Tháng 5: Chứng khoán với xu thế “cất tiền và đi nghỉ”

Sau nhịp phục hồi nhẹ vào cuối tháng Tư, dòng tiền trên thị trường chứng khoán đã xuất hiện dấu hiệu suy yếu. Theo các chuyên gia, tín hiệu này cho thấy xu hướng thị trường trong tháng Năm đang có sự "nghỉ ngơi."

"Theo quan sát của tôi, thông thường trong giai đoạn tháng 5 và tháng 6 qua các năm thì hoạt động giải ngân của các quỹ ngoại Midcap (vốn hóa vừa) và Smallcap (vốn hóa nhỏ) sẽ diễn ra khá nhiều, ông Nguyễn Thế Minh-chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán Bản Việt chia sẻ.

Sau nhịp phục hồi nhẹ vào cuối tháng Tư, dòng tiền trên thị trường chứng khoán đã xuất hiện dấu hiệu suy yếu. Theo các chuyên gia, tín hiệu này cho thấy xu hướng thị trường trong tháng Năm đang có sự "nghỉ ngơi".

Chạy theo... chu kỳ


Thống kê từ Công ty chứng khoán Woori CBV cho thấy, tuần đầu tháng Năm thị trường chứng kiến 2 phiên giao dịch giảm và tăng đan xen. Phiên thứ Sáu 3/5, VN-Index ghi nhận thêm 2,22 điểm, tương đương 0,47% và lên mức 475,24 điểm. Cùng lúc đó, chỉ số HNX Index cũng ghi nhận mức tăng khá 1,30%, lên 59,06 điểm.

Tuy nhiên, thanh khoản qua hai phiên sụt giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm. Cụ thể, trên sàn HoSE, chỉ có hơn 24,5 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương đương với giá trị gần 348 tỷ đồng. Phía sàn HNX chứng kiến hơn 22,4 triệu cổ phiếu được khớp, trị giá xấp xỉ 161 tỷ đồng.

"Thanh khoản bị ảnh hưởng sau dịp nghĩ lễ dài có thể do một bộ phận nhà đầu tư vẫn chưa bắt nhịp lại với thị trường. Bên cạnh đó, tâm lý thận trọng vẫn tồn tại và chiêm ưu thế sau những phiên biến động đột ngột và đầy bất ngờ trước đó. Quan sát hai phiên giao dịch gần đây, một phần nguyên nhân của khối lượng giao dịch thấp là do cung cầu không khớp. Khối lượng lệnh đặt bán giá cao và đặt mua giá thấp cao hơn khối lượng khớp ở nhiều cổ phiếu," theo Woori CBV.

Mặt khác, ông Nguyễn Thế Minh-chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán Bản Việt nhận định, hiện tại VN-Index và HNX-Index đang phải đối mặt với vùng kháng cự mạnh. Thêm vào đó, dòng tiền suy yếu rõ rệt mặc dù thị trường không có áp lực bán tháo. Điều này cho thấy trạng thái tâm lý nhà đầu tư tiếp tục đi ngang với xu hướng không rõ ràng.

Phân tích diễn biến hai chỉ số trong các tháng 5 từ năm 2000 đến nay, ông Minh đưa ra số liệu cụ thể, xác suất giảm điểm của chỉ số VN-Index là 75%, tỷ suất sinh lợi là âm 7,19%; tương tự đối với chỉ số HNX-Index là 67% và âm 15,63%.

Đồng tình, ông Nguyễn Tuấn-Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán FLC cũng chỉ ra, điểm nhấn của thị trường trong tháng Tư là việc chỉ số HNX-Index đã hoàn thành mô hình "vai đầu vai" với thời gian hoàn thành mô hình lên đến 3,5 tháng và hiện xu thế đảo chiều là khá lớn. "Trong lịch sử, mô hình này thường ít xảy ra, tuy vậy khi nó xuất hiện và lớn như vậy thì trở thành dấu hiệu rất quan trọng với hàm ý diễn biến của thị trường thời gian tới sẽ thiên về xu hướng giảm," ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, hiện HNX-Index đang nằm trong vùng kháng cự mạnh 59-60 điểm đồng thời khối lượng giao dịch trong 9 phiên trở lại đây đã về mức rất thấp, thể hiện sự yếu kém của lực cầu và sự vắng mặt của các luồng tiền đầu cơ cũng tác động đến thị trường đi theo xu thế đi xuống.

Hơn nữa, ông Tuấn cũng nhấn mạnh, những khó khăn cốt lõi của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để, như việc nợ xấu còn ở mức cao, tổng cầu suy giảm, hiệu quả đầu tư thấp. Do vậy, các điểm sáng của kinh tế vĩ mô như CPI tăng nhẹ, dự trữ ngoại hối tăng, lãi suất hạ dần… chỉ có thể đưa ra thông điệp rằng nền kinh tế đang ổn định dần trở lại, song cần phải chờ thêm thời gian dài nữa.

Tiền mặt là… vua


Tuy nhiên, diễn biến phiên giao dịch ngày 6/5 lại khá bất ngờ với giới đầu tư. Thị trường chứng khoán có sự hồi phục mạnh mẽ, dòng tiền lớn xuất hiện và có sự tranh mua ồ ạt.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà đầu tư cá nhân tại Hà Nội cho rằng, đây chỉ là "cuộc chơi" của các tổ chức. Mức độ rủi ro trong bổi cảnh thị trường như hiện tại là rất cao và với kinh nghiệm đầu tư trong nhiều năm qua, ông Tuấn cho biết sẽ đứng ngoài thị trường và tiếp tục chờ đợi một xu thế rõ ràng hơn.

Đồng tình với quan điểm trên, các nhà phân tích cũng đưa ra khuyến cáo, những chỉ báo xu thế đi xuống của thị trường là khá rõ ràng, do đó các nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng tiền mặt nhiều hơn đồng thời những đợt tăng giá như hiện nay đang mang đến cơ hội tốt cho việc giảm tỷ trọng cổ phiếu.

"Xu thế thị trường chứng khoán trong tháng Năm chịu ảnh hưởng rất lớn từ những xu thế dài hạn. Do đó, sự đầu cơ tăng giá liên tục trong các tháng qua sẽ khiến thị trường đối mặt với rất nhiều áp lực. Vì vậy, chiến lược đầu tư theo những chu kỳ lớn có 4 giai đoạn (tích lũy, đẩy giá, phân phối, đầu cơ giá giảm) sẽ tỏ ra phù hợp hơn," ông Nguyễn Tuấn nói.

Một điểm đáng chú ý trên thị trường là trong khi nhà đầu tư nội đang hạn chế giao dịch trong những phiên gần đây thì khối ngoại lại tỏ ra tích cực giao dịch và đóng góp khá lớn vào tổng giá trị thanh khoản.

Số liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong tháng Tư, nhà đầu tư nước ngoài duy trì xu thế mua ròng, tổng cộng có 55,10 triệu cổ phiếu được khối ngoại thực hiện chuyển nhượng; trong đó có 31,74 triệu cổ phiếu được mua vào.

Thế nhưng, tại Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), nhà đầu tư nước ngoài mua vào 105,16 triệu chứng khoán, nhưng cũng bán ra một lượng gần tương đương là 96,21 triệu chứng khoán.

Vì vậy, mặc dù cũng đồng tình với những phân tích trên, song ông Minh lại cho rằng: “Tôi vẫn khá lạc quan về xu hướng thị trường ở những tháng cuối năm 2013, cho nên việc điều chỉnh trong tháng Năm này là cơ hội cho các nhà đầu tư trung và dài hạn giải ngân vào các mã cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt với mức giá hợp lý.

Ngoài ra, theo quan sát của tôi, thông thường trong giai đoạn tháng 5 và tháng 6 qua các năm thì hoạt động giải ngân của các quỹ ngoại Midcap (vốn hóa vừa) và Smallcap (vốn hóa nhỏ) sẽ diễn ra khá nhiều”./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục