Tham vọng và thất vọng của Nhóm Lima đối với Venezuela

Mỹ đã lập ra một sân chơi mới mang tên Nhóm Lima tại Mỹ Latinh. Tuy nhiên, khi những người nhiệt thành nhất với Nhóm Lima đã lần lượt ra đi, thì cơ chế này cũng đang đi dần vào thế chết yểu
Tham vọng và thất vọng của Nhóm Lima đối với Venezuela ảnh 1Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu trong cuộc họp báo tại Caracas ngày 9/1/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Năm 2017, sau khi Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) - cánh tay phải của Washington trong các hành động can thiệp vào nội bộ các nước Mỹ Latinh và từng mang biệt hiệu “Bộ Thuộc địa của Mỹ” - thất bại trong việc lôi kéo các nước tại Tây Bán cầu cô lập và bóp nghẹt cuộc Cách mạng Bolivar tại Venezuela, “chú Sam” đã lập ra một sân chơi mới mang tên Nhóm Lima với nhiệm vụ công khai và duy nhất là lật đổ chính phủ của Tổng thống Nicolás Maduro ngay lập tức.

Theo mạng tin “Barómetro Internacional” (Khí tượng quốc tế), ban đầu có 17 quốc gia với các cấp độ và mô hình phụ thuộc khác nhau vào Mỹ đã nhanh chóng tham gia dự án này, nhưng dần dần, một số nước đã rút lui sau khi thấy thực tế diễn ra theo hướng ngược lại với những gì mà Washington đã hoạch định và hứa hẹn.

Cả 5 nước Caribe từng tham dự hình thức “băng đảng hóa chính trị” chưa từng có này, đặc trưng của các tổ chức tội phạm xã hội đen, đã lần lượt rút dần. Chỉ còn lại 12 “tông đồ,” nhưng lại là trong một “bữa tối” của sự phản bội, của cái chết, bất công, của sự đe dọa, sự tước đoạt quyền chính đáng và nỗi đau cho đa số nhân dân của một quốc gia độc lập.

Vậy điều gì đã xảy ra với họ? Trong số những người đưa ra “sáng kiến” về nhóm Lima có Tổng thống Mexico khi đó là Enrique Peña Nieto và Ngoại trưởng của ông Luis Videgaray - người mà không còn ai nhớ tới; còn với vị cựu nguyên thủ Peña Nieto, “dấu ấn” nổi bật nhất trên truyền thông nước nhà là việc ông phá vỡ hợp đồng hôn nhân với tập đoàn truyền hình “Televisa” - trước đó đã buộc Peña Nieto phải kết hôn với một trong những nữ diễn viên của họ để đổi lấy sự ủng hộ giúp ông trở thành tổng thống.

Đương kim Tổng thống Andrés Manuel López Obrador đã đưa chính sách đối ngoại của Mexico về với quan điểm truyền thống là tôn trọng “quyền của mỗi nước” trong việc xây dựng hòa bình và giữ khoảng cách với Nhóm Lima dù chưa chính thức rời tổ chức.

Vị chủ nhà của hội nghị thành lập nhóm hồi tháng 8/2017, Tổng thống Peru khi đó là Pedro Pablo Kuczynski chỉ có thể đi hết một phần nhiệm kỳ của mình, thậm chí ngay cả khi ông “sáng tạo” ra cả một Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ về chống tham nhũng để che giấu các hành vi phạm pháp của mình, mà ngay hôm nay, chỉ chưa đầy 2 năm sau khi ông bị bãi nhiệm, đang khiến ông bị giam giữ tạm thời để phục vụ điều tra.

Juan Manuel Santos, tổng thống Colombia ngày nào, giờ đây đang bận bịu đối đầu với người tiền nhiệm và “sư phụ” của ông khi xưa, Álvaro Uribe, hơn bất cứ thứ gì khác.

Nữ ngoại trưởng của ông khi đó, María Ángela Holguín, người sử dụng chức vụ để thỏa mãn các tham vọng cá nhân, đã biến mất hoàn toàn trong ký ức của đa số mọi người và có lẽ các “phẩm chất” của bà không phát huy được khi không có sự nâng đỡ của quyền lực chính phủ.

[Vai trò của Colombia trong địa chính trị-quân sự tại khu vực Mỹ Latinh]

Vì những “cống hiến” của mình, cựu Tổng thống Chile Michelle Bachelet đã được Mỹ “ban thưởng” một chức vụ tại Liên hợp quốc (Cao ủy về về nhân quyền), và trên cương vị mới, bà vẫn tiếp tục phục vụ Washington, kể cả trong công việc với Venezuela.

Còn cựu ngoại trưởng của bà và là một trong những người vận động chính của nhóm Lima, Heraldo Muñoz Valenzuela, giờ đây đang đứng đầu Đảng Vì Dân chủ (PPD), với đặc trưng là chủ nghĩa cơ hội để giành được các chức vụ trong bộ máy công quyền: sau khi giương cao ngọn cờ hiếu chiến chống Venezuela và thị trường tự do - theo đúng ý của các ông chủ Mỹ - Heraldo Muñoz đã không thu được mấy thành quả chính trị dù đã đôn đáo vận động hậu trường trong chính giới Chile.

Nếu bà Bachelet và ông Santos được kế vị bởi những chính trị gia có quan điểm tương đồng về vấn đề Venezuela, thì các vị Ngoại trưởng mới của Chile và Colombia còn mang lại những kết quả công việc đáng ngán ngẩm hơn.

Ngoại trưởng Colombia Carlos Holmes Trujillo còn lố bịch khi đề nghị Nga, Trung Quốc và Cuba hỗ trợ trong việc lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro, điều khiến cấp trên của ông, Tổng thống Iván Duque, phải thừa nhận là “một sự ám ảnh cá nhân” của Homes Trujullo.

Nhà ngoại giao này thậm chí đi một bước tuyệt vọng là công du Moskva để thuyết phục người đồng cấp Sergei Lavrov về sự cần thiết phải thay đổi chính phủ Venezuela thông qua con đường phi bầu cử.

Câu trả lời phủ nhận của Nga là rất mạnh mẽ, còn Tổng thống Vladimir Putin không muốn phí thời gian của mình để tiếp người đứng đầu ngành ngoại giao của Bogota.

Về phần mình, Roberto Ampuero, người kế nhiệm Muñoz tại Chile và từng bỏ nhiều công sức để đặt Santiago vào vị thế tiên phong trong âm mưu quốc tế chống Venezuela này, vừa bị cách chức ngoại trưởng và trục xuất khỏi nội các của Tổng thống Sebastián Piñera một cách đầy cay đắng.

Ampuero, cùng với 5 bộ trưởng khác, chịu trách nhiệm trực tiếp về việc tỷ lệ ủng hộ ông Piñera lao dốc, mà theo cuộc thăm dò mới nhất là xuống mức 26%, kém 15% so với cuộc khảo sát trước đó.

Vị tổng thống-tỷ phú này đã quy trách nhiệm trực tiếp cho ông Ampuero về thất bại của chiến dịch Cúcuta ngày 23/2, khi ông này cam đoan rằng sau khi các “hàng viện trợ” được đưa vào Venezuela, lực lượng vũ trang nước này sẽ tan rã và Juan Guaidó có thể thành lập chính phủ thực sự của mình.

Piñera đã thân chinh tới thành phố giáp biên nói trên của Colombia để chứng kiến sự việc và dường như đã không thể vượt qua tình thế lố bịch mà vị Ngoại trưởng của ông đã đẩy ông vào.

Vẻ mặt ngán ngẩm của Piñera trong cuộc gặp với Duque và Guaidó một ngày sau cuộc xâm lược bất thành Venezuela nói trên dường như thể hiện suy nghĩ của ông rằng Ampuero làm việc bất lực và phải bị thay thế, chỉ có điều phải chờ tới thời điểm thích hợp; và thời điểm đó đã tới vào đầu tháng 6 vừa qua.

Khi những người nhiệt thành nhất với dự án Nhóm Lima tại Mỹ Latinh đã lần lượt ra đi, thì cơ chế này cũng đang đi dần vào thế chết yểu khi mà mục tiêu mà họ đã bao lần cam kết là sẽ hạ bệ Maduro một cách chóng vánh vẫn tồn tại và số phận chính trị của nó còn dai dẳng hơn cả họ, như lời thừa nhận của chính một thủ lĩnh chính trị quan trọng tại Venezuela: “…và nếu ai đó gọi điện tới Dinh tổng thống Miraflores, thì người nhấc máy vẫn cứ là Nicolás Maduro”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục