Thanh Hóa có nhiều kinh nghiệm xây nông thôn mới

Theo PTT Vũ Văn Ninh, tuy mới 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới nhưng Thanh Hóa đã có nhiều kinh nghiệm hay có thể nhân rộng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh ghi nhận: tuy mới 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới nhưng Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp, kinh nghiệm hay có thể nhân rộng ra các địa phương khác.

Ngày 2/7, thăm làm việc tại tỉnh Thanh Hóa, về tình hình phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm nay và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được; nhấn mạnh rằng mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Thanh Hóa đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, nhờ đó một số mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đạt cao hơn bình quân chung của cả nước, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.

Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thanh Hóa đã chú ý đến việc quán triệt, tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của Chương trình để nâng cao và làm thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, từ đó tạo được sự đồng thuận của nhân dân, tạo thành phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh giúp người dân chủ động và tích cực tham gia chương trình.

Tỉnh cũng đã quan tâm và hoàn thành công tác quy hoạch; quan tâm đến vấn đề gắn sản xuất vào quy hoạch theo hướng mỗi xã một sản phẩm; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ để tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững. Ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, Thanh Hóa cũng đã chủ động huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng tại các xã. Đặc biệt, tỉnh đã kết hợp triển khai xây dựng nông thôn mới ở tất cả các vùng, miền, xây dựng từ thôn, bản, hoàn thành chỉ tiêu đến đâu chắc đến đó.

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, quan tâm đến vấn đề giải quyết nợ xấu, thu ngân sách trên địa bàn. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt chăm lo đến đời sống của người dân nghèo...

Riêng Chương trình xây dựng nông thôn mới, phải xác định rõ đây là chương trình quan trọng mang tính chiến lược, lâu dài nên không vội vàng, phải thực hiện thường xuyên, kiên trì. Tỉnh phải chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình này; chủ động rà soát lại các quy hoạch, trong đó chú ý các quy hoạch phải đảm bảo được yêu cầu phát triển trong tương lai, nhất là quy hoạch về sản xuất phải gắn với chế biến, tiêu thụ để đảm bảo tính bền vững. Tỉnh cũng cần nhân rộng các cách làm hay, có hiệu quả trong việc huy động nguồn vốn từ nhân dân...

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã ghi nhận và đề nghị các bộ, ngành liên quan lưu ý các ý kiến đề xuất của Thanh Hóa kiến nghị với Chính phủ, như quan tâm xúc tiến, bố trí nguồn kinh phí hợp lý để tỉnh sớm triển khai, hoàn thiện các dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; đầu tư cơ sở hạ tầng của Khu kinh tế Nghi Sơn; bố trí tăng mức kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng trụ sở xã, hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới; xem xét, hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại do giống lúa BC 15 bị lép hạt vụ Đông Xuân...

Trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Thanh Hóa ổn định và phát triển. Trong tổng số 9 chỉ tiêu chủ yếu, một số chỉ tiêu đã vượt và xấp xỉ đạt 50% kế hoạch cả năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 8,8%; giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản đạt trên 3.800 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 12.500 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ; huy động đầu tư phát triển ước đạt trên 22.700 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái...

Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sau 3 năm, Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực: nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng cao. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cải tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân nông thôn. Tỉnh đã hình thành nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh...

Đến nay, Thanh Hóa đã có 100% số xã được phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới, có 566 xã đã phê duyệt xong đề án nông thôn mới. Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2010 đến nay đạt trên 10.000 tỷ đồng; trong đó vốn huy động từ nhân dân và cộng đồng đạt trên 2.400 tỷ, chiếm 24,63%.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn khác, sau 3 năm thực hiện Chương trình, các xã đã đầu tư, nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới được trên 4.000km đường giao thông nông thôn; 1.150km kênh mương nội đồng; gần 3.000 phòng học; gần 600 nhà văn hóa thôn; chỉnh trang và xây mới trên 36.000 nhà ở dân cư; hoàn thành và đưa vào sử dụng trên 16.000 công trình cấp nước sinh hoạt và công trình vệ sinh...

Thanh Hóa đang tiếp tục chỉ đạo, lựa chọn xây dựng và nhân rộng 291 mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Toàn tỉnh hiện có 931 hợp tác xã, 583 trang trại. Hiệu quả hoạt động của các mô hình, hợp tác xã đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn lên mức 13,5 triệu đồng/người, giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 18,02% (tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 17,3%).../.

Nguyễn Mai Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục