Thành Kèn - "Pho sử quý" trước nguy cơ đổ nát

Thành Biên Hòa ngày nay hay còn gọi là Thành Kèn, một "pho sử quý" đang đứng trước nguy cơ đổ nát và bị chiếm dụng trái phép.
Thành Biên Hòa tại tỉnh Đồng Nai ngày nay hay còn gọi là Thành Kèn, một "pho sử quý" đang đứng trước nguy cơ đổ nát và bị chiếm dụng trái phép.

Chứng nhân lịch sử

Theo thư tịch cổ, Thành Biên Hòa ngày nay (hay còn gọi là Thành Kèn), từ thế kỷ XIV-XV có tên là “Thành Cựu”.

Đến thời Nhà Nguyễn (thế kỷ XIX) thành được xây dựng trên nền của Thành Cựu và được đổi tên là Thành Biên Hòa. Tháng 12/1861, thực dân Pháp đã phá dỡ thành này và xây dựng lại với quy mô chỉ bằng 1/8 thành cũ, gọi là thành Xăng Đa, phiên âm từ tiếng Pháp Soldat – nghĩa là “Thành Lính”.

Vào buổi sáng, lính thường sử dụng kèn báo thức, âm thanh vang cả một vùng, nên người dân thường gọi là “Thành Kèn”. Thành Kèn được xây dựng trên khuôn viên có tổng diện tích 10.816 m2.

Vào thời nhà Nguyễn, Thành Kèn thuộc thôn Bàn Lân, huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa, hiện nay thuộc khu phố 1, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Sau khi Thành Biên Hòa bị chiếm đóng, ngoài việc cho thu hẹp diện tích, thực dân Pháp còn xây dựng thêm nhiều hạng mục công trình bên trong thành như: Các khu nhà biệt thự với một tòa phía tây bắc và một tòa phía đông nam

Những ngôi nhà này được xây dựng với 3 tầng có sàn gạch, mái ngói, vòm cuốn, hệ thống cửa thông gió cho cả tòa nhà, trong đó đáng chú ý là sàn gạch được chia nhỏ bằng các thanh thép hình to dày, sau đó ghép gạch lại với nhau bằng chất kết dính là vữa và vôi. Theo đánh giá của các chuyên gia, Thành Kèn là công trình di tích có giá trị lớn về lịch sử và khoa học.

Các công trình kiến trúc và những dấu tích còn lại là những tư liệu quý giá về kỹ thuật xây dựng vào thời kỳ đầu chế độ đô hộ thực dân. Trong đó, khá rõ nét là công trình phòng thủ quân sự và công trình nhà làm việc, nhà ở kiểu Pháp; các đoạn tường thành, móng thành và các vị trí chiến đấu. Tại đây cũng thấy ảnh hưởng của “tính bản địa” qua việc sử dụng các vật liệu tại chỗ như gỗ, đá tổ ong, bên cạnh các vật liệu thuần châu Âu như gạch chỉ, thép hình.

Những nghiên cứu về Thành Kèn cho thấy, nhiều kỹ thuật xây cổ vẫn còn giá trị cho các nhà nghiên cứu về công nghệ xây dựng ngày nay như: Các sàn gạch bằng vữa vôi, kết cấu giàn mái bằng thép - gỗ, cấu tạo thông gió trong ngôi nhà, cách thức lợp mái hiện đại nhưng lại xuất hiện hơn một thế kỷ trước và kỹ thuật chống sét cũng như hệ thống kỹ thuật cuốn vòm bằng gạch…

...Và nguy cơ thành đống đổ nát

Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu, cùng với thời gian tồn tại hàng trăm năm, Thành Kèn là chứng nhân lịch sử của triều Nguyễn, cũng là pho sử ghi lại một thời kỳ đấu tranh anh dũng của người dân Biên Hòa và miền Đông Nam bộ trong đấu tranh chống thù trong giặc ngoài và bảo vệ Tổ quốc.

Thế nhưng, điều xót xa cho công trình di tích có ý nghĩa cả về mặt lịch sử và khoa học này là hiện đang bị xâm chiếm và xuống cấp nghiêm trọng.

Các bức tường hầu như đã bị nứt và bong tróc, nhiều chỗ bị ẩm mốc. Rễ cây cổ thụ đã ăn xuyên qua tường làm nứt mạch xây và vữa trát. Hiện di tích Thành Kèn chỉ còn lại các hạng mục như nhà cổ 3 tầng, nhà cổ 2 tầng và các đoạn tường thành và móng thành. Tuy nhiên, các công trình này đều bị rễ cây ăn vào làm xuyên tường, nhiều đoạn bị bong tróc nghiêm trọng. Sàn gạch của tòa nhà trong thành đã bị han rỉ làm bong các lớp vữa trát, khiến khối gạch nằm giữa tụt khỏi khuôn, làm thủng sàn.

Ngoài ra giàn mái cũng như các cửa trên mái lấy gió, ống khói hầu như đã hư hỏng nặng. Riêng hệ thống phòng thủ nhiều đoạn tường thành cũ đã bị sập đổ. Khuôn viên của khu di tích Thành Kèn đang bị người dân chiếm dụng để trông giữ xe, tập kết vật liệu xây dựng. Hệ thống phòng thủ trong thành hiện cũng đã bị sập đổ.

Theo khảo sát của Ban quản lý di tích danh thắng tỉnh Đồng Nai, trước đây, Thành Kèn còn có hệ thống cống ngầm phía dưới, nhưng hiện công trình này có thể đã bị vùi lấp. Có người còn cho rằng thành còn có cả hệ thống hầm ngầm và địa đạo nối liền với các khối nhà cổ...

Để cứu lấy di tích lịch sử Thành Kèn, pho sử quý giá này, theo các chuyên gia, chính quyền địa phương cần nhanh chóng lập dự án phục hồi các hạng mục trên, thực hiện ngay các công đoạn trùng tu, tôn tạo di tích trước khi công trình này chỉ còn là... đống đổ nát./.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục