Thái Lan nỗ lực hạn chế thiệt hại do lũ ở Bangkok

Thủ tướng Thái Lan Yingluck khẳng định chính phủ và chính quyền Bangkok sẽ nỗ lực cao nhất để giảm thiểu mức thiệt hại mà lũ gây ra.
Phát biểu với các nhà báo sau khi đi thị sát các hệ thống ngăn lũ bảo vệ thủ đô Bangkok ngày 26/10, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra khẳng định chính phủ và chính quyền thành phố Bangkok sẽ nỗ lực cao nhất để giảm thiểu mức thiệt hại mà lũ gây ra cho Bangkok.

Theo Thủ tướng Yingluck, trong những ngày qua các cơ quan hữu quan của chính phủ cùng chính quyền thành phố Bangkok đã tiến hành nhiều biện pháp như kè đê, đắp tường chắn, khai thông hệ thống cống và kênh dẫn nhằm hướng dòng nước lũ các tỉnh phía Bắc đổ về chỉ đi qua một số quận, huyện ngoại thành phía Tây và phía Đông của thủ đô.

Tuy nhiên, các hệ thống kè, đê bao và tường chắn lũ đang tỏ ra khó có thể chống chọi với khoảng 8 tỷ m3 nước tiếp tục hướng về phía Bangkok trước khi đổ ra Vịnh Thái Lan. Nhiều khả năng phần lớn diện tích bề mặt của thủ đô Bangkok sẽ bị ngập từ 0,1-1,5 m và tại một số khu vực, tình trạng ngập lụt có thể kéo dài từ 2 tuần tới một tháng.

Mặc dù mức độ ngập lụt ở thủ đô Bangkok không nghiêm trọng như đã diễn ra ở các tỉnh miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan từ giữa tháng 7 đến nay, vốn làm 373 người thiệt mạng và buộc 2,5 triệu người phải sơ tán, nhưng thiệt hại tại thủ đô có thể rất lớn vì Bangkok là trung tâm chính trị và kinh tế.

Theo dự báo của Cơ quan cứu trợ thiên tai, sức mạnh của nước lũ đổ về cộng với triều cường đang dâng nhanh trên Vịnh Thái Lan cản trở nước lũ thoát ra biển, nhiều khả năng đêm 26/10 hoặc ngày 27/10 nước lũ sẽ bắt đầu tràn vào các quận trung tâm thủ đô.

Vào sáng 26/10, nước lũ đã phá vỡ một số đoạn trên phòng tuyến ngăn lũ ở phía Bắc và nước lũ bắt đầu tràn vào một số quận huyện phía Bắc và Tây Bắc thủ đô như Sai Mai, Laksi, Bang Phlad, Bang Sue và Taweewattana.

Trước đó, đêm 25/10, hàng nghìn người dân lánh nạn tại sân bay quốc tế Don Muang cách trung tâm thủ đô 40 km về phía Đông đã một lần nữa phải chuyển tới địa điểm lánh nạn khác khi nước lũ dâng cao tràn qua hệ thống tường chắn bảo vệ sân bay và khiến sân bay này phải đóng cửa.

Trong khi đó, mối đe dọa thiên tai tới gần đã khiến người dân Bangkok từ tâm trạng thấp thỏm và căng thẳng trong mấy tuần qua giờ chuyển sang hoảng sợ, lo tìm nơi sơ tán hoặc tích trữ đồ nhu yếu phẩm.

Các siêu thị tại Bangkok vốn vắng bóng nhiều mặt hàng thiết yếu trong mấy tuần gần đây, như mì tôm và nước đóng chai, đã bắt đầu áp dụng chính sách bán hạn chế từ ngày 25/10 đối với tất cả các mặt hàng nhu yếu phẩm, như gạo, sữa, trứng, bánh kẹo, giấy vệ sinh....

Nhiều vật dụng như xô, chậu và thùng nhựa cũng trở nên khan hiếm khi người dân đổ xô đi mua để tích trữ nước sạch đề phòng trường hợp thành phố bị cắt điện và nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục