Tham vọng cải cách quốc phòng 'thông minh' của Hàn Quốc

“Cải cách quốc phòng 2.0” của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thể hiện sự quyết tâm của Tổng thống Moon Jae-in nhằm thực thi một sáng kiến đầy tham vọng, tái cấu trúc và hiện đại hóa quân đội.
Tham vọng cải cách quốc phòng 'thông minh' của Hàn Quốc ảnh 1Binh sỹ Hàn Quốc và Mỹ tham gia một cuộc tập trận đổ bộ chung. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, “Cải cách quốc phòng 2.0,” được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc (MND) công bố vào tháng 7/2018, thể hiện sự quyết tâm của Tổng thống Moon Jae-in nhằm thực thi một sáng kiến đầy tham vọng, tái cấu trúc và hiện đại hóa quân đội.

Dự kiến kế hoạch cải cách quốc phòng được thực hiện trong vòng 5 năm, tạo cơ sở cho một quân đội Hàn Quốc chính quy và hiện đại trong tương lai.

Tổng thống Moon đang cố gắng cải tổ lực lượng quân sự lỗi thời của Hàn Quốc được xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh, với trọng tâm là quân đội và sự phụ thuộc vào quan hệ đồng minh với Mỹ.

[Hàn Quốc dùng công nghệ tối tân tăng năng lực hậu cần quân sự]

Việc di dời căn cứ quân sự Yongsan của Mỹ từ trung tâm thủ đô Seoul đang trong giai đoạn cuối cùng với việc hoàn thành Doanh trại Humpreys- căn cứ quân sự nước ngoài lớn nhất của Mỹ trên thế giới- hiện cũng nằm ngoài Seoul.

Ông Moon đang thúc đẩy hoàn tất việc chuyển giao quyền kiểm soát hoạt động thời chiến (OPCON) từ Bộ chỉ huy Mỹ sang Bộ chỉ huy Hàn Quốc trong nhiệm kỳ của ông.

Việc chuyển giao OPCON được thúc đẩy từ thời cựu Tổng thống Roh Moon-hyun đã gây ra tranh cãi với những người bảo thủ không muốn gây thiệt hại cho đồng minh Mỹ, dẫn đến kế hoạch này bị trì hoãn.

Tuy nhiên, lời kêu gọi “Nước Mỹ trước tiên” và chia sẻ gánh nặng ngân sách trong các đối tác quốc tế của Tổng thống Trump đã khiến Nhà Xanh phải tìm một hướng đi khác.

Chính quyền của Tổng thống Roh trước đây cũng muốn tạo ra mô hình quân đội chung hỗn hợp, trao quyền lực lớn hơn cho hải quân và không quân.

Hiện tại, quân đôi đang thu hẹp quy mô chỉ huy và các đơn vị trực thuộc, giảm số lượng tướng lĩnh từ 436 xuống còn 360 và binh sỹ từ 618.000 xuống 500.000.

Hầu hết việc cắt giảm này diễn ra trong quân đội, làm tăng đáng kể tầm quan trọng của lực lượng hải quân và không quân.

Trong năm 2018, hai bộ chỉ huy quân đội chính đã được sáp nhập, cho thấy đợt tái cấu trúc lớn nhất của quân đội Hàn Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên.

Để tăng cường hoạt động chung, đầu tiên Tổng thống Moon bổ nhiệm một đô đốc hải quân và bây giờ là một tướng không quân làm bộ trưởng quốc phòng.

Ông Moon cũng đã tăng cường kiểm soát dân sự đối với quân đội, với các cuộc điều tra đặc biệt và một sự thay đổi lớn của Bộ chỉ huy an ninh-quốc phòng (DSC) và tăng cường số lượng lãnh đạo dân sự trong MND.

Những cải cách của ông Moon cũng đã dẫn đến việc thiếu hụt phần nào tân binh quân sự do vấn đề đặc thù nhân khẩu học của Hàn Quốc, với tỷ lệ sinh hiện giảm xuống dưới mức 1,0.

Việc hợp nhất các lực lượng quân sự đi kèm với việc áp dụng các công nghệ mới. Kế hoạch cải cách “thông minh” của MND nhằm tạo ra một lực lượng quân đội tinh gọn hơn nhưng nhanh nhạy hơn.

Các công nghệ tiên tiến đang được giới thiệu như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) để bổ sung cho việc thiếu hụt các cơ sở đào tạo, trí tuệ nhân tạo (AI), và Internet vạn vật (IoT) để tổ chức tốt hơn các hệ thống phòng vệ.

Bên cạnh đó, kế hoạch cải cách quốc phòng cũng đưa vào công nghệ in 3D để thiết kế phù hợp hơn với đồng phục chiến đấu và máy bay không người lái để vận chuyển đạn dược.

Hàn Quốc muốn đi đầu trong việc áp dụng công nghệ quân sự mới nổi được tạo nên bởi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chính quyền của Tổng thống Moon cuối cùng đặt mục tiêu xây dựng một khả năng chiến lược độc lập để đáp ứng những thách thức của một bán đảo Triều Tiên ngày càng bất ổn.

Nhưng đồng thời, Tổng thống Moon cũng muốn đóng vai trò tích cực hơn trong việc làm trung gian hòa giải giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Mặc dù không đề cập cụ thể đến Triều Tiên, song kế hoạch của MND nhằm tăng cường “khả năng tấn công mục tiêu chiến lược” của Seoul, đặc biệt là thông qua các vụ mua sắm mới, bao gồm một vệ tinh do thám, máy bay không người lái giám sát tầm trung và tầm cao và tên lửa dẫn đường không đối đất tầm xa.

Seoul cũng đang phát triển một “khả năng phòng thủ tên lửa kiểu Hàn Quốc” bằng cách cải thiện hiệu suất của radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo, thành lập Đơn vị không quân và phòng thủ tên lửa (AMD-Cell) và phát triển tên lửa đất đối không tầm trung Cheelmae-2 (KM-SAM).

Khoản ngân sách trị giá 58,8 tỷ USD sẽ được phân bổ để “đảm bảo khả năng răn đe chiến lược của quân đội Hàn Quốc để đối phó với các mối đe dọa toàn diện."

Tháng 3/2019, lực lượng không quân đã giới thiệu hai máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 đầu tiên của Mỹ. Tổng cộng đã có 40 máy bay được đặt hàng, nâng tổng giá trị hóa đơn mua sắm thiết bị lên 7 tỷ USD.

Bên cạnh đó, có một vài thông tin cho biết có khoảng 20 đơn hàng mua sắm thiết bị quân sự sẽ được bổ sung.

Phi đội máy bay F-35A mới sẽ được tăng cường bởi các đơn vị giám sát Global Hawk mới và 4 máy bay tiếp nhiên liệu từ Airbus.

Với tham vọng cải cách quân đội, Chính quyền của Tổng thống Moon cam kết tăng đáng kể ngân sách quốc phòng.

Theo MND, “kế hoạch trung hạn” cho giai đoạn từ năm 2019-2023 sẽ chứng kiến việc chính phủ phân bổ tổng cộng 242 tỷ USD cho quốc phòng.

Khoản ngân sách này sẽ khiến mức tăng chi tiêu quốc phòng bình quân của Seoul lên 7,5% mỗi năm- hơn tỷ lệ trung bình 4,9% của giai đoạn từ 2009-2018.

Ông Moon đã đề xuất mức tăng lên đến 8,2% trong năm 2019 để đối phó với những mối đe dọa trong tương lai, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2008.

Cải cách quốc phòng 2.0 khuyến khích một sự chuyển giao sang một lực lượng quân sự Hàn Quốc hiệu quả và có khả năng hơn trong thế kỷ 21.

Tuy nhiên, việc thanh toán cho khoản chi 242 tỷ USD không phải là điều dễ dàng, đặc biệt với chi phí an sinh xã hội tăng nhanh và tăng trưởng kinh tế trì trệ. Seoul có thể cần phải bắt đầu ưu tiên các dự án phù hợp với tư thế phòng thủ mạnh mẽ hơn.

Quan trọng hơn, làm thế nào để hài hòa mục tiêu giữa một lập trường phòng thủ độc lập hơn trong khi đàm phán hòa bình với Triều Tiên vẫn còn là câu hỏi ngỏ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục