Thâm hụt ngân sách cản trở kinh tế thế giới phục hồi

Giám đốc IMF nhận định, kinh tế thế giới đang phục hồi, nhưng với tốc độ yếu ớt và vẫn bị cản trở bởi tình trạng thâm hụt ngân sách.
Kinh tế thế giới đang phục hồi, nhưng với tốc độ yếu ớt và vẫn bị cản trở bởi tình trạng thâm hụt ngân sách lớn ở không ít các quốc gia.

Giám đốc Quỹ Tiến tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn đã đưa ra nhận định thận trọng như vậy ngày 30/1, tại phiên họp bế mạc Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ.

Theo ông Kahn, bức tranh kinh tế thế giới đã sáng sủa hơn, khi châu Á dẫn đầu nhóm các nước nổi lên sau cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt là Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo ở mức hai con số.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ còn chìm trong thất nghiệp và khu vực đồng euro đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ nhà nước, sự phục hồi này là mong manh.  Ông đề nghị cải tổ mạnh mẽ khu vực tài chính, nhưng thừa nhận đây sẽ là một trong những thách thức lớn nhất đối với thế giới, đòi hỏi phải mất từ 5-7 năm mới giải quyết được, tùy theo tình hình ở mỗi nước.

Dù không nằm trong chương trình nghị sự, siết chặt quy định trong khu vực ngân hàng bất ngờ trở thành diễn biến quan trọng nhất trong phiên họp cuối cùng. Hơn một chục nhà điều phối, bộ trưởng tài chính và giám đốc ngân hàng trung ương thuộc các nền kinh tế lớn, cùng những người đứng đầu các thể chế tài chính quốc tế đã có cuộc họp kín kéo dài hai giờ bên lề WEF để soạn thảo kế hoạch cải tổ khu vực tài chính.

Tổng Giám đốc IMF cho rằng các biện pháp cải tổ phải táo bạo, nhưng cần được phối hợp trên toàn cầu nhằm tránh gây hậu quả cho bất kỳ quốc gia nào. Ông cũng khuyến cáo các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới nên thận trọng khi áp dụng các chiến lược thoát hiểm, nhấn mạnh rằng việc ngừng các gói kích thích kinh tế quá sớm có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng kép, nhưng ngừng quá muộn cũng sẽ chất nặng thêm gánh nợ lên các chính phủ. Nhiều đại biểu khác cũng cảnh báo nguy cơ khủng hoảng kép sau thời kỳ thoát hiểm.

Ông Barney Frank, phát ngôn viên không chính thức của cuộc họp, không tiết lộ nội dung, nhưng cho biết cuộc họp không nhằm mục đích hình thành một hệ thống quản lý tài chính toàn cầu. Trái lại, mỗi nước có thể đối phó khủng hoảng theo cách của riêng mình, như áp dụng thuế bảo hiểm ngân hàng và các biện pháp cứng rắn mới để ổn định tình hình và ngăn chặn các quyết định thái quá có nguy cơ rủi ro cao trong khu vực tài chính. Tuy nhiên, các biện pháp này phải được thực hiện theo cách thức phối hợp để các chủ ngân hàng không có cơ hội lẩn tránh các quy định.

Theo nguồn thạo tin cuộc họp, một số chủ ngân hàng thừa nhận các quy định ngân hàng hiện có và mới được đề xuất là nhân tố chính giúp giải quyết hậu quả khủng hoảng tài chính và ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tiếp theo, nhưng họ vẫn chờ phản ứng từ các thể chế tài chính quốc tế.

Cũng tại phiên họp cuối, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Dân tuyên bố Trung Quốc sẽ xem xét đề nghị về đánh giá lại đồng NDT của nước này khi các nước khác bắt đầu áp dụng các chính sách thoát hiểm.

Theo ông Chu Dân, việc điều chỉnh tỷ giá đồng NDT với các đồng tiền khác không giải quyết được sự mất cân bằng thương mại toàn cầu, nhưng Bắc Kinh sẵn sàng điều chỉnh nếu các nước khác sẵn sàng ngừng các gói kích thích kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục