Thái Lan: Ủng hộ các ủy ban hòa giải và cải cách

Thái Lan: Ủng hộ các ủy ban hòa giải và cải cách

Biểu thị ủng hộ các ủy ban hòa giải  và cải cách, Thủ tướng Thái khẳng định các ủy ban này cần sự khích lệ để hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày 12/7, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã biểu thị sự ủng hộ đối với các ủy ban hòa giải chính trị, dân tộc và cải cách mà chính phủ vừa thành lập và khẳng định các ủy ban này cần thời gian và sự khích lệ để hoàn thành nhiệm vụ.

Mạng tin của báo Bưu điện Bangkok dẫn lời ông Abhisit nêu rõ ông ủng hộ các thành viên trong các ủy ban, vì họ là những người lo lắng cho đất nước, đứng ra gánh vác trách nhiệm chứ không mưu cầu lợi ích cá nhân.

Ông Abhisit kêu gọi tất cả các bên hợp tác với các ủy ban và bày tỏ tin tưởng các ủy ban sẽ sớm đi vào hoạt động và đến cuối năm có thể đạt được kết quả cụ thể ban đầu.

Phát biểu trên của ông Abhisit được đưa ra sau khi các ủy ban do cựu Thủ tướng Anand Panyarachun, nhà hoạt động xã hội Prawase Wasi và cựu Tổng chưởng lý Kanit na Nakorn đứng đầu, bị chỉ trích là thiếu độc lập và sự trung thực cần thiết để đoàn kết nhân dân.

Người phát ngôn đảng Puea Thai (Vì nước Thái) đối lập, ông Prompong Nopparit ngày 11/7 cho rằng các ủy ban này chỉ đóng vai trò “con rối của chính phủ với những lời nói xuông về hòa giải” và họ thậm chí không quan tâm đến việc chính phủ vẫn tiếp tục cuộc “săn lùng áo đỏ.”

Trong khi đó, Chủ tịch Thượng viện, ông Prasobsuk Boondej, cũng tỏ ra thiếu tin tưởng các ủy ban khi tự đứng ra tổ chức chuyến đi tới vùng Đông Bắc, căn cứ địa của phong trào "áo đỏ," để trực tiếp trao đổi và lắng nghe quan điểm chính trị của nhân dân.

Mạng tin báo Bưu điện Bangkok cũng dẫn lời ông Chartchai Suthiklom, phụ trách Ủy ban trừng phạt Thái Lan, cho rằng việc đối xử với các nghi can "áo đỏ" đang bị giam giữ tại các nhà tù, hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Chartchai nhấn mạnh sự đối xử của ủy ban này đối với các nghi can "áo đỏ" thuộc Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) và các tù nhân khác là công bằng và tôn trọng nhân quyền.

Về vấn đề các nghi can UDD phàn nàn không được phép gặp luật sư, ông Chartchai cho biết đây là vấn đề do tòa án giải quyết, chứ không phải Ủy ban trừng phạt. Hiện có 257 nghi can UDD đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Thái Lan.

Trong khi đó, mạng tin của báo Dân tộc ngày 12/7 cho biết cảnh sát vừa gửi giấy triệu tập tới 80 thành viên của Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD), yêu cầu từ ngày 28/7 đến 6/9 phải đến trình diện và khai báo về các vi phạm của họ trong chiến dịch biểu tình của người "áo vàng" năm 2008, với các cáo buộc gây rối trật tự công cộng, chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, vi phạm lệnh tình trạng khẩn cấp, chiếm đóng trụ sở cơ quan nhà nước, làm đình trệ hoạt động hàng không và tội khủng bố.

Sau làn sóng biểu tình tạo tiền đề cho cuộc đảo chính lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006, PAD năm 2008 lại tiến hành cuộc biểu tình kéo dài với đỉnh cao là việc chiếm đóng Tòa nhà chính phủ, phong tỏa trụ sở Quốc hội và hai sân bay quốc tế tại Bangkok./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục