan chức Thái Lan hy vọng giai đoạn hai trị giá 200 tỷ baht của mạng lưới tàu cao tốc này sẽ được hoàn thành trong chưa đầy hai năm sau khi tuyến giữa Bangkok và Nakhon Ratchasima đi vào vận hành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục