Sắp có "sóng ngành"

Tháng 7, chứng khoán có "sóng" theo nhóm ngành

Theo các chuyên gia, vào tháng 7, thị trường có xu hướng phân hóa ngành khá mạnh, phù hợp với hoạt động đầu tư "lướt sóng" ngắn hạn.
Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, trong tháng Bảy, thị trường có xu hướng phân hóa ngành khá mạnh, phù hợp với các hoạt động đầu tư "lướt sóng" ngắn hạn. Kết quả kinh doanh quý II của các công ty niêm yết sẽ là điểm tựa để nhà đầu tư lựa chọn các "bước sóng."

Trong suốt 6 tháng qua, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index, bị ghìm chân xung quanh vùng kỹ thuật 500 điểm. Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính của sự lình xình này là do thông tin vĩ mô trong nước chưa có sự đột biến.

Thị trường chứng khoán đã bước sang những phiên giao dịch đầu của quý III, song trên thực tế biến động của thị trường vẫn chưa chỉ ra được một xu hướng rõ nét.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Khối Phân tích – Đầu tư tại Công ty cổ phần Chứng khoán SME, hiện tại nhà đầu tư chưa thể kỳ vọng nhiều vào các yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế, thì tin kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ là những thông tin có giá trị nhất cho hoạt động đầu tư.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Khối Phân tích tại Công ty cổ phần Chứng khoán APEC lại chỉ ra, kết quả kinh doanh sáu tháng qua của các đơn vị niêm yết nhìn chung của chưa có gì khởi sắc.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Hùng nhận định, mặt bằng chung về kết quả kinh doanh quý II sẽ không có nhiều bất ngờ, so với quý II năm 2009 khả năng có doanh nghiệp tăng trưởng âm (quý II/2009 là tiêu điểm của chính sách nới lỏng tiền tệ) và có thể chỉ tăng nhẹ so với quý I, song song với tốc độ tăng trưởng tín dụng và mặt bằng lãi suất.

Theo ông Hùng, các nhóm ngành sẽ có sự phân hóa lớn về chất lượng tăng trưởng. Nhóm ngành vật liệu xây dựng (trừ thép) và bất động sản (nhất là các công ty có các dự án lớn khu vực phía Bắc) có khả năng tăng mạnh nhất. Trong khi các nhóm ngành ngân hàng, ngành công nghệ thông tin và thép có thể không có được kết quả như dự kiến.

Một yếu tố cần phải chú ý là quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc trong tháng Sáu.

Trên khía cạnh xuất khẩu, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc hiện nay là nguyên liệu thô, nông sản phẩm và cao su. Trong đó giá nguyên liệu thô và cao su được "neo chặt " bởi đồng USD và phụ thuộc vào diễn biến thị trường thế giới do đó việc đồng NDT tăng giá sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá trị xuất khẩu hai sản phẩm này của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Vậy, nông sản phẩm sẽ là ngành hứa hẹn sẽ được lợi từ việc tăng giá đồng NDT, năm 2009 Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam trên 2 tỉ USD hàng nông sản, chỉ đứng sau Mỹ và là quốc gia duy nhất tăng nhập khẩu nông sản của Việt Nam (tăng 10,1%, khoảng 187,9 triệu đô la so với năm 2008).

“Đây là điều kiện cho nông sản Việt Nam sẽ dễ dàng thâm nhập hơn vào thị trường này, đặc biệt với các ngành hàng có truyền thống xuất khẩu sang Trung Quốc như cao su, hạt điều, gỗ, hoặc các ngành hàng tiềm năng như sắn, cà phê, thủy sản,” ông Hùng chỉ ra những yếu tố thuận lợi tại ngành xuất khẩu các mặt hàng này.

Về ngành cao su thiên nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Bình, đây sẽ là ngành hứa hẹn có lợi nhuận tốt. Nguyên nhân giá dầu thế giới có xu hướng tăng, sẽ đẩy giá cao su nhân tạo tăng (đây là chế phẩm của dầu) và kéo giá cao su thiên nhiên tăng theo.

Với diễn biến thị trường tháng Bảy, ông Nguyễn Việt Hùng dự báo, trong giai đoạn thiếu các thông tin để nhà đầu tư lựa chọn “lướt sóng‟ thì kết quả kinh doanh quý II có thể là điểm tựa lớn nhất.

So với các công ty lớn, các công ty quy mô vừa và nhỏ ít được quan tâm và có khả năng xoay sở tốt hơn về kết quả hoạt động kinh doanh nên các penny stock [mã cổ phiếu trị giá thấp - PV] vẫn có khả năng giữ được sức hút trong tháng Bảy.

Từ nhận định như trên, thị trường tháng Bảy sẽ đón nhận xu hướng phân hóa ngành khá mạnh, phù hợp với các hoạt động đầu tư "lướt sóng" ngắn hạn, thanh khoản có thể được cải thiện, thay đổi sẽ mạnh hơn trong giai đoạn nửa sau của tháng khi báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bắt đầu được công bố.

“Cơ bản, khả năng thị trường giảm điểm mạnh trong tháng Bảy cũng không còn lớn như tháng Năm và Sáu nhưng tôi cũng không kỳ vọng vào khả năng thị trường chứng khoán bứt phá trong điều kiện thị trường tài chính toàn cầu nhiều biến động hiện nay,” ông Hùng nói./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục