Thanh Hóa: Giảm tình trạng trẻ bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang

Tại tỉnh Thanh Hóa những năm gần đây đã giảm được tình trạng trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Thanh Hóa: Giảm tình trạng trẻ bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang ảnh 1Tăng cường đưa dịch vụ tư vấn, xét nghiệm về cộng đồng. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS, song nếu bà mẹ mang thai được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn 2 - 6%, thậm chí là 0%.

Nhờ triển khai Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tại tỉnh Thanh Hóa những năm gần đây đã giảm được tình trạng trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

[Hà Nội cam kết mục tiêu 90-90-90 phòng chống HIV/AIDS]

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, thực hiện từ năm 2009, Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại tỉnh đã được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hình thức phong phú và đa dạng.

Để chương trình đạt hiệu quả cao, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai tới cấp xã, phường, đưa dịch vụ đến gần với người dân, tạo cơ hội cho phụ nữ mang thai tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 22 phòng khám ngoại trú đặt tại các Bệnh viện đa khoa huyện và 19 xã có triển khai khám, cấp thuốc điều trị thuốc kháng virus ARV.

Tại các điểm cung cấp dịch vụ này, phụ nữ mang thai khi đến khám thai sẽ được tư vấn, xét nghiệm HIV. Nếu phát hiện nhiễm HIV, phụ nữ mang thai được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng ARV từ tuần thai thứ 14.

Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đang quản lý tại các cơ sở có triển khai chương trình toàn diện, được hỗ trợ sữa ăn thay thế sữa mẹ, được điều trị dự phòng bằng ARV trong 4 tuần sau sinh. Trẻ còn được điều trị dự phòng các nhiễm trùng cơ hội và chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV bằng phương pháp xét nghiệm tìm kháng nguyên (PCR). Tất cả các dịch vụ này được cung cấp miễn phí.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được triển khai bằng nhiều hình thức như truyền thông trực tiếp tại các buổi tập huấn, thảo luận, tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân, truyền thông lưu động. Đến nay đã có hơn 10.000 phụ nữ mang thai được tư vấn và xét nghiệm HIV quay lại lấy kết quả tại các cơ sở tư vấn và điều trị.

Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2018 (từ 1/6 đến 30/6) với chủ đề “Xét nghiệm sớm - hướng tới loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con vào năm 2020.”

Hưởng ứng tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tỉnh Thanh Hóa kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ cùng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác phòng chống HIV/AIDS. 

Để giảm sự  kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, ngành y tế của tỉnh cũng tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con… giảm bớt nỗi đau và gánh nặng cho những phụ nữ đang sống chung và chịu ảnh hưởng bởi AIDS.

Chị Đặng Thị D. (phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa) phát hiện mình bị nhiễm HIV do lây nhiễm từ chồng vào năm 2016 trong một lần đi khám thai.

Chị D. được các y bác sỹ tư vấn, hướng dẫn, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV.

Suốt 9 tháng thai kỳ, chị D. đã kiên trì tham gia điều trị đều đặn theo sự tư vấn, hướng dẫn của bác sỹ và được tham gia Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Chị D chia sẻ: “Cả hai vợ chồng bị nhiễm HIV/AIDS khiến cho cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ sự giúp đỡ tận tình của các y, bác sỹ Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, con gái tôi sinh ra kết quả âm tính với HIV, hiện cháu phát triển tốt và hoàn toàn khỏe mạnh. Đây sẽ là niềm vui, là động lực để cả gia đình tôi cố gắng để cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn."

Ông Lê Trường Sơn - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa khẳng định: "Việc xét nghiệm sớm HIV đối với phụ nữ mang thai rất quan trọng, nếu được phát hiện sớm và có phác đồ điều trị sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS.”

Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả, rất cần sự tham gia của cả cộng đồng, xã hội nhằm giảm đáng kể số trẻ bị phơi nhiễm HIV từ mẹ.

Thời gian tới, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Thanh Hóa tiếp tục tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV sớm ngay trong những tháng đầu của thai kỳ, giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Bên cạnh đó là việc quảng bá, giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có tại địa phương; mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại tuyến xã, giúp các bà mẹ mang thai nhiễm HIV được phát hiện sớm để có biện pháp dự phòng kịp thời.

Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường hình thức xét nghiệm lưu động tại nơi có tình hình dịch cao, bảo đảm đủ test để xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, nhất là đối tượng có nguy cơ cao.../.

(TTXVN/Vietam+)

Tin cùng chuyên mục