“Thần kinh khán giả” và điều không thể cắt nghĩa

Dò dẫm tìm hiểu “thần kinh khán giả” và trăn trở cắt nghĩa bản sắc điện ảnh Việt là suy nghĩ của 2 vị khách mời CEO Café số đầu.
Dò dẫm tìm hiểu “thần kinh khán giả” và trăn trở với việc cắt nghĩa bản sắc điện ảnh Việt Nam là những suy nghĩ của hai vị khách mời CEO Café số đầu tiên: Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD Ltd.) và Ông Lê Ngọc Minh - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Việc xóa bỏ hạn ngạch phim nhập khẩu mà thực chất là bỏ bớt một số rào cản đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, phát hành phim liệu có đón nhầm “những luồng gió độc” vào nhà?  Ông Lê Ngọc Minh: Theo lộ trình cam kết khi gia nhập WTO, tùy thuộc thỏa thuận và năng lực của từng quốc gia. Thí dụ, Trung Quốc mỗi năm chỉ cho nhập 20 phim/năm, nhưng phải là phim nghệ thuật chứ không phải phim giải trí thương mại. Theo Luật Điện ảnh thì Luật này sẽ được điều chỉnh theo các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Do đó, khi đã gia nhập WTO, chúng ta bắt buộc phải điều chỉnh Luật theo cam kết. Ở Việt Nam, đối với các doanh nghiệp, tùy theo năng lực các đơn vị có thể tùy thích nhập khẩu phim. Phía cơ quan quản lý nhà nước giúp thẩm định, ban hành và sử dụng các chế tài phù hợp để khuyến khích, điều tiết việc nhập khẩu sao cho có những sản phẩm tốt. Ví dụ, khi có trào lưu phim ma-kinh dị, cùng lúc 7-8 doanh nghiệp cùng nhập phim ma, Cục Điện ảnh đã có Công văn 308 ĐA/PĐB yêu cầu "hạn chế tối đa phim ma, phim kinh dị" gửi các hãng sản xuất phim, các đơn vị nhập khẩu phim truyện nhựa. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xem xét những phim thuộc thể loại này nhưng có tính nhân văn không gây hoảng loạn xa hội thì vẫn cho phép phát hành. Theo quy định hiện nay, có những điểm cấm cụ thể như sau: nguy hại an ninh quốc gia, phỉ báng biểu trưng dân tộc, kích động bạo lực chia rẽ gây chiến tranh, làm công chúng hoảng loạn. Bất kỳ doanh nghiệp nào không vướng thì Hội đồng thẩm định phải cho qua và không hạn chế số lượng. Trước đây số lượng phim nhập là 100 phim/năm, nay là khoảng 150 phim/năm. Bà Ngô Thị Bích Hạnh: Khái niệm “quota” trước đây không thật sự chuẩn bởi việc hạn chế nhập khẩu phim không căn cứ vào số lượng mà căn cứ vào điều kiện của các nhà nhập khẩu. Việc mở rộng đối tượng nhập khẩu đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người tham gia vào sân chơi hơn. Các doanh nghiệp có truyền thống nhập khẩu phim như BHD sẽ phải tích cực vận động hơn để cạnh tranh, tìm kiếm những sản phẩm chất lượng hơn. Và, khán giả sẽ có nhiều cơ hội hưởng, tiếp cận văn hóa thế giới hơn và nhiều lựa chọn hơn. Ở khía cạnh doanh nghiệp nhập khẩu phim chúng tôi cũng như các đồng nghiệp có lẽ còn cần trọng hơn các nhà quản lý trong khâu chọn phim bởi nếu một vài bộ phim chỉ cần bị “cắt gọt” chứ chưa cần đến mức bị cấm phát hành thì đã đủ… lao đao. Nhưng điều đó có lẽ cũng đồng nghĩa với việc phim nội đang dần bị “bức tử”?  Ông Lê Ngọc Minh: Hiện nay, Luật Điện ảnh quy định số lượng phim Việt chiếu rạp là 20% cũng là khá cao so với năng lực sản xuất của các nhà làm phim trong nước, trên thực tế đã có nhiều người không tán thành. Lúc đầu, quy định 30% phim nội trên truyền hình cũng gây nhiều ý kiến tranh cãi lo lắng, nhưng đi vào ổn định thì phim truyền hình nội đã phát triển tốt. Thậm chí, phim truyền hình Việt còn thu quảng cáo cao hơn phim ngoại, khán gỉa đông hơn và nhhiều đài còn vượt chỉ tiêu. Hy vọng trong tương lai sẽ ôn định với phim điện ảnh. Hiện nay, vấn đề của điện ảnh là rạp. Nhiều dịa phương lớn, rạp kiểu cũ không hoạt động được nữa, rạp kiểu mới lại chưa có. Nhiều địa phương trắng về điện ảnh cộng đồng. Chiếu ở bãi thì có nhưng rạp đúng nghĩa sinh hoạt văn hóa cộng đồng thì có tới 80% các tỉnh chưa có. Bà Ngô Thị Bích Hạnh: Theo tôi nên hiểu đúng về bản chất, quy định đặt ra mang tính định hướng nhiều hơn, cũng như đặt ra một mốc để chúng ta phấn đấu. Thí dụ như Hàn Quốc trước kia cũng quy định là 20%, đến nay tỷ lệ phim ngoại nhập - phim Hàn Quốc đã là 50-50. Chúng ta có thể hy vọng, trong tương lai khi ngành công nghiệp điện ảnh Việt phát triển hơn, tỷ lệ phim Việt lên cao hơn nữa. Quả là quy định về tỷ lệ phim nội mang tính định hướng khi không có chế tài rõ ràng?Ông Lê Ngọc Minh: Hiện nay, ở các thành phố, việc chiếu phim nội dựa vào một số trung tâm, cụm rạp lớn là chủ yếu. Việc đảm bảo số lượng phim Việt chiếu rạp ở khu vực này tương đối khó. Nhưng ở các tỉnh xa thì những phim cũ, thậm chí rất cũ thì lại có khách. Việc đảm bảo số lượng 20% hoặc hơn ở những địa bàn này lại không khó. “Thần kinh khán giả” là điều cần phải có nhiều cuộc điều tra, nghiên cứu rất kỹ mới có thể hiểu được. Ở đây, khía cạnh tính thời thượng cũng cần được xem xét cùng một chất lượng phòng chiếu, dịch vụ nhưng rõ ràng những cô cậu đi xem ở MegaStar cảm thấy “oách” hơn nhiều đi xem ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Bà Ngô Thị Bích Hạnh: Công nghiệp chiếu phim của ta vẫn còn quá mới, phim nào thì phim nếu chiếu được có khách đã là tốt lắm rồi. Các rạp, cụm rạp mở ra kinh doanh tốt cũng nên được ủng hộ. Quy định đặt ra để hướng tới thì đúng hơn. Ông Lê Ngọc Minh: Kể cả phim nước ngoài cũng có lúc khủng hoảng. Hiện tại, các rạp đang trong tình trạng khủng hoảng thiếu phim hay. Khán giả chủ yếu xem phim Mỹ hoăc Hàn Quốc, khán giả chủ yếu là khán giả thời thượng.
“Thần kinh khán giả” và điều không thể cắt nghĩa ảnh 1
Dù đứng trong Top 3 các đại gia nhập khẩu phim, nhưng BHD dường như chậm chân trong những phi vụ “bom tấn”?Bà Ngô Thị Bích Hạnh: Khái niệm phim “bom tấn” không nhất thiết phải là phim Hollywood, chưa chắc phim Mỹ đã thắng lớn ở Việt Nam, đó là thực tế. Nhiều box office hit của Châu Á còn thắng hơn, thí dụ như “The Forbiden Kingdom” năm ngoái có doanh thu ngất ngưởng tại tất cả các rạp trên toàn quốc. Thế mạnh của BHD là hướng vào dòng phim Hàn Quốc, Trung Quốc và phim Việt Nam. Sắp tới cũng sẽ hứa hẹn rất nhiều dự án phim nhập khẩu hoành tráng mà phim Mỹ khó long cạnh tranh được. Trước những thay đổi sắp tới, chiến lược lâu dài của BHD là tập trung vào nhập khẩu hay sản xuất?  Bà Ngô Thị Bích Hạnh: Nếu chỉ dựa vào nhập khẩu thì sẽ không ổn định. Chúng tôi cần vững cả hai chân sản xuất và nhập khẩu, chúng ta đang sống trong “thế giới phẳng”, khán giả có nhu cầu cả những bộ phim đang hot ở Mỹ hoặc Hàn Quốc, Trung Quốc. Nếu so sánh thì rõ ràng là nhập khẩu dễ thắng lợi với chi phí thấp nhưng để bền thương hiệu và cống hiến cho công nghiệp điện ảnh thì BHD vẫn phải “dấn thân” vào lĩnh vực sản xuất. Vậy đâu là những khó khăn BHD phải dối mặt trong qúa trình “dấn thân”làm sản xuất? Bà Ngô Thị Bích Hạnh: Chúng tôi mong muốn đi bằng cả hai chân, đó là chiến lược của công ty. Nhưng sản xuất phim không dễ, phim Việt chỉ có một mùa Tết là có thể thu tiền. Doanh nghiệp sản xuất như chúng tôi cũng mong muốn có thêm những mùa nữa nhưng còn xa vời vì vấn đề cốt lõi là thiếu rạp. Hiện số phim Tết đạt khoảng 30 bản in. Cho tới khi nào số lượng rạp phim cho phép đạt khoảng 30 bản in và thời gian chiếu dài khoảng 1 tháng cho mỗi đầu phim mà không cần đợi đến Tết thì các nhà sản xuất mới có cơ hội hòa vốn và lợi nhuận. Khác với truyền hình, phim điện ảnh cần có rạp, có chỗ, có dịch vụ cho khán giả. Đời sống của phim điện ảnh rất ngắn, chỉ có thể có doanh thu trong vòng 1 tháng. Những nguồn thu từ DVD, truyền hình thì không đáng kể. Ông Lê Ngọc Minh: Đây chính là vấn đề yếu của điện ảnh Việt Nam, ở nước ngoài tỷ lệ doanh thu tại rạp và các nguồn phát hành khác của một phim có thể đạt tới 70:30. Trong đó, 30% là từ DVD và truyền hình. Có trường hợp đặc biệt, tỷ lệ có thể lên tới 50:50, thí dụ như phim “Hanoi, Hanoi” đã được kênh CCTV6 của Trung Quốc mua với giá 1.5 triệu tệ và còn tài trợ kinh phí sản xuất 3 phóng sự giới thiệu về phim để phát song trước khi chiếu. Để có thể thành công trong lĩnh vực sản xuất, đâu là phương án của BHD để giải bài toán nhân lực?  Bà Ngô Thị Bích Hạnh: Thay vì “giành giật” nguồn nhân lực có giá trên thị trường, BHD chú trọng vào vấn đề đào tạo cho nhân viên. Có thể nói BHD là hãng phim tư nhân duy nhất có cả phim trường, đội ngũ mỹ thuật, xây dựng riêng. Riêng bộ máy nhân sự sản xuất phim full time là trên 200 người (trên tổng số 300 nhân viên). Số lượng cộng tác viên với chỉ tính hợp đồng trên 1 năm đã là 150 người, chủ yếu là diễn viên, quay phim, chuyên gia âm thanh, ánh sang,… Riêng thời gian sản xuất phim “Cô gái xấu xí” đã là hai năm nên số lượng cộng tác viên không hề nhỏ. Ngoài ra, chúng tôi có rất nhiều chương trình đào tạo đặc biệt, thí dụ như khóa tập huấn mà BHD kết hợp Panasonic mời cameraman Mathew J. Siegel, người đã tham gia thực hiện “Mr & Mrs. Smith,” “Matrix Reload,” “Master & Commander” sang tập huấn trao đổi về kỹ thuật sản xuất phim hiện đại. Nhân đề cập tới phim Việt, đã khá nhiều năm trôi qua từ thời “Vũ khúc con cò,” có vẻ như BHD đã bỏ cuộc chơi phim nghệ thuật? Bà Ngô Thị Bích Hạnh: Điều đó không hẳn đúng, vừa qua BHD cũng tham gia sản xuất “Áo lụa Hà Đông” với phần đầu tư 35% và trong nhiều năm nay đại diện phát hành tại quốc tế cho 100% tất cả các phim nghệ thuật Việt Nam, đưa phim tham dự các Liên hoan phim (LHP) quốc tế từ Vernise, Toronto tới Pusan. Có thể nói, BHD là một trong số rất ít công ty tư nhân làm phim nghệ thuật và sắp tới sẽ cho ra mắt bộ phim ca nhạc “Những nụ hôn rực rỡ” nhân dịp Tết. Đó sẽ là bước tiên phong cho thể loại phim ca nhạc tại Việt Nam. Ông Lê Ngọc Minh: Tôi muốn bổ sung thêm rằng, BHD cũng là một đối tác truyền thống của Cục Điện ảnh trong lĩnh vực phim nghệ thuật. Tất cả những bộ phim của Cục đặt hàng sản xuất đều có sự trợ giúp của BHD trong khâu phát hành quốc tế, tham dự các LHP. Nói tới LHP, Cục Điện ảnh đã có kế hoạch nào cho sự kiện lớn LHP Hà Nội lần thứ 1 và liệu BHD có vai trò nào đó?Ông Lê Ngọc Minh: BHD đã được Cục mời tham gia rất nhiều cuộc họp để trao đổi về kế hoạch tổ chức LHP Hanoi lần thứ 1. Ngoài ra, Cục thậm chí mời gọi thêm các dối tác nước ngoài để có một LHP tầm cỡ khu vực và quốc tế. Trong đó, vấn đề xã hội hóa nhằm huy động thêm nguồn nhân lực, tài lực là vấn đề rất được coi trọng bởi với kinh phí nhà nước cấp khoảng 4 tỷ đồng thì chỉ vừa đủ đón khách với 11 đoàn khách quốc tế. Hiện nay, Cục vẫn chưa chọn chính thức đối tác vì tập trung trước mắt vào việc tổ chức LHP Việt Nam lần thứ 16 tại TP.HCM. Ở LHP này, BHD và một số đối tác khác cũng đã được Cục mời tham gia với tư cách cố vấn. Có thể nói LHP toàn quốc lần thứ 16 sẽ là lần tập dượt lớn để chuẩn bị cho LHP quốc tế Hà Nội nhân Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Liên quan tới LHP Hà Nội lần thứ 1, hiện đã có một dự án khá đặc biệt và ý nghĩa của nữ đạo diễn Yuki (Nhật Bản). Cô đã xin được tài trợ 2 triệu USD để thực hiện bộ phim về cuộc tình cảm động (đã được báo chí Việt Nam giới thiệu nhiều) giữa chàng trai Việt Nam và cô gái Bắc Triều Tiên. Đây có thể coi là bộ phim đăng ký tham dự LHP quốc tế Hà Nội sớm nhất dù chưa chính thức. Nếu coi LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 1 là một bữa tiệc lớn, liệu chủ nhà có thể tự tin mời khách khi mà những món ăn của chúng ta đang rất “lai căng” và không có bản sắc?Bà Ngô Thị Bích Hạnh: Với quan điểm của một người vừa làm sản xuất phim thương mại vừa tham gia lĩnh vực phim nghệ thuật, tôi thấy rằng việc “vay mượn” ý tưởng hay chuyên nghiệp hơn là mua bản quyền (franchise) kịch bản cũng là xu hướng phổ biến. Thậm chí Hollywood cũng franchise rất nhiều kịch bản của Trung Quốc, Nhật Bản. Khi dựng lại, các nhà làm phim đa phần chỉ giữ ý tưởng, thâm chí cốt truyện cũng có thể thay đổi. Tuy nhiên, nếu một bộ phim dù không franchise nhưng dựng lên lại như phim nước ngoài, thậm chí khán giả không hình dung được quốc tịch của nó thì lại là vấn đề đáng quan tâm. Ông Lê Ngọc Minh: Vấn đề khá nhức nhối mà hiện nay không những trong lĩnh vực điện ảnh mà cả những lĩnh vực khác. Việc cắt nghĩa bản sắc trong điện ảnh là không thể, các sản phẩm mới của ta lai căng mỗi nơi một chút. Rất đáng báo động! Năm 1989, điện ảnh Hàn quốc và Việt Nam là bằng nhau, thậm chí họ còn bị bó buộc hơn ta. Nhưng nhờ chính sách đầu tư hạ tầng cơ sở và đào tạo nhân lực họ đã tiến bộ vượt bực mà minh chứng là “làn sóng Hàn quốc- Hallyu” càn quét không chỉ Châu Á mà cả Bắc Phi, Mỹ Latinh. Nói tới cơ sở vật chất của Hàn Quốc thì ngồi đây ta không thể tưởng tượng nổi được, điều đó có được cũng một phần nhờ bùng nổ kinh tế Hàn Quốc thập niên 90. Thêm vào đó, tinh thần yêu nước kiểu Hàn cũng là điểm đáng quan trọng. Điều đó, ta không theo được. Với câu hỏi lớn này, theo tôi cần sự đầu tư lớn về hạ tầng cơ sở, chính sách đào tạo với sự hỗ trợ lớn của nhà nước và tạo ra thị trường mua bán trao đổi phim. Thị trường phim nội hiện nay như một cái chợ không có hàng hóa. Về khía cạnh con người, không sống được bằng nghề, vui với điện ảnh là chính. Một nữ diễn viên nổi tiếng xinh đẹp chấp nhận đóng cảnh nóng cũng chỉ được catse khoảng 1.000 USD, so với nước ngoài còn thì khoảng cách xa vời vợi. Như vậy, khó lòng đòi hỏi sự chuyên tâm của đội ngũ nghệ sĩ. Những vấn đề đó không thể trông chờ tư nhân, ví dụ xây dựng một trường quay tầm cỡ trường quay của KBS tốn cỡ 750 triệu USD chưa kể quỹ đất, chính sách thuế. Điện ảnh là một loại hình nghệ thuật “sang trọng” đòi hỏi sự đầu tư đẳng cấp quý tộc. Nhưng dẫu sao ta vẫn là nước nghèo./.
CEO Café là Chương trình tọa đàm đa phương tiện được phối hợp thực hiện bởi Công ty Cổ phần Phát triển Giám đốc điều hành Việt Nam (Vietnam CEO Corp.), Báo điện tử Vietnam+, Tạp chí Doanh nhân và Báo Diễn đàn doanh nghiệp.
Trần Hoàng Nam (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục