Thái Lan siết chặt an ninh cho bầu cử bổ sung

Ngày 10/1, Thái Lan đã tăng cường an ninh tại hầu hết các địa phương trong cả nước để chuẩn bị cho cuộc bầu cử bổ sung sẽ diễn ra ngày 11/1.

Ngày 10/1, Thái Lan đã tăng cường an ninh tại hầu hết các địa phương trong cả nước để chuẩn bị cho cuộc bầu cử bổ sung sẽ diễn ra ngày 11/1.

Đây là cuộc bầu cử để chọn 29 nghị sĩ vào số ghế đang khuyết trong Quốc hội, sau khi hai đảng chủ chốt trong liên minh cầm quyền trước đây là đảng Quyền lực nhân dân (PPP) và Dân tộc Thái (Chart Thai) bị Tòa án Hiến pháp ra phán quyết giải thể và cấm hoạt động chính trị đối với nhiều quan chức các đảng này.

Mặc dù chỉ là cuộc bầu cử phụ, song dư luận Thái Lan cho rằng đây sẽ là "phép thử" đối với chính phủ của tân Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.

Cảnh sát đã được điều động tăng cường tại 22 tỉnh thành trong cả nước, lệnh cấm mua bán và sử dụng các chất có cồn cũng đã được ban hành. Tại mỗi một điểm bỏ phiếu đều có ít nhất 2 cảnh sát túc trực để giữ gìn trật tự...

Đây sẽ là những biện pháp bảo đảm an ninh quy mô nhất được áp dụng cho các cuộc bầu cử phụ ở Thái Lan từ trước tới nay.

Có tổng cộng 83 ứng cử viên đại diện cho 13 chính đảng sẽ tham gia tranh cử 29 ghế nghị sĩ nói trên. Báo chí Thái Lan dự đoán cử tri sẽ dành nhiều sự ủng hộ cho các ứng cử viên thuộc các đảng trong chính quyền mới, và đảng Vì nước Thái (Puea Thai) đối lập chỉ có thể giành được 8 ghế.

Tại Bangkok cho biết Thủ tướng Abhisit cũng đã tuyên bố sẽ không dung thứ các cuộc biểu tình bạo lực. Trong cuộc họp với các quan chức Bộ Tư pháp ngày 9/1, ông Abhisit tuyên bố Chính phủ Thái Lan không phản đối biểu tình và sẽ kiềm chế tối đa trước những công kích bằng lời lẽ, nhưng sẽ không dung thứ cho những người gây mất trật tự hoặc có hành động bạo lực.

Ông cho biết đã chỉ thị cảnh sát và các cơ quan chức năng kiềm chế tối đa khi đối phó với lực lượng biểu tình "áo đỏ" thuộc Mặt trận Dân chủ chống độc tài (DAAD), song sẽ kiên quyết xử lý các hành vi bạo lực.

Tuyên bố trên được ông Abhisit đưa ra trong bối cảnh bất ổn chính trị ở Thái Lan chưa có dấu hiệu chấm dứt khi DAAD đe dọa tiến hành các cuộc biểu tình quy mô lớn để cản trở hoạt động của chính phủ mới cũng như việc Thái Lan đăng cai Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14, vốn đã bị trì hoãn nhiều lần. /.

(TXVN/Vietnam+)
 

Tin cùng chuyên mục