Thảm họa sẽ đổ ập xuống châu Á khi Mỹ thất bại ở Ukraine?

Một nước Nga lo sợ đã triển khai quân dọc theo biên giới Ukraine để thu hút sự chú ý của Mỹ về yêu sách của họ. Rõ ràng, mối đe dọa can thệp quân sự khiến Mỹ phải lắng nghe lo ngại an ninh của Nga.
Thảm họa sẽ đổ ập xuống châu Á khi Mỹ thất bại ở Ukraine? ảnh 1Đại sứ quán Mỹ tại Kiev, Ukraine. (Nguồn: Shutterstock)

Theo trang mạng asiatimes.com, chưa rõ khi nào cuộc khủng hoảng Ukraine có thể khép lại trong hòa bình, hay chiến tranh sẽ nổ ra tại châu Âu.

Trong nhiều năm, nhiều người phương Tây hoan nghênh việc giảm bớt sự lệ thuộc vào lực lượng quân sự trong quan hệ quốc tế. Nhiều học giả đã báo trước “dấu chấm hết của lịch sử” và sự thống trị của một trật tự tự do quốc tế dựa trên các quy tắc.

Tuy nhiên, dù có tiến bộ đến thế nào đi nữa, bản chất con người vẫn không thay đổi. Như Thucydides đã chỉ ra rằng, với con người, “nỗi lo sợ” là một bản năng gốc và mạnh mẽ.

Một nước Nga lo sợ đã triển khai quân dọc theo biên giới Ukraine để thu hút sự chú ý của Mỹ về các yêu sách của họ. Và rõ ràng, mối đe dọa can thiệp quân sự đã khiến Mỹ phải lắng nghe những lo ngại về an ninh của Moskva.

Nga muốn được đối xử như Liên Xô trước đây, vì vậy họ muốn có tiếng nói trong cấu trúc an ninh châu Âu. Những diễn biến mới không phải là điều gì quá ngạc nhiên với những người vẫn giữ lăng kính chính trị quốc tế thực dụng, nhất là sau khi Nga sáp nhập Crimea và khuyến khích chủ nghĩa ly khai ở miền Đông Ukraine.

Nga không thể tiếp tục khoanh tay đứng nhìn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) mở rộng về phía Đông cũng như việc phương Tây khuyến khích “các cuộc cách mạng màu.”

Ngược lại, cuộc thập tự chinh dân chủ khiến Nga lo ngại bởi họ vừa bị gạt ra ngoài lề, vừa bị chĩa mũi dùi chỉ trích. Nga cũng làm sống lại các khái niệm về vùng đệm và phạm vi ảnh hưởng.

Moskva bóng gió họ có thể dùng vũ lực để đảm bảo phạm vi an ninh rộng lớn hơn bằng cách yêu cầu các quốc gia dọc theo biên giới của Nga, dù trên danh nghĩa đã độc lập, tiếp tục nằm trong quỹ đạo an ninh mà Nga thiết lập. Nhìn vào những cuộc xâm lược trong quá khứ từ phương Tây, lo ngại của Nga là điều hoàn toàn hợp lý.

[Mỹ đóng cửa Đại sứ quán tại Kiev, khẳng định tiếp tục ủng hộ Ukraine]

Cuộc khủng hoảng Ukraine nhắc người ta nhớ về những giới hạn của ngoại giao. Mỹ và các đồng minh châu Âu chỉ càng kích động Nga bằng việc nhắc lại những cam kết ngoại giao mạnh mẽ. Điều này hầu như không hiệu quả nếu không đi cùng lựa chọn vũ lực đủ tin cậy.

Ukraine là thử thách quốc tế quan trọng đầu tiên đối với Mỹ sau Afghanistan. Mỹ, không sẵn sàng can thiệp về mặt quân sự, chỉ cảnh báo về những hậu quả kinh tế nghiêm trọng đối với Nga, thực tế cho đến nay không có nhiều ảnh hưởng tới Tổng thống Vladimir Putin.

Tổng thống Joe Biden đã lỡ lời khi nói rằng Mỹ có thể bỏ qua nếu đó chỉ là một cuộc xâm lược hạn chế, song tất nhiên, Tổng thống Putin muốn nhiều hơn và vẫn chưa rõ ai sẽ thắng trong trò chơi này.

Tất cả, cả bạn bè và kẻ thù của nước Mỹ, đều theo dõi Washington và nhận thấy một chính quyền yếu kém. Cuộc khủng hoảng này càng xác nhận rõ xu hướng suy giảm vị thế của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu.

Tất nhiên đây không phải là điều chưa từng có tiền lệ, Mỹ có thể thoát khỏi sự thoái trào này và hành động mạnh mẽ, nhưng thế giới cho rằng kịch bản đó là khó khả thi. Và điều đáng nói là nhận thức thường sẽ quyết định hành vi.

Washington có lẽ đang bỏ lỡ cơ hội tái thiết quan hệ với Moskva và thay đổi đáng kể cán cân quyền lực toàn cầu. Có lẽ Mỹ nên tranh thủ Tổng thống Putin để đẩy lùi Trung Quốc, thách thức quốc tế thực sự mà nước Mỹ ngày nay đối mặt. Nói cách khác, việc giải quyết căng thẳng Mỹ-Nga ở Đông Âu sẽ cho phép Washington tập trung vào thách thức chính yếu của mình.

Mỹ có thể lôi kéo Nga tái gia nhập nền văn minh phương Tây. Xét cho cùng, về mặt văn hóa, Nga là một phần của phương Tây, xét đến cả các di sản văn học, âm nhạc, múa balê và Thiên chúa giáo. Hơn thế nữa, Mỹ cũng có thể công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Moskva.

Phương Tây có thể chấp nhận "Phần Lan hóa" Ukraine để xoa dịu những lo sợ của Nga. Moskva đã bao dung với sự hiện diện của một Phần Lan dân chủ trong quỹ đạo an ninh của Nga suốt Chiến tranh Lạnh. Moskva có thể hài lòng hơn với một sự hòa hoãn với Mỹ hơn là việc phải chấp nhận một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Đối với châu Âu, cuộc khủng hoảng này đã làm rõ nhiều điều. Bất chấp những cuộc thảo luận và kêu gọi về việc xây dựng một đội quân đội của châu Âu và “quyền tự chủ chiến lược,” châu Âu vẫn cần chiếc ô an ninh của Mỹ trước một nước Nga - nhà cung cấp năng lượng chính - ngày càng quyết đoán hơn.

Cách hành xử của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Ukraine cũng ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán hạt nhân ở Vienna. Tehran, vốn tin rằng Mỹ đang suy yếu, càng có thêm động lực và thậm chí sẽ tìm cách trì hoãn nhiều hơn nữa cho tới khi có được thỏa thuận như ý muốn.

Iran cũng có thể sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn các lực lượng ủy nhiệm để chống lại các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông. Israel có thể quyết định phớt lờ Washington trước khi có một hành động mạnh mẽ.

Một chiến thắng của Nga ở châu Âu có thể gây ra một cơn bão nghiêm trọng ở Trung Đông. Và cũng tương tự như vậy, Trung Quốc có thể nhận thức rằng Mỹ không còn sự quyết tâm và những mối đe dọa mà Bắc Kinh đặt ra không còn nằm trong mối quan ngại của Mỹ. Một cuộc tấn công nhằm vào Đài Loan rất có thể sẽ tiếp nối ngay sau đó.

Khủng hoảng Ukraine một lần nữa cho thấy sự vô dụng của các bảo đảm quốc tế. Bản ghi nhớ Budapest được Nga, Anh và Mỹ ký năm 1994, khẳng định các đảm bảo an ninh chống lại các mối đe dọa hoặc vũ lực ảnh hưởng tới sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, Belarus và Kazakhstan để đổi lấy việc từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ.

Đáng tiếc là bản ghi nhớ đã không còn được tôn trọng khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Các định chế quốc tế cũng đi đến thất bại tương tự. Mỹ đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thảo luận về việc Nga triển khai tại biên giới với Ukraine, dù biết rằng Nga nắm quyền phủ quyết.

Ở Washington, những gì gọi là “ngoại giao phòng ngừa” này thường kết thúc bằng các cuộc đụng độ đầy giận dữ và vô ích giữa các đặc phái viên của Nga và Mỹ.

Người Ukraine có lẽ sẽ nhận ra rằng tất cả chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới với các “khế ước xã hội,” nơi cuộc sống là “đơn độc, nghèo nàn, tồi tệ, tàn bạo và ngắn ngủi”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục