Tham gia hiệp định TPP giúp thúc đẩy thương mại Malaysia

Kim ngạch thương mại trị giá hàng nghìn tỷ ringgit của Malaysia có thể sẽ gia tăng hơn nữa khi nước này tham gia Hiệp định TPP và các Hiệp định FTA với EU.
Tham gia hiệp định TPP giúp thúc đẩy thương mại Malaysia ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Reuters)

Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed cho biết kim ngạch thương mại trị giá hàng nghìn tỷ ringgit của Malaysia có thể sẽ gia tăng hơn nữa, khi nước này tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định tự do thương mại (FTA) với Liên minh châu Âu (EU).

Theo Bộ trưởng Mustapa, nền kinh tế Malaysia đã phát triển mạnh nhờ sự mở cửa thị trường rộng hơn thông qua việc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) và các FTA khác.

Các FTA hiện tại cho phép tiếp cận thị trường ưu đãi đối với 63,5% khối lượng thương mại của Malaysia, gồm thị trường ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản. Đáng chú ý là phần lớn các sản phẩm xuất khẩu của Malaysia sang các thị trường này đều có mức thuế bằng 0%.

Malaysia đã ký FTA với Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, New Zealand, Chile, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản.

Việc tham gia TPP và ký kết FTA với EU sẽ giúp cho nhiều hàng hóa của Malaysia được ưu đãi khi vào các thị trường này. Ông Mustapa nhấn mạnh: "Với việc xóa bỏ hàng rào thuế quan và các ưu đãi bổ sung, hàng hóa xuất khẩu của Malaysia sẽ có một vị thế cạnh tranh tốt hơn so với các đối thủ của các nước láng giềng."

FTA giữa Malaysia và EU hiện đang bị "treo," nhưng đàm phán TPP đã được tiến hành tích cực trong suốt bốn năm qua.

Các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã tham gia vào các vòng đàm phán TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Peru, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Mỹ.

Bộ trưởng Mustapa nhấn mạnh năm lĩnh vực mà Malaysia sẽ hưởng lợi nếu tiếp cận các thị trường đã được xóa bỏ các hàng rào thuế quan gồm các sản phẩm điện và điện tử; găng tay cao su; các sản phẩm dầu cọ; gỗ ván ép, gỗ và các sản phẩm gỗ công nghiệp. Chẳng hạn, đối với sản phẩm điện và điện tử, mức thuế nhập khẩu hiện ở mức từ 3-5% tại thị trường Mỹ; thị trường Canada 5-11%; Mexico 5-15%; và Peru 9%.

Găng tay cao su, mặt hàng mà Malaysia đang có lợi thế, có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Canada, Mexico và Peru và mức thuế hiện tại là từ 9-15,5%.

Ông Mustapa cũng cho biết hiện Malaysia đang đàm phán mức thuế 0% đối với mặt hàng dầu cọ và các sản phẩm dầu cọ, nhằm dễ tiếp cận các thị trường Canada và Peru. Dự kiến mực thuế này sẽ có hiệu lực ngay khi kết thúc đàm phán.

Mặc dù đã có một số tiến triển trong giải quyết các vấn đề kỹ thuật, tuy nhiên nhiều vấn đề "nhạy cảm" vẫn chưa được giải quyết, như quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp đầu tư nhà nước; mua sắm chính phủ; môi trường và doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục