Thái Lan: Nông dân hoãn biểu tình, chính phủ có vơi nỗi lo?

Những người nông dân Thái Lan đã nhất trí trở về nhà nhưng họ sẽ trở lại nếu chính phủ không thanh toán tiền bán lúa đúng hạn.
Thái Lan: Nông dân hoãn biểu tình, chính phủ có vơi nỗi lo? ảnh 1Nông dân Thái Lan đưa máy kéo hướng về thủ đô Bangkok. (Nguồn: Reuters)

Ngày 22/12, hàng nghìn nông dân Thái Lan từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung đã nhất trí trở về nhà, không bao vây sân bay Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok hòng gây thêm sức ép buộc chính phủ hiện nay phải ra đi.

Thông tin này đã được đại diện của những người nông dân Chada Thaiset xác nhận. Ông này còn nói rằng Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã cam kết sẽ trả những khoản nợ quá hạn cho người nông dân vào tuần tới trong cuộc đối thoại giữa hai bên.

Tuy nhiên, những người nông dân này cũng tuyên bố rằng họ sẽ trở lại và cắm trại tại Suvarnabhumi một khi những khoản nợ bán lúa quá hạn của họ không được thanh toán vào tuần tới đúng như chính quyền cam kết.

Việc những người nông dân rút khỏi thủ đô sẽ vơi đi một mối lo ngại với chính phủ Thái Lan, nơi đang phải vất vả đối phó với hàng loạt "đòn đánh" của Phong trào biểu tình do ông Suthep Thaugsuban lãnh đạo.

Thực tế là chính phủ Thái Lan vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn vì không có đủ thẩm quyền để huy động 130 tỷ baht chi trả cho người nông dân theo chương trình trợ giá gạo mà họ tạo ra.

Chính phủ đã nhiều lần hứa trả tiền, nhưng họ vẫn chưa thể thực hiện được điều này vì lý do chính nói trên.

Sự thất hứa nhiều lần cộng thêm việc nhiều người dân đi rút tiền gửi vì không muốn để chính phủ hoạt động trong bối cảnh diễn biến chính trị hiện nay đã khiến người nông dân nổi giận.

Họ cho rằng sự ra đi của chính phủ sẽ gỡ bỏ được mọi rào cản, mở đường cho việc nhận lại được tiền bán lúa. Mục tiêu để họ hối thúc chính phủ phải trả tiền chính là sân bay Suvarnabhumi.

Hành động chặn sân bay của người nông dân Thái Lan được giải thích là không liên quan tới chính trị, nhưng báo chí Thái Lan nói rằng người cổ vũ cho nông dân xuống thủ đô lần này là ông Chada, cựu nghị sỹ đảng Chartthai Pattana, tỉnh Uthai Thani.

Ông này từng bày tỏ sự không hài lòng với đảng Vì Thái Lan sau khi họ đã đưa ứng cử viên vào khu vực bầu cử của ông ta khiến cho ông ta thất cử trước đó.

Một số nông dân khác cho biết họ cũng đang chuẩn bị đơn kiện gửi Văn phòng thanh tra nhà nước để yêu cầu điều tra toàn bộ chương trình trợ giá gạo của chính phủ vì nạn tham nhũng là nguyên nhân chính khiến người nông dân không được nhận tiền bán lúa của mình.

Bà Vana Sangkiri, nông dân tỉnh Phetchaburi, cho biết: "Người nông dân không muốn phải ra khỏi nhà bởi còn công việc đồng áng dang dở. Nhưng họ bất đắc dĩ phải đi để hỏi xem tiền bán lúa của mình hiện đang ở đâu. Mùa tới chúng tôi chưa biết sẽ phải lấy tiền ở đâu ra để sản xuất tiếp. Chính phủ quyết định giải tán Quốc hội ngày 9/12, nhưng chúng tôi đã bán lúa xong cho họ từ trước đó hai tháng. Tại sao họ không chuẩn bị để trả nợ cho chúng tôi trước. Họ làm nhiệm vụ giúp người nông dân cải thiện đời sống thì họ phải có tiền chuẩn bị sẵn rồi chứ. Chúng tôi thật sự không thể hiểu nổi, chúng tôi nóng ruột lắm rồi và chỉ cần đòi lại tiền bán lúa của chúng tôi mà thôi. Người ta nói rằng mua 15.000 baht/tấn lúa, nhưng thực tế chúng tôi chỉ bán được khoảng 14.000 baht/tấn vì còn trừ trọng lượng độ ẩm trong lúa nữa."

Chính phủ tạm quyền Thái Lan đã cố gắng tìm các nguồn tiền để chi trả cho người nông dân. Nhưng điều khó khăn nhất là họ không có đủ quyền lực để huy động được hơn 100 tỷ baht trả nợ cho người nông dân. Cho tới nay, mới chỉ có khoảng từ 1 đến 2% số nông dân Thái Lan được nhận tiền sau lời hứa của bà Yingluck hôm 17/2.

Trên thực tế, chính phủ đã tự tạo ra một khoản nợ khổng lồ từ chương trình trợ giá gạo bởi họ thu mua với giá cao hơn giá thị trường 40% và hiện với tư thế là chính phủ tạm quyền, họ đã không thể tìm được ngân hàng nào sẵn sàng cho vay tiền trả nợ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục