Tham vọng là trung tâm thế giới của Trung Quốc thiếu chắc chắn

Theo chuyên gia kinh tế George Magnus, Đại học Oxford, vai trò của Trung Quốc trong hệ thống tài chính toàn cầu đặc biệt phụ thuộc vào những gì xảy ra tại khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế nước này.
Tham vọng là trung tâm thế giới của Trung Quốc thiếu chắc chắn ảnh 1Container hàng hóa được xếp tại cảng ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 22/6. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Trong bài viết đăng trên tờ Australian Financial Review (AFR), chuyên gia George Magnus, thuộc Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford, đồng thời là cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS, chỉ ra rằng sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong những thập kỷ vừa qua sẽ không thể xảy ra nếu không có sự năng động của các doanh nghiệp hàng đầu nước này.

Do đó, theo tác giả, có thể nhận định rằng vai trò của Trung Quốc trong hệ thống tài chính toàn cầu đặc biệt phụ thuộc vào những gì xảy ra tại khu vực kinh tế tư nhân và nền kinh tế quốc gia.

Giá trị thị trường của các công ty hàng đầu, niêm yết tại sàn chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) và New York (Mỹ), như Tencent, Meituan và Alibaba đã giảm khoảng 20-40% kể từ tháng Hai.

Giới chức Trung Quốc đã đưa ra những quy định mới và tăng cường giám sát chặt chẽ hơn các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài.

Trong bài phân tích gần đây đăng tải trên trang New Statesman, nhà sử học Adam Tooze kết luận rằng Trung Quốc sẽ định hình tương lai thế giới. Nhận định này dựa trên thực tế quy mô và vị thế của Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới và cũng là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Điểm thiếu hụt trong “sự trỗi dậy” của Trung Quốc

Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc là rất đáng chú ý, song không thể dự đoán triển vọng tương lai dựa vào các yếu tố trong quá khứ. Lý do là rất nhiều chính sách mà Bắc Kinh ban hành trong những năm 1980 chỉ có thể thực hiện một lần duy nhất.

Ví dụ như chương trình chuyển đổi lao động từ các ngành nông nghiệp sang sản xuất năng suất cao hơn, nỗ lực để mọi trẻ em được đi học đầy đủ các cấp tiểu học và trung học, tạo ra thị trường nhà ở tư nhân lớn nhất thế giới và tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trung Quốc cũng phải đối mặt với những khó khăn kinh tế-xã hội, cụ thể là việc điều chỉnh bảng cân đối kế toán hiện đang dựa quá nhiều vào nợ (khó đòi) trong suốt 10 đến 15 năm qua.

Trong khi dân số già đi nhanh chóng, trình độ học vấn ở những người thuộc độ tuổi lao động của Trung Quốc vẫn còn thấp, ước tính chưa tới 1/3 có trình độ trung học cơ sở trở lên. Những vấn đề này có khả năng cản trở việc tăng trưởng năng suất và khiến Trung Quốc rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Là quốc gia phát thải lượng khí CO2 nhiều nhất thế giới, Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại biến đổi khí hậu, nhưng điều này không có nghĩa là các chính sách và mục tiêu khí hậu của Trung Quốc là thực tế hoặc phù hợp với tiêu chuẩn và kỳ vọng toàn cầu.

Nhà phân tích Elizabeth Economy của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho rằng, mặc dù Trung Quốc đã thông qua các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, nhưng một số sáng kiến được thiết kế và triển khai vẫn tồn tại điểm yếu đáng kể, đặt ra những nghi ngờ về tính hiệu quả của chúng.

[Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi với tốc độ ổn định]

Ngoài ra, vẫn tồn tại những câu hỏi về các kế hoạch khai thác than trong nước và việc xuất khẩu các nhà máy than thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.

Do mối quan hệ bất đồng với các quốc gia phương Tây, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với môi trường bên ngoài khắc nghiệt. Tuy nhiên, nước này chưa thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào các công nghệ nhập khẩu, đặc biệt là từ Mỹ.

Ngoại trừ tập đoàn công nghệ Huawei, nỗ lực của Trung Quốc để phát triển các công nghệ nền tảng và xây dựng ngành công nghiệp vi mạch tích hợp, sản xuất ô tô, máy bay… còn nhiều thiếu hụt.

Trung Quốc nhập khẩu khoảng 80% chất bán dẫn và chi tiêu cho các sản phẩm này mỗi năm một nhiều hơn. Trung Quốc cũng có kế hoạch chế tạo máy bay thương mại để cạnh tranh với máy bay do hãng Boeing và Airbus sản xuất, nhưng kế hoạch này đang bị chậm tiến độ và máy bay của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các thành phần nhập khẩu từ nước ngoài để có thể cất cánh.

Ngay cả trong những lĩnh vực mà quốc gia lớn nhất châu Á được ghi nhận là đã phát triển như tấm pin năng lượng Mặt Trời, xe điện và tàu cao tốc, có nhiều công ty kinh doanh thua lỗ như Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc nợ nần chồng chất.

Gần 500 công ty sản xuất xe điện đang phải tranh giành quy mô thị trường khoảng 1,5 triệu xe, và cần đến chuyển giao công nghệ nước ngoài trong các liên doanh.

Trong suốt những năm 1990, nếu như Trung Quốc không khai thác triệt để môi trường yên ả bên ngoài biên giới để hợp tác và trao đổi công nghệ, thì làm thế nào nước này có thể đạt được mục tiêu tự cường trong những điều kiện bất lợi hơn của những năm tới?

Cường quốc lớn thứ hai thế giới có năng lực tài chính và có quyết tâm, nhưng ngay cả những yếu tố tích cực này cũng không thể thay thế cho các thiếu sót về năng lực công nghệ, đổi mới và thực tiễn quản trị.

Mục tiêu kiểm soát những “gã khổng lồ” công nghệ

Gần đây giới chức Trung Quốc bắt đầu triển khai các động thái nhằm tăng cường kiểm soát những nền tảng công nghệ, tài chính, dữ liệu và kỹ thuật số có ý nghĩa về mặt địa chính trị. Giá cổ phiếu của các công ty này đã bị sụt giảm, gây ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, vốn hóa thị trường của những “gã khổng lồ” công nghệ đã thể hiện góc nhìn tương đối khách quan về việc thị trường nhìn nhận như thế nào về triển vọng của các công ty, trước sự thay đổi mạnh mẽ của nền kinh tế và công nghệ.

Tham vọng là trung tâm thế giới của Trung Quốc thiếu chắc chắn ảnh 2(Nguồn: WCCFtech)

Trong số các công ty Trung Quốc vươn tầm ra thế giới, chỉ có tập đoàn công nghệ Tencent và tập đoàn thương mại điện tử Alibaba có vị thế ngang bằng với các công ty Mỹ như Amazon. Nhưng cả hai tập đoàn này đều có kết quả kinh doanh kém khả quan trong năm nay, do ảnh hưởng từ các biện pháp kiểm soát trong nước.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá trị vốn hóa thị trường kết hợp của cả hai tập đoàn trên đã giảm từ gần 2.000 tỷ USD xuống còn hơn 1.000 tỷ USD.

Câu hỏi đặt ra là nếu các nền tảng công nghệ và dữ liệu là yếu tố quan trọng trong việc định hình tương lai của Trung Quốc, thì vì lý do nào Bắc Kinh lại muốn kiểm soát các “ông lớn” hoạt động trong lĩnh vực này?

Các cơ quan quản lý Trung Quốc đã mở rộng chiến dịch kiểm soát lĩnh vực công nghệ, bắt đầu từ sự kiện tháng 11/2020 khi Bắc Kinh ngăn chặn kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty tài chính Ant, trực thuộc tập đoàn Alibaba.

Sau đó, các nhà chức trách Trung Quốc đã tiến hành một loạt điều tra về vấn đề sử dụng dữ liệu và an ninh mạng đối với các công ty đã phát hành cổ phiếu ở nước ngoài, đồng thời tuyên bố sẽ kiểm soát nghiêm ngặt hơn việc niêm yết ở nước ngoài.

Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trải rộng trên nhiều lĩnh vực như tài chính, trí tuệ nhân tạo (AI), dạy thêm, dịch vụ gọi xe công nghệ, vận chuyển và giao đồ ăn, hậu cần, phát trực tuyến video và trò chơi điện tử. Một số lĩnh vực khác như chăm sóc sức khỏe và địa ốc cũng được dự báo sẽ “nằm trong tầm ngắm” của giới chức.

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố đang hành động để bảo vệ nền kinh tế khỏi các hành vi độc quyền, nguy cơ bất ổn định tài chính hoặc lạm dụng dữ liệu. Các quan chức cũng đã thông báo về chương trình mục tiêu xã hội của Chủ tịch Tập Cận Bình, được gọi là "thịnh vượng chung," nhằm kìm hãm các thị trường và dịch vụ được cho là có ít mục đích kinh tế và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Chương trình này được thiết kế nhằm cải thiện ý thức của người dân về "lợi ích, hạnh phúc và an toàn."

Lằn ranh mỏng manh

Thực tế trên phản ánh những lo ngại chính trị của Trung Quốc về một loạt vấn đề, từ an toàn dữ liệu, an ninh tài chính đến thương mại và an ninh quốc gia. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) của Trung Quốc, được thông qua vào đầu năm nay, lần đầu tiên một chương về an ninh quốc gia đã được đưa vào.

Trong bối nền kinh tế ngày càng số hóa, được tăng cường nhờ tốc độ máy tính và hệ thống mạng viễn thông 5G, việc thu thập, lưu trữ và khai thác dữ liệu như thế nào là vấn đề “nóng” đối với các chính phủ, bao gồm cả Trung Quốc. Rõ ràng có một ranh giới mỏng giữa lợi ích an ninh quốc gia và mục tiêu kiểm soát đơn thuần đối với lĩnh vực này.

Giới quan sát cho rằng các nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng khi các công ty công nghệ như DiDi (công ty gọi xe công nghệ lớn nhất Trung Quốc) hoặc Meituan (nền tảng mua sắm trực tuyến) chịu sự quản lý tương tự như các công ty tiện ích truyền thống.

Trong một bài phát biểu vào năm 2020, tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, từng nhấn mạnh rằng việc thiếu sự cân bằng trong quy định có thể làm ngưng trệ tiến trình đổi mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục