Thầm lặng những người lính hậu cần ở Trường Sa

Tuy thầm lặng nhưng nhiệm vụ của người lính hậu cần Trường Sa hết sức quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho đồng đội sẵn sàng chiến đấu.
Ai đã từng đến với Trường Sa, từng chịu những trận sóng dữ dội mùa biển động, hứng cái nắng hun người giữa biển mặn và phơi mình giữa những cơn mưa rào giữa đại dương thì sẽ hiểu được phần nào những vất vả, gian truân mà những người lính ở đây thường xuyên phải đối mặt

Song, vượt lên sóng dữ và những hiểm nguy, gian khổ, bộ đội Trường Sa không những luôn chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, mà còn hoàn thành tốt công tác hậu cần - một công việc thầm lặng nhưng đặc biệt quan trọng.

“Nhịn say sóng, đóng đủ hàng”

Những ngày tháng Một này, theo bước sóng cùng đoàn công tác Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân đi kiểm tra, thay thu quân, mang hàng hóa và chúc Tết cán bộ, chiến sỹ trên các đảo ở Trường Sa, chúng tôi càng cảm nhận được công lao thầm lặng của những người lính hậu cần.

Đón chuyến hàng cuối cùng đóng đồ dùng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ còn nguyên vẹn, tươi ngon lên đảo an toàn, thiếu tá Phạm Hồng Sơn, Đại đội trưởng Đại đội vận tải, phòng Hậu cần, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân trút tâm sự: "Vậy là chúng tôi đã yên tâm về cái Tết của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các đảo tuyến phía Nam của quần đảo Trường Sa rồi."

Lớn lên từ vùng quê nghèo nổi tiếng với nghề làm nhút “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn” của tỉnh Nghệ An, Thiếu tá Lê Hồng Sơn - người có thâm niên nhiều năm “gánh” Tết ra Trường Sa chia sẻ: "Công việc cấp hàng Tết khó nhất là không được để nhầm hàng giữa các đảo và đảm bảo an toàn khi chuyển hàng từ tàu xuống xuồng chuyển tải trong điều kiện sóng to, gió lớn. Lúc đó, chiếc xuồng chuyển tải như một chiếc lá nhỏ bập bùng trên mặt biển mênh mông. Người lính hậu cần phải lựa từng cơn sóng đưa hàng xuống xuồng sao cho không bị rơi, không bị ướt và không bị lật xuồng. Mỗi chuyến hàng lên đảo an toàn, đúng địa chỉ là niềm động viên lớn nhất đối với mỗi chúng tôi."

Trong suốt cuộc hành trình trên chuyến tàu Trường Sa HQ-571, chúng tôi ít khi gặp các chiến sỹ cấp lương thực, bởi công việc của họ là luôn phải có mặt dưới hầm tàu để bảo quản hàng hóa. Đây cũng là những người lính “dạn sóng” nhất tàu. Với họ, say sóng cũng đồng nghĩa với không hoàn thành nhiệm vụ. Dù có bão cấp 3, cấp 4, dù bị sóng tung đến “hoa mày chóng mặt,” nhưng những người lính hậu cần vẫn phải “nhịn say sóng, đóng đủ hàng,” bảo quản hàng hóa, nhất là hàng hóa tươi sống ra Trường Sa luôn được an toàn, tươi ngon.

Theo thiếu tá Sơn, những người lính hậu cần phải luôn đảm bảo các loại rau, củ, quả không bị hỏng, đặc biệt là chăm sóc những chú lợn để sao không bị ốm.

Tuy không nói ra, nhưng tất cả những người lính hậu cần trên chuyến tàu HQ-571 đều hiểu ý nghĩa của việc giữ gìn nguồn thực phẩm tươi sống thật tốt. Đó cũng là niềm vui, niềm động viên của những người đồng đội đang ngày đêm chắc tay súng, mặc cho mọi vất vả, gian truân nơi tuyến đầu của Tổ quốc được ăn một cái Tết cổ truyền ấm cúng, no đủ.

Tất cả các mặt hàng đều được những người lính Đại đội vận tải, phòng Hậu cần của Lữ đoàn 146 bảo quản và giữ gìn coi trọng hơn chính bản thân mình. Công việc cấp hàng cho từng đảo cũng được những người lính sắp xếp, bố trí hợp lý, cẩn thận và không nhầm lẫn.

“Anh nuôi” trên đảo An Bang

Một ngày của trung úy Trần Phi Doãn (37 tuổi, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh) bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng, khi các đồng đội còn say giấc ngủ thì anh đã phải bật dậy chuẩn bị bữa sáng. Là lính hậu cần, công việc của anh Doãn là đảm bảo ngày ba bữa cơm đầy đủ chất cho đồng đội.

Vừa chế biến các món ăn cho bữa “tiệc” đãi đoàn, trung úy Doãn vừa bộc bạch: "Ở đất liền, công việc của những người lính hậu cần vất vả một thì ở Trường Sa vất vả gấp nhiều lần. Vì ở Trường Sa thiếu rau xanh và những gia vị cần thiết, nên người lính hậu cần luôn phải cố gắng chế biến các món ăn đa dạng, có đủ hương vị của đất liền để đồng đội dễ ăn, đảm bảo sức khỏe sẵn sàng chiến đấu."

Bởi  vậy, ngoài số lương thực, thực phẩm trong đất liền mang ra, trung úy Doãn cùng với đồng đội trên đảo An Bang còn tìm mọi cách tăng gia chăn nuôi lợn, gà, vịt, chó, mèo và trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn.

Anh Doãn tâm sự" "Đất ở Trường Sa còn quý hơn cả vàng. Vàng ở đây cũng không tiêu được. Nhưng nếu là đất, chỉ cần vài chậu với các hạt giống rau, cộng thêm sự chăm sóc cẩn thận là chúng tôi có ngay các loại rau muống, cải, mồng tơi, cải, bí… để cải thiện cho bữa ăn."

Nói về tổ hậu cần của đảo, trung tá Đảo trưởng Vũ Minh Thân cho biết công việc của chiến sỹ hậu cần ở đảo khá vất vả, ngoài việc thức khuya, dậy sớm nấu nướng đảm bảo sức khỏe cho đồng đội 3 bữa/ngày, còn kiêm thêm công tác thủ kho, chịu trách nhiệm bảo quản hàng hóa và cấp phát đúng, đủ cho từng tiểu đội.

Là người đã có nhiều năm công tác tại Trường Sa, hơn ai hết, trung tá Thân rất hiểu và thông cảm với những người đồng đội của mình. Anh tâm sự: "Ở đảo, công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu luôn trong sẵn sàng 24/24, vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng thay đổi khẩu vị trong bữa ăn để anh em đảm bảo sức khỏe, thực hiện tốt nhiệm vụ."

Những cơn bão lớn thường bắt nguồn từ biển Đông. Các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thường xuyên phải đón nhận những cơn sóng dữ dội mỗi khi bão tới. Các chiến sỹ canh giữ Trường Sa nói chung và các chiến sỹ hậu cần ở hải đảo nói riêng luôn vượt lên mọi gian khổ, nguy hiểm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó - giống như cây phong ba Trường Sa - dù cho mọi điều kiện có khắc nghiệt đến thế nào cũng vẫn kiên cường vươn lên xanh tốt như một biểu tượng của sự quật cường./.

Phương Trang

Tin cùng chuyên mục