Thâm hụt thương mại Mỹ tăng mạnh vào tháng Bảy

Tổng kim ngạch nhập khẩu trong tháng Bảy tăng 1,6% lên 228,6 tỷ USD trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 189,4 tỷ USD, giảm 0,6%.
Kim ngạch nhập khẩu tăng, xuất khẩu giảm là nguyên nhân chính làm cho thâm hụt thương mại của Mỹ với thế giới trong tháng Bảy tăng khá mạnh.

Báo cáo công bố ngày 4/9 của Bộ Thương mại Mỹ cho biết tổng kim ngạch nhập khẩu trong tháng Bảy tăng 1,6% lên 228,6 tỷ USD trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chỉ đạt 189,4 tỷ USD, giảm 0,6%.

Như vậy, trong tháng Bảy, cán cân xuất nhập khẩu của Mỹ bị thâm hụt 39,1 tỷ USD, tăng 13% so với mức thâm hụt 34,5 tỷ USD trong tháng trước đó. Tháng Sáu là tháng Mỹ có mức thâm hụt buôn bán nhỏ nhất kể từ cuối năm 2009.

Thâm hụt buôn bán trung bình trong ba tháng gần đây của Mỹ là 39,1 tỷ USD, giảm nhẹ so với mức thâm hụt trung bình 39,3 tỷ USD trong ba tháng cùng kỳ năm 2012.

Trong tháng Bảy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ sang thị trường 27 nước Liên minh châu Âu (EU) giảm 7,4%, chỉ đạt 21,1 tỷ USD so với kim ngạch nhập khẩu 35,1 tỷ USD, làm cho cán cân buôn bán của Mỹ với khu vực này tăng lên mức kỷ lục 13,9 tỷ USD.

Đây là bằng chứng phản ánh rõ tác động của sự phát triển vẫn còn yếu kém của các nền kinh tế khu vực này đối với hàng hóa nhập khẩu.

Xuất khẩu của Mỹ vào thị trường Trung Quốc trong cùng tháng cũng giảm 4,9% trong khi nhập khẩu tăng 8,3%, nới rộng mức thâm hụt buôn bán của Mỹ với nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới lên 30,1 tỷ USD.

Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt buôn bán tăng còn do người tiêu dùng trong nước có xu hướng gia tăng mua các mặt hàng nước ngoài, nhất là ôtô, trong khi kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng lâu bền của Mỹ như máy bay dân sự và các động cơ máy công nghiệp lại giảm.

Mức thâm hụt thấp kỷ lục trong tháng Sáu đã góp phần làm cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý II/2013 tăng lên mức 2,5% so với 1,7% dự kiến ban đầu.

Các chuyên gia dự báo trong sáu tháng cuối năm 2013 tốc độ tăng GDP của Mỹ nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức 2,5%.

Các chuyên gia dự báo tốc độ phục hồi khá hơn của nền kinh tế Hoa Kỳ có thể là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang (Fed), trong cuộc họp định kỳ ngày 17-18/9 tới, đưa ra quyết định bắt đầu cắt giảm quy mô gói cứu trợ thứ 3 (QE3) mà hiện nay mỗi tháng tung vào thị trường 85 tỷ USD để mua lại các trái phiếu dài hạn liên quan tới thế chấp nhằm giữ cho tỷ lệ lãi suất cơ bản ở mức thấp để kích thích vay mượn và đầu tư./.

Thái Hùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục