Tháng Tám: Siết “lò xo” tăng áp lực nén thị trường

Trong tháng Tám, nhiều khả năng VN-Index tiếp tục giằng co và có thể thị trường sẽ có sự điều chỉnh dưới mốc hỗ trợ kỹ thuật 480 điểm.

Nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục giằng co, song một số chuyên gia đã dự báo, rất có thể thị trường sẽ có một cuộc đánh xuống dưới mốc hỗ trợ kỹ thuật để qua đó tạo sức bật giúp VN-Index bứt phá.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, trong tháng Tám thị trường không có nhiều yếu tố hỗ trợ để tăng trưởng.

Nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục giằng co, song một số chuyên gia đã dự báo, rất có thể thị trường sẽ có một cuộc đánh xuống dưới mốc hỗ trợ kỹ thuật để qua đó tạo sức bật giúp VN-Index bứt phá.

Duy trì chiến thuật “ăn quẩn”


Sau tháng Năm thăng trầm, thị trường chứng khoán tháng SáuBảy rơi vào trạng thái giao dịch giằng co quyết liệt, VN-Index rung lắc mạnh xung quanh vùng 500 điểm khiến thanh khoản trên thị trường ngày càng sụt giảm. Hoạt động giao dịch thị trường diễn ra có nhiều nét  tương đồng với những dự đoán của giới chuyên gia trước đó.

Tuy nhiên có một điểm khác biệt lớn đã không diễn ra như kỳ vọng trước đó của các thành viên trên thị trường, thông tin về kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp gần như đã ra hết và nó lại không quá nổi bật để có thể tạo ra một “cuộc khởi biến biến mới” trong tháng Tám.

Theo ông Phan Anh Tú, Trưởng phòng Môi giới Công ty Chứng khoán SME, thị trường lình xình đi ngang trong suốt tháng Bảy và đuối dần ở thời điểm cuối. Trong khi đó các thông tin doanh nghiệp và thông tin vĩ mô của nền kinh tế không có gì đột biến, khiến nhà đầu tư càng tích lũy càng thêm hoang mang, lo lắng.

“Đầu tư không nhìn thấy lãi ngay nên một lượng tiền lớn từ nhà đầu tư cá nhân đã được rút ra khỏi thị trường, trong xu hướng chờ đợi và quan sát,” ông Tú nhận định.

Ông Nguyễn Trinh Hiếu, Phó giám đốc Công ty Tư vấn và Đầu tư S&D cho hay, nội tại của thị trường tương đối yếu, nguyên nhân là do nhà đầu tư đã tích lũy nhiều từ thời điểm VN-Index tại vùng 510-512 điểm. Tính về kỹ thuật thị trường giảm không nhiều, nhưng biến động sụt giá tại các cổ phiếu “làm giá” là khá lớn, nên sẽ có không ít người sẽ tìm cách thoát ra khi thị trường vừa tăng ngắn.

“Yếu tố giằng co sẽ là 50:50 và tôi không cho rằng tháng Tám sẽ là tháng hy vọng của thị trường,” ông Hiếu quả quyết.

Ông Tú cũng thú thật, diễn biến thị trường trong thời gian qua đang khiến giới chuyên gia và nhà đầu tư cả cá nhân và tổ chức đầu trở nên lúng túng trong việc xác định, dự báo để đưa ra các quyết định đầu tư. Do đó, trong tháng Tám, để duy trì sự có mặt trên thị trường trong giai đoạn chờ “thời”, giới đầu sẽ phải tiếp tục vận dụng chiến lược “ăn quẩn” để tồn tại. Và khi đó, dòng cổ phiếu thị giá thấp và khối lượng lưu hành thấp vẫn là những con mồi hấp dẫn nhà đầu tư.

“Sẽ có những cổ phiếu phát sinh tăng trần tới vài phiên liên tiếp mà không cần biết lý do và đây cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ nâng đỡ VN-Index trong thời điểm thị trường chưa có hướng đi rõ ràng,” ông Tú dự báo.

Mua đỏ, bán xanh trong thời gian rất ngắn là giải pháp tương đối hợp lý cho những ai muốn tiếp tục có mặt trên thị trường. Đây cũng là nhận định của ông Nguyễn Trinh Hiếu.

Ông Hiếu chỉ ra rằng, hiện nay trên thị trường các nhà đầu tư lớn nắm giữ số lượng cổ phiếu hàng trăm nghìn mỗi mã dường như không giao dịch nhiều, vì vậy họ sẽ cho những tay lướt sóng vay mượn đánh lên, đánh xuống thông qua hình thức thế chấp khoảng 30% giá trị, lãi suất tương đối thấp khoảng trên 1% tháng.

Tác động “nén” thị trường bằng ngoại lực


Ông Nguyễn Trinh Hiếu đánh giá sâu hơn, thị trường đã đi ngang trong suốt thời gian dài, theo phân tích kỹ thuật mốc 480 điểm của VN-Index vẫn là ngưỡng hỗ trợ tích cực. Vì vậy, các nhà đầu tư lớn hay các tổ chức đã tích lũy đủ nguồn hàng có giá trị tốt thì việc nắm giữ vẫn là biện pháp tối ưu, kể cả khi thị trường có điều chỉnh chút ít.

“Tình hình như hiện tại, các nhà đầu tư này không có lý do nào phải chạy. Thậm chí họ còn tích lũy thêm và yên tâm kỳ vọng VN-Index nhiều khả năng sẽ có đợt tăng trưởng khoảng 600 điểm.”

Một chuyên gia thuộc phòng đầu tư của một quỹ có quy mô vốn trên 100 triệu USD cũng tiết lộ, hiện tại quỹ của họ đã giải ngân gần như hết số tiền, trong đó danh mục đầu tư trên thị trường niêm yết chiếm tỷ trọng gần 50% giá trị đầu tư.

“Mặc dù phải làm đẹp báo cáo định kỳ, nhưng chúng tôi vẫn duy trì chiến lược đầu tư trung, dài hạn và dòng cổ phiếu chúng tôi quan tâm vẫn là các cổ phiếu thuộc các doanh nghiệp có chỉ số cơ bản triển vọng và quản trị tốt,” vị chuyên gia trên cho biết.

Với những dữ liệu về thị trường, nhiều chuyên gia đặt ra vấn đề, nếu để thị trường tiếp tục lình xình dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của mốc 480 điểm thì khả năng bật của VN-Index sẽ không cao hơn vùng 525 điểm.

Kế đó các chuyên gia cũng đánh giá, việc mong chờ các thông tin vĩ mô hay chính sách tiền tệ có sự thay đổi đột biến để hỗ trợ vực dậy thị trường tăng mạnh là không nhiều.

Theo cảm quan cá nhân, ông Dương Trí Thắng, Trưởng phòng Môi giới Công ty Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương đánh giá, trên thị trường đang có xu hướng gắn kết tâm lý “đồng thuận đánh xuống” của các nhóm đầu tư cả cá nhân và tổ chức.

“Thị trường đã tích lũy đủ trong một thời gian khá dài rồi và trong điều kiện thông tin hỗ trợ yếu, cần thiết phải có một tác động ngoại lực, được tạo ra từ các nghiệp vụ kỹ thuật của các tổ chức lớn nén thị trường xuống càng mạnh thì sức bật càng cao. Nếu nửa đầu của tháng Tám, VN-Index điều chỉnh được qua mốc 480 điểm xuống được tới vùng 420 điểm thì theo tôi trường sau đó có khả năng bứt phá tới 700 điểm,” ông Thắng dự báo./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục