Ngày 10/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác Trung ương đã đi thực tế, chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 14 tại tỉnh Thanh Hóa.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa và các ngành chức năng tại địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu địa phương phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 14; lường trước những diễn biến bất thường để kịp thời ứng phó nhanh nhạy, chính xác. Công tác chuẩn bị của Thanh Hóa được thực hiện một cách chu đáo từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo thực hiện tốt chủ trương từ Trung ương đến tỉnh một cách nghiêm túc.
Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Thanh Hóa làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo, thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của cơn bão.
Đối với việc sơ tán người dân khu vực ven biển, Phó Thủ tướng cho rằng đây là cuộc sơ tán số lượng dân lớn; phải tuyên truyền, vận động để người dân tự giác chấp hành.
Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh Hóa phải thường xuyên kiểm tra việc sơ tán dân, kiên quyết không để người nào ở lại khu vực nguy hiểm. Đồng thời, sau cơn bão này phải rút kinh nghiệm về việc sơ tán người dân, cập nhật sơ đồ sơ tán dân; tiếp tục theo dõi để đối phó với những diễn biến tiếp theo của cơn bão, không cho phép địa phương được chủ quan.
Đối với các kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa về việc tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều tại địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp để có sự đầu tư kịp thời; tỉnh phải tuyên truyền cho người dân khu vực hạ du biết lịch xả lũ hồ đập.
Theo báo cáo nhanh của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, sáng 10/11, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ký công điện yêu cầu sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm thuộc 6 huyện, thị xã ven biển với trên 10.000 dân trước 18 giờ cùng ngày. Tuy nhiên, đến chiều 10/11, nhận thấy hướng đi của cơn bão số 14 dần lên phía Bắc không gây ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ngưng việc sơ tán dân khu vực ven biển.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các huyện miền núi có kế hoạch tổ chức sơ tán dân tại 81 xã với 4.492 hộ/19.504 người ra khỏi các vùng đặc biệt nguy hiểm, có nguy có xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Đến chiều 10/11, tỉnh Thanh Hóa đã sơ tán được gần 1.914 hộ/8.059 người. Tỉnh nghiêm túc chấp hành các công điện của Trung ương; đồng thời, ban hành 4 công điện yêu cầu tất cả các cấp, các ngành và người dân cảnh giác cao độ, triển khai nghiêm ngặt các phương án phòng chống bão lũ.
Tỉnh Thanh Hóa có 103/610 hồ chứa nước không đảm bảo an toàn; tỉnh đã chỉ đạo không tích nước hoặc chỉ tích nước một phần, tính toán xả bớt nước trong các hồ chứa để khi có mưa lũ lớn xảy ra bảo đảm dung tích trữ lũ, không để xảy ra vỡ đập.
Tỉnh đã có kế hoạch dự trữ về lương thực và một số mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhân dân các huyện miền núi và các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lụt với số lượng 577 tấn gạo tẻ; 8.675 thùng mỳ tôm, lương khô; gần 2.900 thùng nước đóng chai; 580 tấn muối iot; 25.700 m2 vải bạt; 782.000 lít dầu diezel; 780.000 lít xăng; 187.000 lít dầu hỏa./.