Tháng 5 chữa dứt điểm vết nứt mặt cầu Thăng Long

Bộ Giao thông vận tải cho biết các vết nứt trên mặt cầu Thăng Long là do bản thép mỏng và khẳng định sẽ xử lý dứt điểm trong tháng 5.
Mặc dù đợt sửa chữa cầu Thăng Long đã được tiến hành nhiều lần nhưng thời gian gần đây lại có những vết nứt mới xuất hiện dọc trên mặt cầu. Sáng nay, (22/4) trao đổi với báo chí bên lề hội thảo Tổng kết hoạt động Khoa học Công nghệ giai đoạn 2005-2010, ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, những vết nứt nhỏ này xảy ra nằm dọc phía mặt cầu, đây là những vết nứt mới, hoàn toàn không phải những vết nứt cũ cũng như những vị trí đã được trám vá trước đó, bởi những vết nứt cũ là nứt ngang, còn đây là những vết nứt dọc. Ông Hà cũng khẳng định, đến tháng 5 sẽ sửa chữa dứt điểm và thi công xong những vết nứt dọc trên mặt cầu Thăng Long. - Qua đi thực tế, có nhiều đoạn dù đã sửa nhưng chính tại điểm đấy lại xuất hiện những vết nứt mới?Ông Hoàng Hà: Sau khi mình tiến hành sửa chữa thì không xuất hiện những vết nứt dàn ngang. Hiện các vết nứt theo dọc đường thì tính chất hiện nay là khác, là do độ rung của các sườn tăng cường trên bản thép. Bản thép của cầu được làm từ thời công nghệ ngày xưa của Nga. Bản thép mỏng nên phải gia cố thêm các sườn tăng cường, các vết bây giờ xuất hiện trên đỉnh các sườn đó. Tôi nghĩ vấn đề giải quyết không quá phức tạp. - Vậy, Vụ Khoa học Công nghệ và các bên hữu quan dự định có nghiên cứu để sửa một cách toàn diện, không còn tình trạng cứ hỏng đâu sữa đẩy như hiện nay?Ông Hoàng Hà: Trước hết phải nói công nghệ lớp phủ mặt cầu trên bản mặt thép là công nghệ khó của cả thế giới, hiện nay họ xác định là tiếp tục nghiên cứu. Cái khó thứ nhất là bản thép nhẹ, nhưng độ giãn nở nhiệt rất lớn. Thứ hai đã nhẹ đã mỏng thì độ rung lớn, do đó trên thới giới nghiên cứu rất nhiều công nghệ và vẫn áp dụng cái đang có lẫn nghiên cứu cái mới, kể cả những nước tiên tiến. Việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã áp dụng công nghệ tiên tiến nhất vào đây, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng biết và đang cùng theo dõi. - Thưa ông, hiện nay, có thông tin là lớp nhựa trám vá không bám với mặt cầu, thông tin đấy có chính xác không?Ông Hoàng Hà: Có những chỗ không bám, có những chỗ bám, nhưng về cơ bản là bám. Nguyên nhân dẫn tới việc lớp nhựa không bám sau khi trám vá là do điều kiện thời tiết vì đúng thời điểm chọn thực hiện sửa chữa thì mưa gió ập xuống. Cầu Thăng Long ở vị trí huyết mạch, không cho chậm một tháng, hay hai tháng để chờ thời tiết khô. - Bao giờ việc sửa chữa và thi công lại những vết nứt mới xuất hiện trong thời gian tới?Ông Hoàng Hà: Tôi nghĩ là khoảng tháng 5, và quyết tâm sửa chữa dứt điểm. - Vụ Khoa học Công nghệ có lên phương án sẽ mời tư vấn nước ngoài tham gia cùng?Ông Hoàng Hà: Tất cả những công nghệ và quá trình thực hiện, sửa chữa đều có liên hệ với các tư vấn nước ngoài thường xuyên để trao đổi kinh nghiệm với họ. Ngoài đối tác hiện nay, còn tham khảo công nghệ Mỹ, kinh nghiệm của Thái Lan. Lấy kinh nghiệm Thái Lan vì cùng nằm trong khu vực, đặc điểm thời tiết, khí hậu, trình độ thi công gần gần giống mình. Mình kết hợp tất cả cái hiện đại, cộng với kinh nghiệm thực tế. - Còn về vấn đề kinh phía sửa chữa, sẽ do nhà thầu thi công bỏ ra, hay do Bộ hỗ trợ?Ông Hoàng Hà: Theo tôi, trước mắt là phải xác định rõ giải pháp, rồi sẽ tìm những đơn vị thi công có kinh nghiệm để thực hiện. Cái này còn tùy tình huống cụ thể, không thể nói sớm được như vậy. - Cũng liên quan đến vấn đề kỹ thuật công nghệ với cầu Thăng Long, liệu vết thảm mới thay thế có bị bong và hình thành các vết đứt gãy khi chịu sự tác động của phương tiện lưu thông?Ông Hoàng Hà: Tôi xin khẳng định, đây là 1 trong 3 công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất của Thế giới, nên không thể nói là phù hợp hay không phù hợp được. Hiện nay thế giới có 3 công nghệ áp dụng cho loại cầu bản thép, trong đó chúng ta chọn công nghệ bê tông nhựa nóng SMA vì Việt Nam số lượng cầu thép không nhiều, nên chấp nhận công nghệ tiên tiến thứ 2 thế giới, nhưng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Công nghệ này đã làm trong Cần Thơ, nên mình tận dụng, áp dụng phải rất là uyển chuyển. - Nếu trong tháng 5 sẽ sửa chữa, trong trường hợp xấu nhất, Bộ Giao thông vận tải có định quay trở lại áp dụng công nghệ cũ đã dùng trước đây.
Ông Hoàng Hà: Tất cả cộng nghệ áp dụng trước đây là từ ngày Liên xô cũ xây dựng, cách đây 30 năm, giờ không còn tồn tại, và nếu có tồn tại thì đã lạc hậu rất nhiều. Công nghệ này 5 năm là phải thay đổi rồi. - Xin cảm ơn ông./.
Dự án Sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Ban Quản lý dự án 2, thuộc Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Đơn vị thiết kế, và giám sát thi công là Viện Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải).

Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Bảo Quân là đơn vị thi công. Công trình này đã sử dụng loại bê tông nhựa SMA, là loại vật liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế và được nhiều nước trên thế giới sử dụng cho các công trình mặt cầu thép có tuổi thọ công trình nhiều năm.
Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục