Thâm hụt thương mại Mỹ giảm lớn nhất 7 tháng

Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt thương mại nước này giảm từ 47 tỷ USD của tháng 1 xuống còn 45,8 tỷ USD trong tháng 2, khoảng 2,6%.
Trong báo cáo ngày 12/4, Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt thương mại của nước này đã giảm từ 47 tỷ USD trong tháng Một xuống còn 45,8 tỷ USD trong tháng Hai, tương đương 2,6%, là mức giảm lớn nhất trong vòng bảy tháng gần đây.

So với con số của tháng Một, xuất khẩu của Mỹ trong tháng Hai giảm 1,4% xuống còn 165,1 tỷ USD do nhu cầu đối với ôtô và các linh kiện như chất bán dẫn và động cơ của Mỹ giảm, trong khi nhập khẩu giảm 1,7% xuống còn 210,9 tỷ USD do nhu cầu đối với mặt hàng ôtô và sản phẩm dầu khí giảm.

Tính chung cả hai tháng đầu năm 2011, thâm hụt thương mại của Mỹ là 556,4 tỷ USD, cao hơn so với mức thâm hụt 495,7 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thâm hụt thương mại với Trung Quốc giảm từ 23,3 tỷ USD trong tháng Một xuống còn 18,8 tỷ USD.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế Mỹ, thảm họa động đất-sóng thần tại Nhật Bản có thể ảnh hưởng xấu tới hoạt động xuất nhập khẩu của Mỹ trong những tháng sắp tới do thiếu linh kiện khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa.

Đồng USD giảm 6% giá trị trong một năm tính đến ngày 8/4 vừa qua và sự tăng trưởng kinh tế tại các nền kinh tế mới nổi cũng có thể làm tăng giá trị xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

Một báo cáo khác của Bộ Lao động Mỹ cho biết giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ trong tháng Ba vừa qua tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/2009, dẫn đầu là giá dầu thô. Giá thực phẩm tại Mỹ cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1994.

Cùng ngày 13/4, Bộ Tài chính Mỹ cho biết thâm hụt ngân sách liên bang trong sáu tháng đầu của tài khóa 2011 tăng 15,7%.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, lạm chi trong giai đoạn từ tháng Mười đến tháng Ba này là 829 tỷ USD, so với 717 tỷ USD của cùng kỳ tài khóa trước. Bộ Tài chính cho rằng tốc độ tăng thâm hụt là giả tạo vì những cắt giảm mạnh mẽ trong chi tiêu được thực hiện từ nửa đầu tài khóa 2010 so với cả tài khóa trước đó.

Những cắt giảm này bao gồm 115 tỷ USD dành cho Chương trình Giải cứu các tài sản xấu (TARP) vào tháng 3/2010. Tuy nhiên, năm 2011 đã cho thấy mức tăng đáng kể trong chi tiêu cho quốc phòng, an ninh xã hội, các dịch vụ y tế và vay nợ, nhưng số thu về lại không tăng tương xứng.

Theo bà Theresa Chen, chuyên gia về vốn của công ty chuyên nghiên cứu và phân tích kinh tế hàng đầu của Mỹ Barclays Research, nguồn thu từ thuế của Mỹ sẽ tăng với tốc độ 6,9%/năm và thuế thu nhập cá nhân tăng 20,6%, đi kèm với những cải thiện kinh tế nói chung.

Các số liệu trên được công bố giữa lúc hai đảng trong Quốc hội Mỹ đang tranh cãi gay gắt về cắt giảm chi tiêu và tăng thuế, trong khi Tổng thống Barack Obama chuẩn bị công bố kế hoạch "tuyên chiến" với thâm hụt dài hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục