Thái Lan tăng cường kiểm soát báo chí, ngăn xung đột chính trị

Ủy ban soạn thảo hiến pháp Thái Lan đề xuất thành lập cơ quan "điều phối báo chí" để tăng cường kiểm soát báo chí, ngăn chặn "những cuộc chiến truyền thông" vốn là mầm mống của các xung đột chính trị.
Thái Lan tăng cường kiểm soát báo chí, ngăn xung đột chính trị ảnh 1Biểu tình ở Thái Lan. (Ảnh minh họa: AP)

Báo cáo mới nhất của Tiểu ban hòa giải thuộc Ủy ban soạn thảo hiến pháp Thái Lan (CDC) đã đề xuất thành lập một cơ quan "điều phối báo chí" để tăng cường kiểm soát báo chí, ngăn chặn "những cuộc chiến truyền thông" vốn là mầm mống của các xung đột chính trị.

Theo đề xuất trên, Cơ quan điều phối báo chí sẽ trực thuộc Ủy ban Quốc gia về phát sóng và viễn thông (NBTC) do Hội đồng Nhà báo quốc gia Thái Lan (NJC) đã không thể điều phối hiệu quả các hoạt động của giới truyền thông tại nước này.

Theo tiểu ban này, việc tập trung kiểm soát hoạt động truyền thông có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề gây trở ngại cho tiến trình hòa giải vì lịch sử đã chứng minh rằng báo chí Thái Lan đã góp phần gây ra cuộc xung đột xã hội kéo dài.

Báo cáo cũng cảnh báo về việc các lực lượng chính trị tại Thái Lan đã lợi dụng các phương tiện truyền thông báo chí thuộc sở hữu của họ để gây ra "các cuộc chiến truyền thông" phục vụ mục đích chính trị hẹp hòi.

Các thông tin do truyền thông chính phủ cung cấp bị xuyên tạc và không thể đến với người dân một cách đầy đủ, gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách. Từ đó, Tiểu ban hòa giải đề xuất xây dựng các cơ chế để quản lý, điều phối và thậm chí là đình chỉ hoạt động các báo, đài đã có hành động kích động xung đột xã hội.

Đối với truyền thông nước ngoài, tiểu ban trên đề nghị chính phủ thực hiện chiến lược tích cực cung cấp thông tin chính xác về những gì đang diễn ra tại Thái Lan để tránh việc nước này "bị cả thế giới cô lập" khi phe đối lập sử dụng báo chí nước ngoài gây áp lực.

Một cơ quan quan hệ công chúng thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan sẽ được đề xuất thành lập để xây dựng hình ảnh tốt đẹp hơn về đất nước và ngăn chặn tác động của các thông tin trái chiều./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục