"Thần y" Phan Thị Tranh không có khả năng chữa bệnh

Trong báo cáo số 12/SYT của Sở Y tế Vĩnh Phúc trình bày báo cáo về kết quả buổi làm việc với bà Phan Thị Tranh thể hiện rõ là bà Tranh không có khả năng khám bệnh.

Trong báo cáo số 12/SYT ngày 23/01/2014 của Sở Y tế Vĩnh Phúc trình bày báo cáo về kết quả buổi làm việc với bà Phan Thị Tranh thể hiện rõ là bà Tranh không có khả năng khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc các loại bệnh tật nói chung.

Báo cáo khẳng định: "Bà Tranh đã đề nghị các cơ quan chức năng tham dự buổi làm việc tuyên truyền để người dân biết và không đến nhờ bà khám bệnh, chữa bệnh. Bà Tranh đã tự nguyện viết xác nhận và ký vào phiếu phỏng vấn trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng."

Vài năm gần đây, thông tin đồn thổi bà Phan Thị Tranh ở thôn Viên Du, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, chữa bệnh bằng cách bắt tay, hát truyền năng lượng, kết hợp với một loại cây theo tên gọi của gia đình bà là "lá mát," sẽ chữa bách bệnh kể cả các bệnh hiểm nghèo.

Thông tin này lan tỏa trên diện rộng khắp các tỉnh, thành trong nước và các ngày cuối tuần người bệnh kéo nhau về thôn Viên Du đông như trẩy Hội. Không ít bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã gọi bà Tranh là "Cô Tiên," "Tiên cô," "Thần y"... coi bà như như đấng tinh tinh thần tối cao trong huyền thoại bởi khả năng chữa được nhiều loại bệnh; trong đó có cả những bệnh hiểm nghèo như bàn đồn đại, bàn tán trong vài năm qua.

Từ cuối năm 2010, bà Tranh chính thức tuyên bố có thể chữa khỏi nhiều bệnh nan y bằng cách thức hát, bắt tay và cho uống "lá mát." Trước việc làm trên của bà Tranh, chính quyền, các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc đã vào cuộc nhằm làm rõ vụ việc và yêu cầu bà Tranh chấm dứt hoạt động hành nghề trái phép, không được khám, chữa bệnh, bốc thuốc nam khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Bà Tranh từng cam kết không hái hoa, lá, cỏ cây... để chữa bệnh. Mặc dù cơ quan chức năng và chính quyền sở tại khẳng định và phổ biến thông tin rằng bà Phan Thị Tranh hoạt động chữa bệnh trái pháp luật, không có chuyên môn y học, thuốc cung cấp cho người bệnh chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng, có dấu hiệu kinh doanh trục lợi với số tiền thu được rất lớn, nhưng liên tiếp nhiều tháng qua bà Tranh vẫn hoạt động công khai.

Nhờ có đông người khám bệnh hàng loạt dịch vụ nhà trọ, nhà nghỉ, gửi xe, hàng ăn, hàng tạp hóa... ở địa bàn kinh doanh có hiệu quả. Một số hộ dân có quyền lợi liên quan tại địa bàn đã lên tiếng ủng hộ việc khám chữa bệnh của bà Tranh. Lực lượng "cò mồi" cũng tìm mọi cách tung tin, phao tin, nhắn tin... Họ đã không tiếc lời phao tin, đồn thổi, tâng bốc... có chủ ý, có tổ chức khiến thông tin về việc khám chữa bệnh của "Thần y" ngày càng lan rộng.

Số người tìm đến khám chữa bệnh ngày một đông, có những thời điểm trung bình mỗi ngày có 400-500 người đến với bà Tranh. Hoạt động của bà Tranh được có nguy cơ tiềm ẩn gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân, kể cả tính mạng người dân khi lâm bệnh nặng mà không đến các bệnh viện chữa trị kịp thời; gây mất vệ sinh môi trường vì quá đông người bệnh đến địa phương sống cảnh "ăn tạm, ở thì" vốn họ đang mắc nhiều loại bệnh tật khác nhau, bệnh truyền nhiễm cũng dễ lây lan; đồng thời gây mất an ninh trật tự ở địa phương.

Báo cáo số 12/SYT ngày 23/01/2014 của Sở Y tế Vĩnh Phúc nêu rõ: Ngày 22/1/2014, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức buổi làm việc với bà Phan Thị Tranh.

Tại buổi làm việc bà Tranh nói bản thân bà không có khả năng khám bệnh, chữa bệnh cho người, từ thời gian trước đến hiện tại, bà không bốc thuốc, kê đơn và không khám bệnh chữa bệnh cho người, bản thân của chưa được học qua trường lớp nào về y tế, nên không biết khám bệnh, chữa bệnh cho người" (Trích báo cáo số 12/SYT về kết quả làm việc với bà Pham Thị Tranh).

Tại phiếu phỏng vấn về hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngày 22/01/2014 dười sự chứng kiến nhiều cán bộ chuyên môn ngành chức năng, bà Phan Thị Tranh cũng trả lời: Nghề nghiệp của bà Tranh là làm ruộng và không có nghề phụ. Không có bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận về chuyên môn khám chữa bệnh và cũng vì thế không có khả năng khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh.

Trong phiếu phỏng vấn ở nội dung câu hỏi thứ 8 có nêu rằng: Để được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hợp pháp người hành nghề phải chấp hành những quy định nào của pháp luật hiện hành ? Câu trả lời của bà Tranh là phải "Qua các trường lớp ngành y."

Xác nhận cho các câu hỏi phỏng vấn, bà Tranh một lần nữa khẳng định những câu trả lời được viết trên đây (Tức trong phiếu phỏng vấn-PV) là do tôi nói ra, đây là lời cam đoan, cam kết thể hiện trong văn bản giấy trắng mực đen./.

"Thần y" Phan Thị Tranh không có khả năng chữa bệnh ảnh 1Báo cáo của Sở Y tế Vĩnh Phúc và Phiếu phỏng vấn của ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc với bà Tranh.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục