Tham vọng và chiến lược quân sự không gian của Trung Quốc

Trên trang của AIIA, tác giả Eiza Marot đề cập về mối nguy hại tiềm tàng từ các mảnh vỡ không gian và nguy cơ phát triển không gian phục vụ hoạt động quân sự của Trung Quốc trong tương lai.

Trong một bài phân tích đăng trên trang của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA), tác giả Eiza Marot đề cập về mối nguy hại tiềm tàng từ các mảnh vỡ không gian và nguy cơ phát triển không gian phục vụ hoạt động quân sự của Trung Quốc trong tương lai.

Nội dung như sau:

Trong bối cảnh hiện nay, nếu không có vệ tinh thì các hoạt động quân sự chẳng khác nào "người mù."

Hiệp ước Không gian Bên ngoài (Outer Space Treaty-OST) cần được xem xét lại và các ranh giới cùng chuẩn mực pháp lý cần phải được thiết lập khi các quốc gia tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các chương trình không gian của mình. 

Trung Quốc có tham vọng trở thành cường quốc không gian toàn cầu vào năm 2030. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã chính thức tuyên bố không gian là một lĩnh vực quân sự mới cần được quan tâm và PLA đã tiến hành các cải cách để phát triển chương trình “sử dụng không gian vì mục đích hòa bình.”

Ngược lại, Bắc Kinh coi bất kỳ mối quan tâm nào của Mỹ trong không gian đều chỉ nhằm phục vụ hoạt động an ninh và là mối đe dọa đối với việc sử dụng không gian một cách hòa bình.

Tương tự, chương trình không gian quân sự và chiến lược không gian của Trung Quốc cũng là mối bận tâm lớn của Mỹ. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang dẫn đầu những cải tiến trong chương trình không gian quân sự nhằm đạt được khả năng chống lại năng lực phòng thủ hạt nhân của Mỹ.

Hiện tại, rất khó để đánh giá những gì có thể hoặc không nên được hiểu là “vũ khí hóa” hoặc quân sự hóa không gian. Việc sử dụng vũ khí hủy diệt vệ tinh (ASATS) cũng đang trở thành một vấn đề gây tranh cãi lớn vì khi va chạm khiến vệ tinh bị phá hủy sẽ tạo ra các mảnh vỡ không gian, tạo nên một mối nguy hiểm cho quỹ đạo Trái Đất.

Những thách thức pháp lý và quy phạm hiện tại đối với việc vũ khí hóa không gian

Hoạt động thám hiểm không gian được quản lý bởi một loạt các hiệp định quốc tế như Hiệp ước OST năm 1967 với sự tham gia của 105 quốc gia.

OST đóng vai trò là hiến pháp cho không gian và “cấm việc đặt bất kỳ vật thể nào mang vũ khí hạt nhân hoặc bất kỳ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) nào lên quỹ đạo Trái Đất.”

Thuật ngữ WMD không được xác định rõ ràng, mặc dù thường được hiểu là vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân. Tuy nhiên, hiệp ước rõ ràng đã bỏ qua tên lửa đạn đạo. Đây là một vấn đề gây tranh cãi sâu sắc vì đã cho phép các chủ thể nhà nước như Trung Quốc khai thác các kẽ hở trong hiệp ước.

Ví dụ, Trung Quốc được cho là đã vi phạm hiệp ước vào năm 2007 khi cho nổ vệ tinh thời tiết Fengyun-1C của nước này, nhưng vì Trung Quốc khi đó sử dụng loại tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất nên loại tên lửa này không được phân loại là WMD. Tên lửa được phóng từ trung tâm phóng vệ tinh Xichang và đã bắn trúng vệ tinh với độ chính xác cao.

[Trung Quốc và nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân mới]

Hiện tại cũng không có luật quốc tế cụ thể nào quản lý việc vũ khí hóa không gian cũng như giải quyết vấn đề gây ra các mảnh vỡ không gian mang tính cấp bách hiện nay.

Vệ tinh bị Trung Quốc bắn rơi có thể tạo ra khoảng 1.736 mảnh vụn không gian và mất khoảng 5 năm để rơi hết xuống bầu khí quyển của Trái Đất. Vụ bắn hạ vệ tinh tạo ra khoảng 35.000 mảnh vỡ có đường kính 1cm và làm tăng 10% lượng rác không gian trên quỹ đạo. Bắc Kinh tuyên bố rằng vụ việc này không bị coi là một mối đe dọa và không nhằm vào Mỹ.

Vụ phá hủy vệ tinh thời tiết này đã làm sáng tỏ những thiệt hại gần như không thể phục hồi mà các mảnh vỡ không gian có thể gây ra và cách thức mà tình trạng ô nhiễm không gian tạo ra những rủi ro to lớn đối với an ninh loài người nói chung.

Các vệ tinh đã nâng cấp rất nhiều độ chính xác và khả năng tiêu diệt đối với các năng lực tấn công của quân đội, cũng như các hệ thống được người dân sử dụng như hệ thống định vị toàn cầu (GPS).

Không gian là một môi trường an ninh rất quan trọng đối với an ninh loài người vì các hoạt động quân sự trên bộ đang trở nên phụ thuộc ngày càng nhiều vào công nghệ dựa trên vệ tinh. Tuy nhiên, nguy cơ va chạm ngẫu nhiên giữa các mảnh vỡ không gian và vệ tinh ngày càng tăng.

Hơn 20.000 mảnh rác vũ trụ mà con người có thể theo dõi hiện đang quay quanh Trái Đất. Các mảnh vỡ không gian là vấn đề đặc biệt gây quan ngại vì chúng có thể di chuyển với tốc độ cao trên khắp quỹ đạo. Ngay cả những mảnh vụn nhỏ nhất cũng có thể tiêu diệt một vệ tinh nếu va chạm.

Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), “khi một quả cầu nhôm với đường kính chỉ 1cm va vào một vệ tinh, vụ va chạm này sẽ tạo ra một năng lượng tương đương với một chiếc ôtô cỡ vừa đâm vào vệ tinh với tốc độ khoảng 50km/h.”

Tỷ lệ để những vụ va chạm này có thể xảy ra ở thời điểm hiện tại là khá nhỏ, song dù chỉ một vệ tinh bị va chạm cũng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng đối với các chương trình trên mặt đất dựa vào công nghệ vệ tinh như GPS hoặc các hoạt động tình báo quân sự.

Tham vọng và chiến lược quân sự không gian của Trung Quốc

Các mục tiêu toàn diện của Trung Quốc đối với chương trình không gian rất phù hợp với lợi ích quốc gia của họ và sẽ mang lại cho Trung Quốc cơ hội để có thêm sức mạnh kinh tế và chính trị, tính chính danh trong nước và uy tín quốc tế.

Những tham vọng về sức mạnh không gian của Trung Quốc có thể được ví như sức mạnh hạt nhân theo nghĩa là các khả năng không gian có thể được sử dụng cho mục đích răn đe. Sự khác biệt cơ bản giữa tham vọng sức mạnh không gian vũ trụ và tham vọng sức mạnh hạt nhân là ngưỡng sử dụng sức mạnh không gian chiến lược thấp hơn ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tham vọng và chiến lược quân sự không gian của Trung Quốc ảnh 1(Nguồn: Getty)

Các học giả Trung Quốc đã mô tả chiến tranh không gian là các cuộc đối đầu quân sự xảy ra ở không gian bên ngoài, kết hợp với các hoạt động phòng thủ và tấn công của quân đội ở không gian bên ngoài và giao tranh với các mục tiêu từ trên không và từ không gian.

Theo quan điểm của Trung Quốc, sức mạnh không gian chiến lược có hai công dụng: khả năng răn đe và khả năng chiến đấu thực chiến. Động cơ chính của Bắc Kinh để phát triển một chiến lược không gian có thể được giải thích bởi sự cạnh tranh quyền bá chủ với Mỹ và sự hiện diện quân sự của Mỹ ở các khu vực xung quanh vùng ngoại vi của Trung Quốc.

Sự hiện diện của Mỹ được xem là để chặn đứng sự gia tăng quyền lực của Bắc Kinh. Hơn nữa, vai trò của các hoạt động không gian trong chiến lược phi đối xứng của PLA chủ yếu được thực hiện thông qua việc cho phép các cuộc tấn công chính xác tầm xa nhằm vào các mục tiêu trên bộ, trên không và hải quân. Không gian thực chất là vùng đất cao cuối cùng.

Trung Quốc đánh giá sức mạnh quân sự của Mỹ là một lực lượng hùng hậu hoạt động dựa trên một mạng lưới thông tin liên lạc, chỉ huy, kiểm soát, giám sát và tình báo máy tính phức tạp nhưng dễ bị lộ, và mạng lưới này nằm ở trong và thông qua không gian.

Trên thực tế, Trung Quốc sẽ khó có thể chống lại Mỹ trong một cuộc giao tranh vũ lực truyền thống. Nếu có bất kỳ cách nào để đánh bại sức mạnh quân sự của Mỹ, đó sẽ là nhắm mục tiêu "gót chân Achille" của Mỹ: dựa vào các tài sản không gian.

Trung Quốc có thể tụt hậu về khả năng không gian so với Mỹ, song nước này lại có cả nguồn lực tài chính và động lực chính trị để tiếp tục xây dựng chiến lược không gian quân sự và khả năng răn đe trong không gian. Cuối cùng, Bắc Kinh rất có thể vượt xa Mỹ trong cuộc cạnh tranh không gian trong thời đại mới này.

Sự mơ hồ của luật pháp quốc tế gây tác động to lớn đến sự tồn tại ngày càng gia tăng của các mảnh vỡ không gian nguy hiểm trong không gian quốc tế chung. Việc tạo ra các thử nghiệm và định hướng cân bằng trong không gian đòi hỏi một khuôn khổ quản trị quốc tế mang tính toàn diện hơn. 

Hậu quả mà các hoạt động ASAT gây ra không chỉ đối với môi trường trong không gian mà còn ảnh hưởng đến an ninh của các hoạt động liên lạc và giám sát trên Trái Đất. Nếu Trung Quốc "tự tung tự tác" trong không gian mà không bị thách thức quốc gia này có thể dễ dàng chối bỏ quyền tiếp cận và sử dụng không gian của các đối thủ.

Các nhà tư tưởng Trung Quốc tin rằng ai kiểm soát không gian sẽ sở hữu Trái Đất. Có lẽ, họ có lý do để tin như vậy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục