Tham gia BHXH tối thiểu giảm còn 15 năm: Đóng ít đi kèm lương hưu thấp

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ 15 năm trở lên sẽ có thể được nhận lương hưu thay vì mức tối thiểu 20 năm như luật hiện hành nhưng số năm đóng ít cũng đi kèm mức hưởng lương hưu thấp,
Tuyên truyền về chinh sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tuyên truyền về chinh sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội đang được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng, quy định về điều kiện được hưởng lương hưu được nới lỏng khi giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm. Sự điều chỉnh này nhằm mục đích mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội.

Đóng 15 năm được hưởng lương hưu tỷ lệ 45%

Theo dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến, khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo Bộ Luật lao động năm 2019 mà có từ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì tối thiểu 20 năm như hiện hành.

Tuy nhiên, đối với trường hợp đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để có lương hưu phải là 20 năm thay vì 15 năm.

Cùng với việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội khi đóng đủ 15 năm với nữ và 20 năm với nam; sau đó, mỗi năm đóng được cộng thêm 2%, lương hưu tối đa bằng 75% mức lương đóng. Người lao động nghỉ hưu trước tuổi, mỗi năm nghỉ trước tuổi tính giảm 2% trên tỷ lệ lương hưu được hưởng.

[Cải cách an sinh xã hội: Nguy cơ 12 triệu lao động không có lương hưu]

Theo phân tính của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, quy định về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu là 20 năm dẫn đến nhiều người không đủ kiên nhẫn, rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần lớn và có xu hướng tăng nhanh.

Nếu giảm năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội dự báo sẽ giúp giảm số người rút bảo hiểm xã hội một lần ít nhất khoảng trên 10.000-40.000 người/năm.

Cân nhắc bài toán đóng ngắn-hưởng thấp

Với đề xuất điều chỉnh của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất, nữ tới tuổi nghỉ hưu khi có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ được tính lương hưu bằng 45% mức đóng. Trường hợp người lao động được đóng bảo hiểm xã hội chỉ bằng mức lương tối thiểu, bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trong 15 năm đóng vừa qua là khoảng 3,8 triệu đồng/tháng, nếu về hưu sẽ được mức lương 1,7 triệu đồng/tháng.

Tham gia BHXH tối thiểu giảm còn 15 năm: Đóng ít đi kèm lương hưu thấp ảnh 1Chi trả lương hưu cho người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với nam giới, nếu tới tuổi nghỉ hưu khi mới tham gia bảo hiểm xã hội 15 năm, mỗi năm đóng sẽ được tính bằng 2,25% (do chưa đủ 20 năm đóng để được tính 45% lương), lương hưu được tính bằng 33,75% tiền lương tháng tính đóng bảo hiểm xã hội. Nếu cùng mức lương tháng tính đóng bảo hiểm xã hội là 3,8 triệu đồng/tháng như nữ cùng đóng 15 năm, nam về nghỉ hưu sẽ nhận mức lương chưa tới 1,3 triệu đồng/tháng.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng về nguyên tắc đóng bảo hiểm xã hội để có lương hưu là tích lũy cả đời. Khi giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để nhận lương hưu đồng nghĩa số tiền nhận được sẽ ít hơn. Với cách tính lương hưu như trong dự thảo luật, tương lai sẽ có nhiều người hưởng lương hưu ở mức rất thấp.

Mặc khác, ông Phạm Minh Huân cũng băn khoăn về đề xuất cùng số năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng mức hưởng lương hưu của nam và nữ chênh lệch nhau quá lớn. Nếu cùng đóng bảo hiểm xã hội 15 năm, khi nhận lương hưu nữ được bằng 45% mức đóng, nhưng nam chỉ được 33,7% mức đóng.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, một chuyên gia về lao động cũng đồng tình nguyên tắc của bảo hiểm xã hội là đóng-hưởng, nên người đóng trong thời gian dài hơn thì sẽ nhận mức lương hưu cao và ngược lại. Người đóng ít và chỉ đóng trong 15 năm thì sẽ nhận mức lương hưu thấp nhưng vẫn hơn không có lương hưu.

Tuy nhiên, bà Hương cho rằng khi có lương hưu, dù thấp, người nghỉ hưu sẽ được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, các chế độ tử tuất. Điều này sẽ giúp tăng tỷ lệ bao phủ bảo  hiểm xã hội.

Khi giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để có lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm sẽ có thêm nhiều người lao động có lương hưu, đạt được mục tiêu mở rộng bao phủ của bảo hiểm xã hội. Thế nhưng cùng với việc nới lỏng điều kiện hưởng lương hưu, nhóm nhận mức lương hưu thấp cũng sẽ tăng thêm vì thời gian đóng ngắn mức lương cũng sẽ không cao.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng số năm đóng ít cũng đi kèm mức hưởng lương hưu thấp, do đó người lao động cần chấp nhận và nên tính toán tham gia lâu dài hơn để tỷ lệ hưởng lương hưu cao dần lên. Cùng với đó, Nhà nước nên tính toán để có sàn an sinh xã hội với những người có mức lương hưu thấp.

“Bên cạnh chế độ phúc lợi xã hội, Nhà nước cũng nên xem xét có thể hỗ trợ mức đóng, hỗ trợ lương hưu hoặc có cơ chế linh hoạt cân đối quỹ bảo hiểm xã hội bằng sự chia sẻ giữa các thế hệ và các đối tượng... Vấn đề quan trọng là Nhà nước phải có chính sách có thể điều chỉnh mức lương, để làm sao người đóng bảo hiểm xã hội 15 năm cũng phải có số lương hưu đủ sống,” ông Bùi Sỹ Lợi nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục