Theo ông Andreas Dombret, thành viên ban giám đốc Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank), thặng dư thương mại của Đức, một vấn đề gây căng thẳng giữa quốc gia này với các nước láng giềng châu Âu, không tác động xấu mà là có ích đối với nền kinh tế nước này.
Ông Dombret cho rằng Đức lâu nay đã bị chỉ trích vì mức thặng dư tài khoản vãng lai tương đối cao nhưng cán cân tài khoản vãng lai của nước này không phải là kết quả của các chính sách khác biệt của chính phủ hay kinh tế kế hoạch tập trung.
Trên thực tế, đây là kết quả của những tiến trình hướng tới tự do hóa hơn nữa thị trường, cho thấy các quyết định về đầu tư và tiết kiệm của hàng triệu người tham gia thị trường, và tình trạng thặng dư của Đức chỉ phản ánh các nguyên nhân cơ cấu.
Theo ông Dombret, đối với những quốc gia như Đức, một mức thặng dư tài khoản vãng lai giúp giảm bớt những gánh nặng trong tương lai do sự phát triển nhân khẩu học ở nước này. Về mặt này, thặng dư tài khoản vãng lai không gây ra một tác hại kinh tế mà là một tài sản kinh tế.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang đứng trước sự chỉ trích ngày một tăng đối với tình trạng thặng dư thương mại gia tăng, mà các ý kiến chỉ trích cho rằng điều đó kìm hãm sự hồi phục kinh tế ở các nước láng giềng đang chìm trong nợ công.
Hồi tháng 10 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng Đức cần tận dụng tình trạng thặng dư thương mại để thúc đẩy nhu cầu và giúp Khu vực sử dụngđồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thoát khỏi tình trạng giảm phát.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), thặng dư thương mại của Đức trong tháng 9/2013 đã đạt mức cao kỷ lục 18,9 tỷ euro (25,5 tỷ USD) tính theo các yếu tố mùa vụ.
Trước đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho rằng "lời giải cho những khó khăn hiện nay của Eurozone không phải là làm suy yếu các nền kinh tế thành viên mạnh nhất của Eurozone mà là củng cố các nền kinh tế yếu hơn của khu vực này./.