Thâm hụt tài khoản vãng lai của Ấn Độ ở mức cao

Giám đốc Ngân hàng dự trữ Ấn Độ cho biết nước này đang phải đối phó với thách thức thâm hụt tài khoản vãng lai đang ở mức cao.
Phát biểu tại hội nghị lần thứ 26 của Nhóm tài chính Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC FINANCE Group), do Ngân hàng nhà nước Pakistan vừa đăng cai tổ chức tại Islamabad, ông Deepak Mohanty, Giám đốc Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI, Ngân hàng trung ương nước này) nói rằng Ấn Độ phải tăng cường xuất khẩu nhằm đối phó với thách thức về thâm hụt tài khoản vãng lai (CAD) đang ở mức cao hiện nay.

Ông Mohanty cho biết gần đây Ấn Độ đã tăng thuế nhập khẩu vàng và triển khai các biện pháp khác nhằm hạn chế nhập khẩu kim loại quý này, song hiệu quả của những biện pháp đó chưa được kiểm chứng.

Theo ông Mohanty, bất chấp những biện pháp trên, một nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Ấn Độ thì nhu cầu nhập khẩu vẫn cao. Do đó, Ấn Độ cần đẩy mạnh xuất khẩu để giảm CAD.

Trong giai đoạn kinh tế toàn cầu ảm đạm, đẩy mạnh xuất khẩu là vấn đề khó khăn, nhưng Ấn Độ đã triển khai các sáng kiến nhằm đa dạng hóa hoạt động thương mại hướng tới các thị trường đang nổi. Tuy nhiên, để cân bằng được CAD đang ở mức cao hiện nay, Ấn Độ cần vốn đầu tư. Nhập khẩu vàng là một trong những nguyên nhân khiến CAD của Ấn Độ tăng lên tới mức 6,7% GDP trong quý 3 của tài khóa 2012-2013 (kết thúc ngày 31/3/2013).

Ông Mohanty thừa nhận luồng vốn vào Ấn Độ đã trở nên không ổn định và thâm hụt CAD của nước này đã trở thành một thách thức. Chính phủ Ấn Độ đã triển khai các biện pháp nhằm thu hút vốn đầu tư, kể cả việc cho phép đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bán lẻ đa thương hiệu.

Ông Mohanty nhấn mạnh rằng trong khi các cơ quan quốc gia đang triển khai các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, các thể chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cần tích cực đưa ra cách thức và nhanh chóng hành động để ngăn chặn kinh tế toàn cầu trở nên xấu hơn.

Việc nhanh chóng thiết lập một liên minh ngân hàng hoàn chỉnh tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trong đó quy chế liên kết và cơ chế giám sát được coi trọng. Trong trung hạn, những nỗ lực nhằm đa dạng hóa hoạt động thương mại hướng tới các thị trường đang nổi và các nền kinh tế đang phát triển phải được tăng cường. Trong bối cảnh này cần có quy mô liên kết lớn hơn về thương mại và tài chính trong khu vực SAARC, với cơ chế các bên cùng có lợi./.

Minh Lý (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục