Thái Lan nhanh chóng xây dựng chiến lược riêng đón đầu AEC

Thái Lan đã nhanh chóng xây dựng sách lược riêng cho mình để có thể tận dụng tối đa các cơ hội cũng như sẵn sàng ứng phó với những thách thức mà AEC mang lại.
Thái Lan nhanh chóng xây dựng chiến lược riêng đón đầu AEC ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: themalaysianinsider.com)

Ý thức được vai trò quan trọng của tiến trình hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) - một trong ba trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN - đối với sự phát triển của đất nước, Thái Lan đã nhanh chóng xây dựng sách lược riêng cho mình để có thể tận dụng tối đa các cơ hội cũng như sẵn sàng ứng phó với những thách thức mà AEC mang lại.

Có thể coi Thái Lan là điển hình của nỗ lực đón đầu cơ hội mà AEC mang lại thông qua việc đẩy nhanh quá trình chuẩn bị trong vài năm gần đây. Nhận thấy tương lai của một thị trường chung với hơn 600 triệu dân sau năm 2015, Thái Lan đã tận dụng lợi thế về vị trí chiến lược để đóng vai trò là cửa ngõ của ASEAN.

Chính phủ Thái Lan đã xúc tiến thực hiện siêu dự án cơ sở hạ tầng hơn 2.200 tỷ baht (tương đương 66,7 tỷ USD) trong 7 năm nay để kết nối với các nước láng giềng trong ASEAN. Việc chú trọng phát triển các dự án giao thông sẽ giúp Thái Lan trở thành đầu mối gắn kết tất cả các nước trong khu vực và các nền kinh tế đối tác của ASEAN như Trung Quốc, Ấn Độ.

Chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm việc xây dựng đường sắt cao tốc, đường sắt đôi, nâng cấp hệ thống đường ray, hoàn thành 10 tuyến đường sắt quá cảnh tại Bangkok, hoàn thiện hệ thống đường bộ nối liền các hành lang kinh tế ASEAN, củng cố cảng biển, xây dựng thêm các cơ sở tại biên giới để phát triển thương mại cửa khẩu và xây dựng đường cao tốc tới biên giới phía Tây, kết nối cảng biển nước sâu Dawei tại Myanmar. Các sân bay của Thái Lan cũng được nâng cấp, mở rộng.

Phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống hậu cần nhằm tăng cường kết nối là một trong tám chiến lược mà Chính phủ Thái Lan đã vạch ra để chuẩn bị cho việc hội nhập của nước này với cộng đồng ASEAN.

Các chiến lược còn lại bao gồm thúc đẩy cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ và đầu tư; cải thiện chất lượng cuộc sống và xã hội; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng tiêu chuẩn của ASEAN; cải thiện hệ thống luật pháp để tạo cơ hội cho thương mại và đầu tư; tăng cường hiểu biết của người dân về AEC; củng cố an ninh; thúc đẩy cạnh tranh đô thị.

Tất cả các bộ, ngành của Thái Lan cũng đã thành lập những đơn vị chuyên trách ASEAN để có thể phối hợp chặt chẽ với nhau. Các chương trình tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết về ASEAN cho người dân và doanh nghiệp đã được thực hiện nghiêm túc.

Với mục tiêu đưa đất nước Thái Lan hội nhập toàn diện AEC, chính phủ nước này đã và đang tiến hành các biện pháp đồng bộ để hỗ trợ toàn diện ở mức cao nhất cho các doanh nghiệp của mình, trong đó có kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa.

Cụ thể, Bộ Công nghiệp Thái Lan đã tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo cho hơn 7.000 doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực nội thất, may mặc, thực phẩm,…để cung cấp thông tin cụ thể, chi tiết về các lĩnh vực xuất nhập khẩu của cộng đồng 10 nước thành viên ASEAN, phân tích các thế mạnh và những mặt hạn chế của các đối tác mà các doanh nghiệp nội địa sẽ phải cạnh tranh khi ASEAN trở thành một thị trường thống nhất.

Mục tiêu của Chính phủ Thái Lan là hỗ trợ khoảng 8.000 doanh nghiệp trong nước nắm rõ được các kiến thức cơ bản trong cạnh tranh kinh doanh tại môi trường ASEAN khi AEC hình thành.

Việc chuẩn bị hội nhập Cộng đồng ASEAN nói chung và AEC nói riêng một cách toàn diện còn thể hiện ở việc Chính phủ Thái Lan yêu cầu các cán bộ ở các cơ quan công quyền phải học hai thứ tiếng là tiếng Anh và một thứ tiếng trong ASEAN.

Nhiều cán bộ chọn tiếng Indonesia, nhưng cũng nhiều cán bộ chọn tiếng Việt hoặc tiếng Campuchia. Có thể việc học ngoại ngữ trong vài tháng không làm các cán bộ nhà nước sử dụng thành thạo ba ngôn ngữ đó ngay được, nhưng điều này sẽ giúp họ phần nào hiểu hơn về văn hóa, tập quán của các nước.

Thêm vào đó, Thái Lan cũng thúc đẩy các phong trào tìm hiểu về các nước thành viên ASEAN trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Các em học sinh ở các vùng đều được dạy thêm về các nước thành viên ASEAN. Nhà trường treo cờ ASEAN và học sinh tiểu học được học nhận biết các lá cờ của các nước ASEAN.

Ngoài ra, Thái Lan cũng triển khai các chương trình đào tạo hướng nghiệp nhằm chuẩn bị cho việc trở thành một trong những trung tâm đào tạo nghề của ASEAN, trong đó có việc thực hiện trao đổi đào tạo nghề với các nước trong khối. Các trung tâm đào tạo cũng thực hiện chương trình kết hợp giữa khu vực công và tư nhân nhằm cung cấp cho thị trường lực lượng lao động đủ tiêu chuẩn.

Ủy ban Giáo dục hướng nghiệp Thái Lan cũng đang thực hiện các chương trình hợp tác với nhóm CLMV gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam trong việc triển khai các chương trình đào tạo chung.

Ủy ban này cũng đã ký nhiều thỏa thuận về phát triển đào tạo kỹ năng với các nước ASEAN để đảm bảo đầu ra được công nhận trên toàn khu vực. Các sinh viên theo học sẽ được đảm bảo có kiến thức và kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu của nhà sản xuất. Trong các kế hoạch phối hợp, ủy ban cũng sẽ lưu ý tới việc cải thiện chất lượng lực lượng lao động.

Những bước đi mà Chính phủ Thái Lan đã và đang triển khai đã nhận được những kết quả tích cực và khả quan.

Trong một buổi họp báo về công tác chuẩn bị cho AEC diễn ra hồi tháng Năm vừa qua, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh Thái Lan đã sẵn sàng cho AEC.

Trang web của chính phủ nước này sau đó cũng công bố một báo cáo khẳng định Thái Lan là nước xếp vị trí thứ hai về mức độ sẵn sàng cho AEC sau Singapore.

Báo cáo cũng cho biết Thái Lan đã hoàn tất 80% kế hoạch chi tiết cho hội nhập với các nước ASEAN. Trong khi đó, báo cáo Cập nhật kinh tế năm 2014 của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho rằng Thái Lan cùng Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia và Singapore đã đạt hiệu quả trong việc giảm mức thuế suất xuống gần bằng 0 và hiện đang sẵn sàng giới thiệu thủ tục hải quan mới, gọi là cơ chế "một cửa ASEAN" vào năm 2015.

Những nỗ lực vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân và doanh nghiệp về AEC ở Thái Lan được đánh giá đã mang lại nhiều dấu hiệu tích cực.

Các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị chu đáo hơn cho thời điểm hội nhập, các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đã được tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn, nguồn thông tin, dịch vụ kiểm tra hàng hóa và tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động.

Nhóm doanh nghiệp được coi là cơ sở của nền kinh tế này cũng được trợ giúp về mọi mặt để có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường thế giới và tham gia AEC thông qua sự liên kết và các mối quan hệ liên tục được củng cố giữa Hiệp hội các SMEs Thái Lan với các đối tác nước ngoài.

Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn cũng đã chủ động tiến sang các nước thành viên khác để đón thời cơ. Nhiều tập đoàn lớn như Berli Jucker và Central Group – hai đại gia bán lẻ Thái Lan, thậm chí đã vượt biên giới để chuẩn bị chỗ đứng tại các quốc gia láng giềng được đánh giá là có tiềm năng lớn như Việt Nam, Malaysia và Indonesia.

Có thể thấy, Thái Lan là một trong những nước có sự chuẩn bị tốt nhất cho sự ra đời của Cộng đồng ASEAN nói chung và AEC nói riêng. Sự chuẩn bị này có thể sẽ mang lại những lợi thế nhất định cho Thái Lan giúp Xứ chùa Vàng có tiềm năng trở thành một trong những quốc gia thành công nhất khi gia nhập sân chơi AEC./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục