Thái Lan tăng hợp tác quốc phòng với các láng giềng

Nội các Thái Lan đã thông qua kế hoạch do Bộ Quốc phòng nước này đề xuất nhằm tăng cường  hợp tác an ninh với các quốc gia láng giềng.
Trong cuộc họp thường kỳ vừa qua, nội các Thái Lan đã thông qua kế hoạch do Bộ Quốc phòng nước này đề xuất nhằm tăng cường quan hệ và hợp tác an ninh với các quốc gia láng giềng.

Kế hoạch này liên quan tới một khoản ngân sách 50 triệu bạt (tương đương 1,6 triệu USD) và phù hợp với chính sách đối ngoại của Chính phủ Thái Lan hiện nay là mong muốn khôi phục và phát triển quan hệ hợp tác với các nước láng giềng cũng như các quốc gia khác.

Theo kế hoạch vừa được thông qua, Bộ Quốc phòng Thái Lan sẽ là cơ quan cung cấp hỗ trợ quân sự như nhân lực, trang thiết bị và tài chính cho các quốc gia láng giềng và các nước bạn bè, đặc biệt là Campuchia, Lào và Myanmar.

Các hoạt động này bao gồm cả tăng cường huấn luyện và nghiên cứu, hợp tác nhằm giải tỏa các vấn đề biên giới, ngăn chặn thảm họa thiên tai và nhập cư bất hợp pháp, phối hợp cùng phát triển và cải thiện cuộc sống của người dân.

Bộ Quốc phòng Thái Lan cho biết kế hoạch trên phù hợp với tầm nhìn và chiến lược quốc phòng của bộ nhằm tăng cường hợp tác an ninh giữa các nước, đồng thời cũng phù hợp với mô hình phát triển mới của Văn phòng Ban chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội quốc gia, góp phần giúp Thái Lan chuẩn bị cho việc hình thành một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Tại cuộc họp này, nội các Thái Lan cũng đã chỉ định một số cơ quan hữu quan làm nhiệm vụ thúc đẩy biên mậu và thiết lập cơ sở sản xuất tại các nước láng giềng.

Theo Bộ Thương mại Thái Lan, có năm chiến lược đã được vạch ra nhằm thúc đẩy biên mậu và đầu tư vào các nước láng giềng.

Đầu tiên là tìm cách triển khai hệ thống hậu cần quốc tế và cơ sở công nghiệp tại các nước láng giềng.

Thứ hai là kêu gọi thúc đẩy thương mại và đầu tư vào các ngành công nghiệp sử dụng lao động chuyên môn tại các nước láng giềng.

Trong chiến lược thứ ba, Thái Lan sẽ tăng cường an ninh lương thực cho các quốc gia trong Cộng đồng ASEAN theo cách giúp họ trở thành nước sản xuất lương thực, thực phẩm chính để cung cấp cho châu Á.

Thứ tư là khuyến khích các doanh nhân Thái Lan đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ ở các nước láng giềng.

Chiến lược cuối cùng là thiết lập Cơ quan Ngoại thương Thái Lan (TETRO) để trợ giúp nhà đầu tư Thái Lan muốn tìm kiếm cơ hội làm ăn ở các nước láng giềng.

Để triển khai những chiến lược này, sắp tới, Thái Lan sẽ tiến hành sửa chữa lại cây cầu hữu nghị đầu tiên Thái Lan-Myanmar nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa.

Cây cầu hữu nghị thứ hai giữa hai nước cũng sẽ nhanh chóng được xây dựng và Bộ Giao thông Thái Lan sẽ phải nâng cấp sân bay Mae Sot, tại tỉnh Tak, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và du lịch ngày càng tăng dọc biên giới Thái Lan-Myanmar.

Các nhà đầu tư Thái Lan cũng đã được hối thúc tái mở rộng cơ sở sản xuất ở Campuchia, đặc biệt là trong ngành công nghiệp may mặc và đóng giầy.

Thái Lan cũng sẽ sớm triển khai xây dựng kho chứa tại Tha Naleng ở Lào nhằm góp phần trong việc phân phối sản phẩm.

Ngoài ra, Thái Lan cũng đang đẩy nhanh việc thực thi Thỏa thuân Vận tải liên biên giới với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Me Kong./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục