Thái Lan: Loạt đánh bom có thể liên quan phản đối trưng cầu ý dân

Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan nhận định có khả năng loạt vụ đánh bom ở 5 tỉnh nước này có liên quan phe phản đối cuộc trưng cầu ý dân ngày 7/8.
Thái Lan: Loạt đánh bom có thể liên quan phản đối trưng cầu ý dân ảnh 1Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ nổ bom ở Hua Hin. (Nguồn: AP/TTXVN)

Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan ngày 12/8 nhận định có khả năng loạt vụ đánh bom xảy ra trong vòng 24 giờ qua tại 5 tỉnh của nước này có liên quan đến phe phản đối cuộc trưng cầu ý dân diễn ra ngày 7/8 vừa qua.

Theo truyền thông Thái Lan, người đứng đầu lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Chakthip Chaijinda đã đưa ra nghi vấn trên sau một cuộc họp trực tuyến với các quan chức nhằm thúc đẩy công tác điều tra làn sóng đánh bom tại nhiều thành phố miền Nam nước này.

Ông Chakthip cho rằng các vụ nổ có thể có liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp mới vừa qua và thời điểm xảy ra các vụ nổ cho thấy có thể do các đối tượng phản đối cuộc trưng cầu tiến hành.

Trong khi đó, cảnh sát đã loại trừ sự liên quan của khủng bố quốc tế trong loạt vụ đánh bom trên, cho rằng đây là hành động phá hoại trong nước nhằm vào ngành du lịch.

Ông Chakthip nhấn mạnh loại bom trong các vụ này tương tự trong các vụ nổ bom xảy ra tại 3 tỉnh cực Nam Thái Lan, nơi có nhiều người Hồi giáo sinh sống đã diễn ra hoạt động nổi dậy đẫm máu khiến hơn 6.500 người thiệt mạng kể từ năm 2004 đến nay.

Ít nhất 11 vụ nổ bom, trong đó có nhiều vụ là nổ bom kép, đã xảy ra ở 5 tỉnh miền Nam Thái Lan trong vòng 24 giờ qua, khiến 4 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, trong đó có người nước ngoài. Loạt vụ đánh bom trên xảy ra ngay trước thềm kỷ niệm sinh nhật lần thứ 84 của Hoàng hậu Sirikit và chỉ vài ngày trước khi tròn 1 năm xảy ra vụ đánh bom tại một đền thờ Hồi giáo ở thủ đô Bangkok khiến 20 người thiệt mạng.

Ngày 7/8 vừa qua, người dân Thái Lan đã đi bỏ phiếu về dự thảo hiến pháp mới với kết quả 61,35% cử tri ủng hộ.

Đây là cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về hiến pháp mới tại nước này và văn kiện được trưng cầu nếu được thông qua sẽ là bản hiến pháp thứ 20 trong lịch sử lập hiến của Thái Lan bắt đầu từ năm 1932./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục