Tháng cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Trong tháng đầu tiên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ yếu tập trung vào việc lật lại các chính sách đối ngoại đơn phương "Nước Mỹ trước tiên" của người tiền nhiệm Donald Trump.
Tháng cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin Kyodo, trong tháng đầu tiên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ yếu tập trung vào việc lật lại các chính sách đối ngoại đơn phương "Nước Mỹ trước tiên" của người tiền nhiệm Donald Trump và phong cách lãnh đạo khó đoán của ông này.

Tuy nhiên, chính quyền ông Biden khẳng định rõ rằng họ sẽ kế thừa quan điểm cứng rắn của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc. Mặc dù vậy, kế hoạch liên quan tới Triều Tiên vẫn chưa rõ ràng.

Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Koji Tomita nói: "Ấn tượng của tôi là chúng ta đang chứng kiến xu hướng cứng rắn với Trung Quốc vẫn tiếp tục." Tuy nhiên, đại sứ Tomita cho rằng khác với thời của Tổng thống Trump, chính quyền của Tổng thống Biden đang "tìm cách hợp tác và tham vấn với các đồng minh khi xem xét mối quan hệ với Trung Quốc."

Trong bài phát biểu đầu tiên kể từ khi nhậm chức trước khán giả toàn cầu hôm 19/2, Tổng thống Biden đã tập hợp các quốc gia ở châu Á và châu Âu để cùng nhau chuẩn bị cho cái mà ông coi là "cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc," đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy lùi "các hành động lạm dụng và cưỡng bức kinh tế" của Bắc Kinh.

[Người Mỹ tin tưởng chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden]

Trước đó, trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Biden đã phát đi tín hiệu rằng ông sẽ bảo vệ các giá trị của Mỹ như nhân quyền và dân chủ, đồng thời cảnh báo trong một sự kiện được phát trên truyền hình về “những hậu quả" có thể xảy ra đối với các hành động đàn áp của Trung Quốc, chẳng hạn như chống lại người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Trên mặt trận an ninh, chính quyền của Tổng thống Biden đã đưa ra cam kết "vững chắc" đối với Đài Loan - một hòn đảo dân chủ đang phải đối mặt với sức ép từ Bắc Kinh, đồng thời nhiều lần khẳng định với Nhật Bản rằng cam kết quốc phòng của Mỹ bao trùm cả quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang kiểm soát và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Hoa Đông và gọi là Điếu Ngư.

Theo các thông báo của Hạm đội 7, trong tháng qua, Hải quân Mỹ đã 2 lần thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông, với nỗ lực nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền và hành động của Trung Quốc ở vùng biển đang tranh chấp này.

Vào cuối tháng 1/2021, Thư ký Báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki cho rằng Mỹ cần có một "cách tiếp cận mới" đối với Trung Quốc để đối phó với cường quốc kinh tế châu Á đang "ngày càng độc đoán hơn ở trong nước và quyết đoán hơn ở nước ngoài" này.

Tuy nhiên, một số chuyên gia về chính sách đối ngoại cho rằng việc hoạch định một chính sách mới là "thách thức thực sự" đối với chính quyền của Tổng thống Biden trong bối cảnh họ muốn thăm dò việc hợp tác với Bắc Kinh trong các lĩnh vực phục vụ lợi ích của nước Mỹ, có thể là các vấn đề như biến đổi khí hậu.

Ông John Kerry, Đặc phái viên của chính quyền của Tổng thống Biden phụ trách vấn đề khí hậu, đã nói rằng Mỹ phải xử lý vấn đề Trái Đất ấm lên với Trung Quốc như một "vấn đề riêng rẽ quan trọng," nhưng ông bác bỏ bất kỳ sự đánh đổi nào (của vấn đề này) với các quan ngại của Mỹ như ăn cắp tài sản trí tuệ và các hành vi đáng lo ngại khác.

Chuyên gia James Lindsay, Phó Chủ tịch của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại - một tổ chức tham vấn của Mỹ - nói: "Tất nhiên, câu hỏi bây giờ là nếu bạn có một chính sách cứng rắn đối với Bắc Kinh thì làm thế nào để bạn có được những nhượng bộ mà bạn muốn đối với những vấn đề mà bạn thấy rằng hai bên cùng có lợi?"

Vị chuyên gia này nhấn mạnh việc hợp tác với các đồng minh và đối tác để xây dựng các chính sách chung nhằm buộc Trung Quốc chơi theo cùng các quy tắc quốc tế là điều "nói dễ hơn làm."

Ông nói: "Bạn không chỉ phải đạt được thỏa thuận về một việc gì đó, mà bạn phải có được thỏa thuận về những gì sẽ được thực hiện, ai sẽ làm điều đó và ai sẽ chi trả cho việc đó. Do vậy, hoạt động ngoại giao rất phức tạp."

Về vấn đề Triều Tiên, chính quyền của Tổng thống Biden đang tiến hành cái mà họ gọi là rà soát "kỹ lưỡng" chính sách, trong đó chỉ rõ trọng tâm của họ sẽ là giảm bớt mối đe dọa từ Triều Tiên đối với Mỹ và các đồng minh, cải thiện cuộc sống của người dân Triều Tiên và Hàn Quốc trong khi duy trì cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

Trong cả hai trường hợp rà soát chính sách về Trung Quốc và Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Biden không đưa ra bất kỳ mốc thời gian rõ ràng nào về thời điểm kết thúc quá trình này.

Ngày 17/2, bà Psaki cho biết Nhà Trắng sẽ "không vội vàng" quyết định cách tiếp cận của mình với Trung Quốc vì trọng tâm hiện nay của họ là giao thiệp với các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết các cuộc tham vấn với các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc về các vấn đề Triều Tiên đang diễn ra.

Tuy nhiên, ngay cả khi chính quyền Tổng thống Biden đang tăng cường nỗ lực khôi phục mạng lưới đồng minh và đối tác để đối phó với những thách thức đang nổi lên, tình hình an ninh trong khu vực này dường như đang xấu đi.

Nhật Bản và các nước láng giềng đang ngày càng lo ngại về sự leo thang trong tranh chấp ở trên biển sau khi Bắc Kinh bắt đầu đưa vào thực thi luật mới vào ngày 1/2, theo đó cho phép lực lượng hải cảnh của nước này sử dụng vũ khí đối với các tàu nước ngoài mà họ cho là xâm nhập trái phép vùng biển của Trung Quốc.

Ngày 19/2, Washington thông báo sẽ cùng Nhật Bản và các nước khác bày tỏ quan ngại về văn bản luật gây tranh cãi này, nhưng các tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục xuất hiện trong lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku vào cuối tuần qua.

Về phần mình, Triều Tiên đã không tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các thiết bị hạt nhân kể từ năm 2017, nhưng nước này dự kiến sẽ tiếp tục tăng cường năng lực quân sự trong lúc các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ vẫn bế tắc.

Chuyên gia Lindsay cho rằng các đồng minh của Mỹ sẽ không lo lắng về quá trình rà soát chính sách hiện nay bởi vì họ hiểu rằng cần có thời gian để tất cả các tổng thống mới của Mỹ "xây dựng các chính sách của họ."

Các chính quyền đều cần thời gian để xây dựng đội ngũ nhân sự của họ do nhiều quan chức cấp cao cần phải được Thượng viện phê chuẩn, và các đồng minh có thể nhận thức được rằng Tổng thống Biden cũng đang phải giải quyết các thách thức đối nội, bao gồm việc kiểm soát dịch COVID-19 và đưa nền kinh tế quay lại quỹ đạo phục hồi.

Mặc dù vậy, chuyên gia Lindsay thừa nhận rằng các quan ngại có thể sẽ tăng cao "nếu các cuộc rà soát chiến lược kéo dài mà không có bất kỳ kết luận nào, hoặc các sự kiện phát sinh mà chính quyền Biden xử lý chậm hoặc xử lý sai lầm.”

Vì vậy, theo chuyên gia này, mặc dù hầu hết các đồng minh, bạn bè và đối tác của Mỹ đều kiên nhẫn nhưng “sự kiên nhẫn đó có giới hạn"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục