Thầm lặng hy sinh vì những đứa trẻ có HIV

Giám đốc Trung tâm bảo trợ trẻ em Vũng Tàu cho biết có tiếp xúc, làm việc với các chị mới cảm nhận hết được sự hy sinh thầm lặng của họ.
Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu, ở đường Phan Chu Trinh, thành phố Vũng Tàu, ngôi nhà chung của hơn 130 trẻ không may mắn, trong đó có 27 em nhiễm HIV và AIDS.

Mỗi em vào đây đều có một hoàn cảnh khác nhau, có em bị cha mẹ bỏ ngay sau khi sinh, có em cha mẹ chết vì AIDS, có em gia đình muốn tránh sự kỳ thị của mọi người nên gửi và đây nhưng dù có hoàn cảnh nào, các em vẫn được các cô, các mẹ ở đây điều trị và chăm sóc chu đáo.

Những bảo mẫu ở đây đều được những đứa trẻ gọi bằng tiếng “mẹ” thân thương và những người mẹ ở đây cũng yêu thương các em như những đứa con họ đứt ruột sinh ra.

Gắn bó với trung tâm từ ngày đầu thành lập, chị Lê Thị Út, 46 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Tháp đã có bao kỷ niệm về các em nhỏ ở đây. Chị nhớ như in từng đặc điểm, hoàn cảnh gia nhập trung tâm của từng em.

Chị Út ngậm ngùi “Làm sao không nhớ cho được khi đa phần các em vào đây lúc còn đỏ hỏn, những ánh mắt ngây thơ, những tiếng khóc xé lòng mỗi đêm vì khát sữa mẹ...”. Các em đã dần lớn lên tại trung tâm trong vòng tay yêu thương của các mẹ.

Cùng quê ở Đồng Tháp còn có chị Lê Thị Ngân đã gắn bó với Trung tâm 6 năm qua. Hàng này, chị bận bịu với công việc như tắm rửa, chăm sóc, chuẩn bị cơm, sữa, dỗ dành giấc ngủ cho các con.

Từ quý mến, cảm thương những số phận bất hạnh, nhất là những đứa trẻ có HIV, chị đã xin nhận Phan Thanh Nam, một bé bị nhiễm HIV làm con nuôi. Hai năm qua, Nam đã về ở hẳn với mẹ Ngân trong một phòng trọ nhỏ nằm trên đường Đồ Chiểu, thành phố Vũng Tàu. Chăm sóc Nam từ nhỏ, chị Ngân biết rõ tình trạng bệnh, những thói quen của con để từ đó biết cách điều trị bệnh và dạy dỗ Nam.

Chị Ngân tâm sự: giữ bé Nam từ nhỏ, cháu bám tôi lắm nên quyết định nhận cháu làm con. Nuôi cháu vất vả nhưng tôi thấy vui vì mỗi khi thấy con cười, nói với mình...”.

Càng gắn bó với Trung tâm, tôi càng thêm yêu quý các con ở đây hơn. Chưa một lần lập gia đình và chưa một lần được làm mẹ nhưng những đứa trẻ nơi đây thực sự là những đứa con ruột của mình. Với những cháu bị nhiễm HIV, tình thương ấy lại nhân gấp bội lần bởi chúng là những đứa trẻ bị thiệt thòi nhiều trong cuộc sống, chị Ngân bộc bạch.

Trẻ nhất trong số các bảo mẫu ở Trung tâm là Trần Thị Yến Linh, 19 tuổi. Linh cũng đã từng được nuôi dưỡng và lớn lên ở đây. Ba mất, mẹ đi bước nữa không có điều kiện để lo cho em. Sau nhiều năm lưu lạc, năm 2003, Linh đã đến với trung tâm. Dù đã được học văn hóa và học nghề nhưng Linh đã tình nguyện ở lại Trung tâm, giúp các mẹ chăm sóc các em

Không riêng gì chị Ngân, hầu hết những phụ nữ - bảo mẫu ở đây đều không lập gia đình và hy sinh tuổi thanh xuân của họ để chăm sóc các em. Mỗi người một hoàn cảnh và nguyên nhân đến với trẻ khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là tấm lòng nhân ái, dành trọn tâm huyết để bù đắp cho các em còn kém may mắn trong cuộc sống.

Bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Trung tâm bảo trợ trẻ em Vũng Tàu cho biết, có tiếp xúc và làm việc với các chị mới cảm nhận hết được sự hy sinh thầm lặng của các chị. Những ngày trời mưa, hay buổi tối, khi mọi người còn đang yên giấc, các chị vẫn tiếp tục công việc của mình.

Điều khiến lãnh đạo Trung tâm trăn trở nhất, đa số các chị là phụ nữ đơn thân, không có nhà cửa tài sản, số tiền lương ít ỏi kiếm được lại phải dùng để thuê mướn nhà trọ và trang trải cho cuộc sống hàng ngày khiến cuộc sống họ rất khó khăn, bà Đài băn khoăn.

Những bảo mẫu nơi đây không còn coi Trung tâm là một chỗ làm nữa, với họ, đây thực sự là một mái nhà. Ở đó, họ có thể mang tình yêu thương, bù đắp cho những đứa trẻ thiệt thòi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục